Gần 2 thập kỷ qua, cứ tới dịp cuối năm, người dân TP.HCM lại háo hức chờ đón thông tin về Đường hoa Nguyễn Huệ, để xem năm nay có gì mới, đặc sắc ra sao.

Lần đầu tiên ra mắt vào Tết Giáp Thân năm 2004, cùng với thời gian, Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đã vượt lên một công trình, điểm hẹn quen thuộc để trở thành "văn hóa đường hoa", một nét đặc trưng riêng và niềm tự hào của người dân TP.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 1.

Tính đến Tết Quý Mão 2023, Đường hoa Nguyễn Huệ là đường hoa thứ 20 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM.

Ông Trương Đức Hùng, phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Saigontourist Group, kiêm trưởng ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ 2023, chia sẻ: Năm 2022, Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng đã đạt được những bước hồi phục ấn tượng trong tất cả các lĩnh vực. 

Thành tựu này đã được Saigontourist Group dày công thể hiện trong thiết kế công trình Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 như một thông điệp mạnh mẽ cho bước phát triển đột phá của thành phố, tạo khí sắc lạc quan cho năm mới, đồng thời tôn vinh đường hoa đạt dấu mốc 20 năm.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 2.

Đặc biệt, trên diện tích hơn 240m2 sau lưng cổng chào đường hoa 2023, khách thưởng ngoạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 19 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào đường hoa trong hai thập kỷ, có dịp chụp ảnh chung với hình ảnh đại diện con giáp của mình, và đặc biệt hơn là có thể so sánh hai tạo hình khác nhau của cùng một linh vật.

Qua 20 năm đường hoa, tổng cộng có 8 linh vật đã đến, đã đi và quay trở lại gồm các linh vật: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Các linh vật tại đại cảnh "Vùng ký ức" được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa.

Được tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004, đó là năm duy nhất đường hoa không có hình ảnh linh vật. Đến các năm Bính Tuất 2006 và Đinh Hợi 2007, linh vật cổng đường hoa là hình ảnh đàn chó đá và bầy heo đất, vốn là những hình ảnh quen thuộc thường thấy trong đời sống hằng ngày. 17 năm còn lại, linh vật cổng đường hoa được thiết kế riêng, luôn là tâm điểm được nhiều người chờ đợi.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 3.


20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 4.

Quy trình xây dựng Đường hoa Nguyễn Huệ cũng được tổ chức giống như quy trình của một công trình xây dựng, có giám sát, đánh giá, thi công và phải tuân thủ các tiêu chuẩn. Nhưng chỉ có điều khác biệt ở đây là công trình chỉ tồn tại trong 2 tuần và sau đó phải dẹp đi để trả lại mặt bằng cho thành phố.

Ông Trần Hùng Việt, nguyên tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết đường hoa được thực hiện dưới sự chỉ đạo UBND thành phố, Saigontourist Group là đơn vị tổ chức thực hiện. 

Hằng năm, ban tổ chức thực hiện đường hoa được thành lập và những người tham gia đều ý thức rằng đang được đóng góp vào một trong những công trình ý nghĩa cho thành phố, phục vụ người dân nên hướng về mục tiêu cuối cùng là làm ra một đường hoa đẹp nhất. 

Từ đơn vị thiết kế đến thi công… mọi người đều hợp tác, có những hy sinh thầm lặng cùng cam kết cao nhất và đặc biệt là sự tham gia không đặt nặng quyền lợi của các nhà tài trợ.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 5.

Gắn bó trong vai trò trưởng ban tổ chức đường hoa gần 15 năm, ông Trần Hùng Việt chia sẻ, ông vẫn nhớ cảm giác "tuyên bố giải tán ban tổ chức" vì điều đó có nghĩa một nhiệm vụ đã được hoàn thành.

Có thể nói, hành trình của 20 năm của đường hoa là hành trình nối tiếp, không ngừng nghỉ. Dù bây giờ đã về hưu, nhưng mỗi năm cứ đến những ngày bắt đầu làm đường hoa, ông Hùng Việt lại nhớ không khí rộn ràng ấy, thỉnh thoảng ghé đường hoa gặp gỡ, xem anh em thi công. 

Hay nhiều lãnh đạo UBND thành phố, cứ chiều chiều lại ra đường hoa, tới giờ ăn tối thì cùng ngồi ăn chung với anh em, bữa ăn râm ran những câu chuyện ngày Tết.

"Với tôi, mỗi đường hoa là một lần tâm huyết của những người thực hiện. Có rất nhiều thách thức khi thiết kế cũng như thi công phải tính toán rất kỹ, vừa đảm bảo tính mỹ thuật, không gây nhàm chán cho du khách nhưng vẫn đảm bảo không quá quy mô, hoành tráng, tránh lãng phí. 

Thỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện vui vui, đáng nhớ và càng thấm hơn nỗ lực của những người góp tay xây dựng nên đường hoa", nguyên tổng giám đốc Saigontourist Group chia sẻ.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 6.

Ông Trần Hùng Việt nhớ lại: có năm đường hoa chọn chủ đề "Xuân biển đảo" và đại cảnh là một chiếc tàu rất lớn. Tàu được chuẩn bị ở khu du lịch Văn Thánh và phải vận chuyển về đường hoa, nhưng chiếc tàu quá lớn và nặng, công nhân phải đặt trên các trục bánh xe để… đẩy bộ. 

Và năm đó, anh em phải đẩy bộ xuyên đêm, chở chiếc thuyền về đường hoa để tránh ảnh hưởng giao thông. Hay để tái dựng một thác nước thật nhất, đẹp nhất, đội thi công phải dùng xe tải chở những tảng đá lớn từ Định Quán (Đồng Nai) về, sau đó chở ngược về trả lại. 

Thông thường, đến vòng chung khảo, trải qua hơn một tháng phát triển và hoàn thiện bản thiết kế, Saigontourist Group và các đơn vị thiết kế đã bổ sung vào đường hoa những ý tưởng mới để cùng hoàn thiện theo đúng chủ đề. 

Chất liệu làm linh vật trên đường hoa cũng không "xác định": Kinh phí thực hiện không được quá đắt đỏ khi tuổi thọ của chúng chỉ khoảng 7 đến 10 ngày. Những sự "ràng buộc" này khiến cho việc thiết kế, thi công đường hoa chưa bao giờ dễ dàng!

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 7.

Bao nhiêu năm đường hoa mở cửa đón khách là bấy nhiêu câu chuyện không thể quên, vừa vui, vừa tự hào, đáng nhớ. Đường hoa cũng chứng kiến nhiều người từng gắn bó từ khi bắt đầu cho đến khi về hưu với nhiều cảm xúc. 

Cứ mỗi dịp xuân về, Đường hoa Nguyễn Huệ đã biến đổi cảnh quan trung tâm thành khu vườn đầy màu sắc và ngập tràn không khí lễ hội.

Trong đó, chủ đề của đường hoa là một trong những nội dung được quan tâm. Không chỉ biểu trưng cho giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc của người dân TP.HCM, chủ đề đường hoa còn là bản thông điệp, lời nhắn gửi của lãnh đạo thành phố về nhiệm vụ, xu hướng phát triển trong năm mới.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 8.
20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 9.

Với 20 năm duy trì và không ngừng đổi mới, đường hoa đã trở thành nét đặc sắc của riêng thành phố mỗi dịp Tết đến xuân về, thể hiện được chất văn hóa của phương Nam, là thích "vui" với cây kiểng một cách phóng khoáng, tái hiện một phần lịch sử chợ hoa Nguyễn Huệ… 

Trên hết đó là một nơi để người dân gửi gắm niềm tin và hy vọng vào một năm mới tươi sáng hơn. Và định hình một "phong tục" với nhiều gia đình: vào ngày Tết phải đi đường hoa Nguyễn Huệ.

Đường hoa đã đón rất nhiều lãnh đạo, các nhà ngoại giao quốc tế đến để cùng hòa vào không khí đón xuân của thành phố. Theo ban tổ chức, trước khi mở cửa hay sau khi đóng cửa đường hoa, họ đều không quên gửi thông điệp rằng: Đường hoa có thể đẹp và tươi cũng như duy trì sau nhiều năm là nhờ ý thức của khách tham quan. 

Thái độ lịch sự, trân trọng của tất cả mọi người đến du xuân đã minh chứng rõ ràng cho giá trị cảm hóa và nâng cao ý thức của người dân.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 10.

"Khi cảm ơn những người đóng góp, chúng tôi không bao giờ quên cảm ơn người dân, người thưởng lãm đường hoa đã cùng những người thực hiện gìn giữ đường hoa trong suốt thời gian đường hoa mở cửa. Còn chậu hoa được chuyển đi các công viên tiếp tục sứ mệnh của mình", ông Việt nói.

Trước mỗi dịp Tết, bao giờ những người thành phố cũng tò mò “Đường hoa năm nay có gì mới", trong Tết sẽ hẹn nhau đi để có những kỷ niệm đẹp trên đường hoa. Những người thực hiện đều cảm thấy tự hào và yêu thích khi đường hoa đi vào album ảnh của rất nhiều gia đình TP.HCM. 

Hình ảnh gia đình nhiều thế hệ cùng đi thưởng ngoạn đường hoa hằng năm, có những ông cụ, bà cụ hạnh phúc, rạng rỡ bên đường hoa cùng con cháu… là những khoảnh khắc mà làm cho đường hoa ý nghĩa hơn rất nhiều.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 11.

Biến hóa trên 720m đường hoa Nguyễn Huệ luôn là thách thức mà những người thực hiện không ngừng đòi hỏi bản thân tìm tòi để vượt qua. 

Dưới thời tiết nắng nóng của Sài Gòn, nhiều loại hoa nhanh chóng bị hư hỏng, hay một số loài hoa yêu cầu bảo quản rất khắt khe… khiến đội ngũ nhân viên của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cũng… bở hơi tai. Năm tiếp theo phải nghiên cứu loại hoa mới, vật liệu mới có thể tái sử dụng, để theo đúng thông điệp bảo vệ môi trường, đường hoa xanh…

Mỗi năm chủ đề đường hoa cũng như một "kim chỉ nam" để những nhà thiết kế đi theo phác thảo tinh thần đó. Tiếp tục nắm giữ vai trò ban tổ chức đường hoa, Saigontourist Group cho biết bên cạnh tiêu chí an toàn và tiết kiệm, đường hoa vừa mang lại ước vọng về tương lai tươi sáng đến với công chúng thưởng ngoạn.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 12.

Trên hết đường hoa trở thành niềm tự hào, và món ăn văn hóa không thể thiếu trong 20 năm qua của nhiều lớp người Sài Gòn, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách cũng như người dân thành phố trong những ngày xuân.

Đường hoa còn thể hiện văn hóa hợp tác, năng động của những người tham gia. Cứ qua mỗi năm ban tổ chức muốn thổi hồn vào đường hoa nhiều hơn, cải tiến để đường hợp kịp thời cập nhật những xu hướng mới, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Dự án nghệ thuật công cộng này còn là công cụ quảng bá hữu hiệu một thành phố phát triển, năng động, giàu sức sống, thu hút du khách, giúp ngành du lịch, dịch vụ phát triển…

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 13.
20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 14.

Đã gần 20 năm đường hoa được thực hiện, nhưng những thách thức, bài toán dành cho người thực hiện chưa bao giờ giảm. Mỗi năm có thách thức riêng, câu chuyện riêng. Chúng góp phần cho những sáng tạo, thẩm mỹ dành cho đường hoa hoàn thiện hơn qua mỗi năm.

Ông Nguyễn Đông Hòa, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, làm phó ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ trong những năm gần đây, thì hai năm rơi vào giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì thế, cảm xúc thực hiện đường hoa của vị phó tổng giám đốc này cũng rất đặc biệt.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 15.

Ông nhớ lại, đó là quãng thời gian khó khăn của cả thành phố. 

Trong bối cảnh chống dịch, dù quyết tâm không để Đường hoa Nguyễn Huệ lỡ hẹn năm mới, nhưng phía ban tổ chức cũng thừa nhận triển khai tổ chức đường hoa giai đoạn này không hề dễ dàng và rủi ro rất cao.

"Chúng tôi vừa làm, vừa phập phồng vì làm mà không biết đường hoa được mở cửa hay không, rồi kế hoạch cứ mở - đóng phập phồng. Khi thành phố vẫn quyết định làm đường hoa thì ban tổ chức phải làm việc "đau xót" hơn: làm sao hạn chế lượt người vào tham quan để đảm bảo giãn cách theo yêu cầu chống dịch. 

Chính phủ cũng đã yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Vì thế, lo ngại lớn nhất hiện nay là tổ chức đường hoa mà không có khách hoặc làm hết sức nhưng có thể phải ngưng bất cứ lúc nào.

Năm 2022, đường hoa vẫn được mở cửa, gửi gắm sự tri ân đối với đồng bào cả nước đã dành sự tương trợ, tình cảm to lớn cho TP.HCM trong suốt giai đoạn căng mình chống đại dịch COVID-19. "Vì thế mở cửa đường hoa đón khách tham quan trở lại bình thường Tết Quý Mão 2023 mang rất nhiều ý nghĩa với người dân thành phố và cả ban tổ chức", ông tâm sự.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 16.

19 năm qua, Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành điểm du xuân yêu thích của đông đảo khách thưởng lãm mỗi năm và tạo nên thương hiệu du lịch độc đáo cho TP.HCM vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. 

Những người thực hiện gọi đó là văn hóa đường hoa, vì thế ai cũng ý thức rằng mình đang nỗ lực để gìn giữ một văn hóa đó cho người dân thành phố. Tuy vậy, để có một đường hoa chỉnh chu, hợp nhãn tất cả mọi người thì ban tổ chức cũng phải trải qua các cung bậc cảm xúc đủ cả.

Ông Hòa kể, mới nhất là Đường hoa Nhâm Dần 2022. Năm ngoái những người tham quan đường hoa Nguyễn Huệ thích thú với rừng dừa xuất hiện trong một tiểu cảnh ngay giữa, rất bắt mắt. 

Thế nhưng ít ai biết, thiết kế ban đầu đã chọn một loại cây khác, và rừng dừa là phương án thay thế để xử lý một tình huống "chữa cháy" so với thiết kế ban đầu.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 17.

Để thể hiện ý tưởng chúa sơn lâm trong rừng sâu, nhà thiết kế đã chọn cây lộc vừng. Nhưng khi những cây lộc vừng được chở về đường hoa để ráp vào tiểu cảnh, ban tổ chức đứng nhìn từng cây được chở xuống là chỉ biết… hỡi ơi. Một không gian rộng lớn như đường hoa nhưng những chậu cây lộc vừng thì quá… mảnh mai. 

Ý tưởng để khách có cảm giác đi xuyên qua một khu rừng khi dạo đường hoa và tìm các chú sơn lâm dưới những tán lộc vừng… thì xem như thua. Mọi người trao đổi nhau phải tìm cây thay thế. Chọn cây gì để vừa có cảm giác những tán rộng vừa có thể dễ tìm khi đã cận Tết? Chỉ còn vài ngày nữa là đường hoa khai mạc?

"Ngày 26 và 27 Tết năm ngoái, ban tổ chức và những người thi công đường hoa "lên bờ xuống ruộng" với các phương án thay thế. Cuối cùng cây dừa được chọn và phải làm sao tìm được những cây dừa có chiều cao đồng đều, tạo rặng dừa đẹp thì trần ai và cuối cùng rất may người dân lại khá thích thú!

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 18.

Áp lực nhất vẫn là hình thái của các con linh vật. Đây là nhân vật chính của đường hoa nên sẽ nhận được nhiều quan tâm, ý kiến nhiều chiều. 

Cũng năm ngoái, để thể hiện ý tưởng một chú cọp với bề ngoài tự tin đến lạnh lùng, đầy khí chất, sẵn sàng đối đầu, không ngại thách thức, nhà thiết kế đã đưa ra một con cọp được làm bằng sỏi. Con hổ mang tính nghệ thuật rất cao và nhiều thông điệp đặc biệt là ánh mắt được thiết kế của một chú hổ lạnh lùng..

Nhưng… đó kỳ vọng của nhà thiết kế, thực tế khi mới được đưa ra đường hoa để trang trí ở cổng, chú hổ "zombie" này nhanh chóng gặp phản ứng của cộng đồng. Màu sắc, rồi vẻ ngoài từ thân đến ánh mắt… có sự tranh luận nảy lửa giữa đơn vị thiết kế và nhóm thi công.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 19.

Và cuối cùng là Hội đồng nghệ thuật và Ban tổ chức phải "bám đường hoa" quan sát và chỉnh sửa liên tục về mặt ý tưởng và sửa không biết bao nhiêu phiên bản. Vừa sửa vừa dò phản ứng của mọi người, rồi sửa tiếp cho đến khi "coi được" thì thôi!

Đây cũng là câu chuyện phổ biến tồn tại trong những năm thực hiện đường hoa. Có những thiết kế, bộ phận mỹ thuật đặt rất nhiều tâm huyết nhưng sáng tạo độc đáo của họ không phải lúc nào cũng may mắn được số đông đón nhận, bởi suy cho cùng đường hoa là một tác phẩm đại chúng. 

Vì thế, để có một đường hoa mở cửa đón khách trong không khí hân hoan của mọi người đó là nỗ lực ngày đêm của một ê kíp lớn mà ở đó ai cũng đặt ưu tiên cao nhất là: Làm sao có một đường hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất phục vụ người dân năm đó.

“Đến sáng 28, chú cọp được trang trí bằng sỏi đó mới tạm ổn và đến tối thì kịp hoàn thiện trước giờ mở cửa đón khách. Cũng may năm ấy, nhiều người tâm đắc với phiên bản cuối cùng và nhận xét rằng “trùm cuối đã xuất hiện" là đây”, ông Hòa vui vẻ nhớ lại.

20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ: Nét đẹp văn hóa dịp Tết cổ truyền tại TP.HCM - Ảnh 20.
NHƯ BÌNH
QUANG ĐỊNH - THANH ĐẠM - SAIGONTOURIST GROUP
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0