TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0h ngày 30-6 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngày 14-6, trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chủ tịch UBND TP.HCM đã quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 toàn TP thêm hai tuần kể từ 0h ngày 15-6.
Lý giải về việc thêm 2 tuần giãn cách, Sở Y tế TP.HCM cho rằng thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của COVID-19.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá việc áp dụng giãn cách thêm sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM có đủ thời gian, điều kiện để quyết định những vấn đề quan trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là TP.HCM sẽ làm gì để dập dịch triệt để trong 2 tuần này?
Linh hoạt tính toán việc giãn cách tại các khu vực
Những ngày cuối cùng của hạn giãn cách, dù chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản được kiểm soát nhưng lại xuất hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm khác không rõ nguồn lây.
Do đó, TP quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 theo chỉ thị 15. Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tùy thuộc diễn biến dịch bệnh trong tuần tới, có thể một số khu vực sẽ chuyển sang giãn cách theo chỉ thị 16 hoặc chỉ thị 19.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành y tế TP.HCM phải truy vết quyết liệt, làm tận gốc những chuỗi lây nhiễm cũ. Những ca nào mới phát hiện cũng phải khoanh vùng nhanh, truy vết nhanh, không để chậm trễ khiến lây lan khó lường.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp giãn cách kịp thời, nếu kiểm soát tốt từng bước nới lỏng. TP.HCM cũng cần đánh giá nguyên nhân nguồn lây để có giải pháp xử lý tốt, nắm chắc địa bàn, quản lý các hoạt động cộng đồng và các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo...
Tại cuộc họp báo chiều 14-6, khi được hỏi liệu 2 tuần nữa TP.HCM có dập triệt để dịch hay không, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết không một chuyên gia nào có thể khẳng định 2 tuần hay bao lâu sẽ dập dịch triệt để được.
"Dù TP.HCM quyết định giãn cách thêm 2 tuần, tuy nhiên sau 1 tuần sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở một số khu vực" - ông Dũng thông tin.
Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nêu lý do nên tiếp tục thực hiện giãn cách - Ảnh: TỰ TRUNG
Có kết quả xét nghiệm F1 chỉ sau 6-10 giờ
Chỉ đạo tại cuộc họp về COVID-19, ngoài nhấn mạnh thực hiện những biện pháp cũ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra những phương án quyết liệt hơn.
Theo đó, ông Phong yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định phòng chống dịch. Nếu để phát sinh dịch bệnh, người đứng đầu địa phương (các quận, huyện, TP Thủ Đức) phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ có thể xem xét trách nhiệm.
Tại các trụ sở, nơi làm của sở ngành, quận huyện phải tăng cường hệ thống kiểm tra phòng chống dịch một cách chặt chẽ hơn nữa. Sở Y tế cần tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại các cơ sở y tế.
Tất cả bệnh viện, phòng khám phải siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến thăm khám và điều trị.
Tất cả nhân viên y tế phải chấp hành nghiêm biện pháp 5K, sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không tụ tập, không đi đến nơi đông người khi không cần thiết. Sau giờ làm việc, cán bộ, công chức, người lao động phải gương mẫu ở nhà toàn thời gian. Đồng thời, phải chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly.
"Sở Y tế đánh giá tổng thể các nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các cơ sở y tế, bổ sung phương án phòng dịch, không để xảy ra trường hợp tương tự như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới" - ông Phong yêu cầu.
Người dân hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 chiều 14-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người đứng đầu TP cũng chỉ đạo củng cố công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng.
Riêng với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh, tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm nêu trên.
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao yêu cầu 100% cơ sở sản xuất phải hậu kiểm phòng chống dịch. Rà soát nhà xưởng không sử dụng để chuẩn bị cải tạo thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh. Đồng thời cho một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất, đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Trao đổi thêm về những biện pháp mạnh tay của ngành y tế sắp tới, giám đốc HCDC cho biết hiện nay ngành y tế đang cố gắng đẩy nhanh việc truy vết, khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm.
Trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng trong vòng 2 giờ sau khi xác định ca nghi nhiễm phải truy cho được hết các F1, nhất là ngay lập tức xác định các F1 có tiếp xúc rất gần như thành viên trong gia đình để lấy mẫu xét nghiệm.
TP.HCM cũng yêu cầu đẩy nhanh việc xét nghiệm trong 6-10 giờ phải có kết quả xét nghiệm của F1, thay vì trong vòng 24 giờ như quy định của Bộ Y tế.
Người dân tốt nhất nên ở nhà
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ ngành y tế mong muốn thông tin rõ đến người dân những lưu ý để có thể cùng với các lực lượng chức năng tận dụng hữu hiệu nhất hai tuần giãn cách sắp tới.
Trong đó, ông Hưng lưu ý người dân cần tiếp tục thực hiện biện pháp 5K, đặc biệt mang khẩu trang, khử khuẩn tay và vệ sinh cá nhân. Đồng thời, người dân nên hạn chế sinh hoạt, tiếp xúc với người khác, tốt nhất chỉ nên tiếp xúc với người trong nhà. Hạn chế di chuyển, nếu di chuyển, tiếp xúc nên ghi lại lịch trình để khi cần khai báo với cơ quan y tế.
Ngành y tế cũng mong người dân cập nhật nhanh thông tin dịch bệnh, nếu có liên quan đến các ca bệnh cần liên hệ ngay cơ sở y tế để có sự hướng dẫn. Ngoài ra, cơ quan y tế khuyến cáo người dân có các bệnh khác không liên quan đến COVID-19 nếu không cần thiết không nên đến khám ở các cơ sở y tế.
TP.HCM yêu cầu hàng quán, cà phê vỉa hè... chỉ được bán mang về - Ảnh: DUYÊN PHAN
82 ca mắc trong 24 giờ
Bộ Y tế cho biết tính từ 18h ngày 13 đến 18h ngày 14-6, TP.HCM ghi nhận 82 ca mắc COVID-19 mới.
Theo HCDC, 82 ca mắc COVID-19 mới bao gồm: 8 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa, 11 trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 53 ca là tiếp xúc gần của các bệnh nhân đã được công bố trước đó và 10 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Đến nay, trong TP còn nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây như: chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư Ehome 3 (giáp ranh Bình Tân và quận 8); chuỗi lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới; chuỗi lây nhiễm xưởng cơ khí Hóc Môn; chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức; chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn và chuỗi lây nhiễm tại Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn.
X.MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận