Sáng 28-6, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP.HCM” trong khuôn khổ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ năm 2023.
TP.HCM hướng chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trạm y tế
Tại hội thảo, bác sĩ Trần Duy Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nêu tổng quan về bệnh lý tâm thần trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Theo đó, sa sút tâm thần ở nhóm người từ trên 65 tuổi tại TP.HCM chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh lý tâm thần với 7,8 - 9,7%, trong khi tỉ lệ này trên cả nước là 0,78%. Bệnh lý tâm thần đứng thứ hai là trầm cảm với 9,5% người dân TP.HCM mắc, tỉ lệ này trên cả nước là 2,47%.
Về mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, tại TP.HCM (gồm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 21 phòng khám tâm thần và 321 trạm y tế) đang quản lý khoảng 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, khoảng 7.000 bệnh nhân động kinh.
Ngoài ra còn có hơn 3.000 bệnh nhân tâm thần cơ nhỡ, lang thang, không người thân, không giấy tờ đang điều trị tại các trại điều dưỡng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Tâm cho biết thêm tại Bệnh viện Tâm thần có 64 bác sĩ tâm thần, 150 điều dưỡng và 15 chuyên viên tâm lý. Định hướng chăm sóc sức khỏe tâm thần trong tình hình mới là triển khai về tới tận trạm y tế, phù hợp với chiến lược của quốc gia và thành phố ở bình diện sâu và rộng.
Khoảng trống điều trị lớn, chưa lồng ghép vào hệ thống chung
Ông Lại Đức Trường - đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - thông tin trên thế giới cứ 8 người thì có 1 người rối loạn tâm thần. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trên toàn quốc, bệnh trầm cảm tăng 28% và lo âu tăng 26%.
Về bệnh tâm thần phân liệt có khoảng 23 triệu người mắc phải, hay 300 người thì có 1 người mắc (tỉ lệ 0,33%).
Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,1% dân số (tương đương 14 triệu người) với khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần (năm 2020) nhưng tập trung chủ yếu ở trung ương và các thành phố lớn. Khoảng trống điều trị bệnh lý tâm thần hiện nay vẫn còn rất lớn (ước tính 90%), tạo ra gánh nặng lớn.
Theo ông Trường, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nước ta còn nhiều hạn chế khi chưa lồng ghép vào hệ thống chung. Hiện chỉ có bác sĩ chuyên khoa tâm thần mới được chẩn đoán xác định, khi tuyến huyện hầu như không có dịch vụ cung cấp sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, người bệnh tâm thần chỉ điều trị bằng thuốc, còn tâm lý trị liệu rất hạn chế. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng chưa có nguồn tài chính bền vững...
Ông Trường đánh giá các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân còn nhiều thách thức và còn gia tăng khi áp lực công việc, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng, tiêu thụ rượu bia... Không những thế, nhận thức người dân về sức khỏe tâm thần chưa đúng, cho rằng tâm thần là điên nên còn kỳ thị, giấu bệnh.
Ông khuyến nghị cần đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe chung, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời tăng cường dự phòng và nghiên cứu sức khỏe tâm thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận