09/05/2020 17:35 GMT+7

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - "Ban đầu một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày một đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, rợp kín trời, đếm sơ sơ cũng trên dưới 4.000 con", ông Hai Chìa kể. Và kẻ gian đã mò đến săn trộm...

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 1.

Hàng nghìn con cò nhạn quý hiếm lần đầu tiên bay về trú ngụ trong khu vườn bỏ hoang của lão nông Hai Chìa tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH

Hàng ngàn cánh cò nhạn quý hiếm lần đầu tiên bay về trú ngụ trong khu vườn bỏ hoang của lão nông Hai Chìa tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Theo vợ chồng lão nông Lê Văn Chìa (thường gọi là Hai Chìa, 75 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), đàn cò nhạn (hay còn gọi là cò ốc) trên dưới 4.000 con xuất hiện trong khu vườn bỏ hoang của ông từ Tết Nguyên đán cho đến nay.

"Ban đầu một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày một đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, rợp kín trời, đếm sơ sơ cũng trên dưới 4.000 con", ông Hai Chìa kể.

Trước đây, Tuổi Trẻ Online từng thông tin về lão nông Hai Chìa, người dám bỏ hoang khu vườn cây ăn trái rộng hơn 2 công đất để cho chim, cò trắng, cồng cọc, vạc… về trú ngụ từ năm 2006 đến nay.

"Khi phát hiện cò nhạn về khu vườn, vợ chồng tui bàn bạc bỏ hoang tiếp 13 công đất cây ăn trái còn lại cho chúng ở. Hiện tại, khu vườn chim cò đã rộng 15 công. Vì nạn săn bắt trộm diễn ra như cơm bữa, tui xách xe chạy lên báo với xã, huyện và lên tận tỉnh. Sau đó, các đoàn công tác mới xuống tận nơi để xem xét tìm hướng bảo vệ chim quý", ông Hai Chìa kể tiếp.

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 2.

Cận cảnh cò nhạn quý hiếm trong khu vườn của lão nông Hai Chìa bỏ hoang dành cho chim cò ở - Ảnh: CHÍ HẠNH

Do chim quý lần đầu về vườn trú ngụ, sau giờ cơm chiều và khi bắt đầu chạng vạng tối là lão nông Hai Chìa ôm võng, mùng mền lủi thủi đi ra vườn nằm canh đuổi trộm.

Bà Lê Thị Thôi (73 tuổi, vợ ông Hai Chìa) kể: "Nhà chỉ có hai vợ chồng già sinh sống, mà tối nào ổng cũng xách đồ đi canh trộm để lại có mình tui. Vừa rồi tui trải qua bạo bệnh, vợ chồng qua hết Cần Thơ nên trộm chim hoành hành dữ lắm".

Lão nông Hai Chìa cho biết thêm, khu vườn chim cò của vợ chồng ông rất nhiều lần bị kẻ gian lẻn vào bắt trộm chim con, hoặc bắn trộm những con chim bố mẹ. Do đó, ông phải ngày đêm canh giữ rất cực khổ.

"Hiện tại tui chỉ mơ ước có sự hỗ trợ kinh phí để xây hàng rào bao quanh khu vườn bảo vệ đàn chim quý. Bởi hàng chục năm nay vợ chồng tui đã bỏ hoang cả khu vườn, mất hết thu nhập", ông Hai Chìa tâm sự.

Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ cho biết Huyện ủy, UBND huyện Trà Ôn đã có chỉ đạo cho các ngành chức năng, trong đó có lực lượng công an thường xuyên theo dõi và hỗ trợ lão nông Hai Chìa bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm trước nạn săn bắt trộm.

Bên cạnh đó, sắp tới UBND xã cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương biết cò nhạn là chim quý hiếm, có trong sách đỏ và nghiêm cấm săn bắt.

Cò nhạn (còn gọi là cò ốc), tên khoa học là Anastomus Oscitans, thuộc họ diệc, bộ hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới, cò nhạn chỉ thường ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh. Cò nhạn có trọng lượng khoảng 1-1,5kg, chim trưởng thành có chiều cao lên đến 50cm, chiều dài sải cánh khoảng 1m.

Loài chim này có đặc điểm sinh sống định cư, tuy nhiên khi vùng sinh sống, nơi kiếm ăn bị thu hẹp thì chúng di cư đến vùng khác thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của loài chim này là ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, tôm, cua và côn trùng.

Một số hình ảnh đàn cò nhạn quý hiếm lần đầu xuất hiện tại Vĩnh Long:

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 4.

Sau bữa cơm chiều cùng vợ, lão nông Hai Chìa sẽ xách võng, mùng mền ra khu vườn để canh trộm săn bắt chim quý - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 5.

Đàn cò nhạn bay về khu vườn đen kín cả bầu trời - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 6.

Cò nhạn chia từng tốp, hạ cánh xuống khu vườn của lão nông Hai Chìa - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 7.

Một tốp cò nhạn khác bu kín ngọn cây - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 8.

Theo ông Hai Chìa, cò nhạn thường ngủ trên ngọn cao nhất, sau đó là cò trắng, cồng cọc và vạc xếp theo từng lớp bên dưới - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 9.

Cò nhạn bay về khu vườn rợp trời sau một ngày kiếm ăn - Ảnh: CHÍ HẠNH

2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công - Ảnh 10.

Cận cảnh một con cò nhạn trưởng thành - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sự quái lạ của lão nông Hai Chìa Sự quái lạ của lão nông Hai Chìa

TTO - Hơn một thập kỷ trước, vườn nhãn sum sê mỗi năm mang về cho lão nông Hai Chìa cả trăm triệu đồng. Một ngày nọ, trời bén duyên đưa lũ chim trời kéo về vườn nhãn. Hai Chìa bấm bụng bỏ vườn cho bầy chim thống trị...

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên