05/10/2021 08:34 GMT+7

12 năm và nỗi sợ triền miên 'mẹ cho nghỉ học'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Luôn nhịn đói mỗi sáng, luôn lăn lộn mọi việc mà không sợ bạn bè cười chê, chỉ sợ gia đình nợ nần để rồi dang dở giấc mơ đến trường, đó là câu chuyện của Đặng Văn Lợi, lớp 12A10 Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Lợi làm thủ tục nhập học online mà trong lòng cũng chỉ dám chắc 5 phần - Video: BẢO DUY - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

12 năm và nỗi sợ triền miên mẹ cho nghỉ học - Ảnh 2.

Lợi với chiếc máy tính "râu ông nọ cắm cằm bà kia" mà vẫn hoạt động tốt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lợi vừa đậu Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ngành công nghệ thông tin. Nhưng con đường vào đại học của bạn gập ghềnh nhiều hơn là trơn tru bằng phẳng. 

"Sợ nhất là… mẹ cho nghỉ học"

Tại căn nhà trọ trên đường số 11 (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức), Lợi sống cùng với mẹ, em trai; còn anh trai có gia đình thuê trọ riêng. Lọt thỏm trong căn phòng trọ tối, Lợi kể câu chuyện buồn của cậu bé 12 năm đi học nhưng có đến 7 lần chuyển trường.

"Năm cấp 1, lớp 1 mình học ở quận Tân Phú vì ở nhờ nhà dì. Sau đó mẹ chuyển nhà trọ nên mình theo mẹ. Cứ mỗi lần mẹ chuyển trọ, mình lại chuyển trường. Năm năm tiểu học là 5 trường, cấp 2 chuyển trường 2 lần, chỉ có cấp 3 mới ổn định. Mình vẫn thấy như thế là hên, vì vẫn còn được đến lớp", Lợi kể lại.

Mẹ Lợi - bà Phạm Thị Ngọc Ánh (54 tuổi) - 12 năm trước từ vùng quê Quảng Ngãi mang theo 3 người con vào mưu sinh ở TP sau những biến cố của gia đình. Bưng bê, phục vụ, dọn dẹp là công việc của mẹ bạn bao nhiêu năm qua, thường với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Vì thế, Lợi phải tự bươn chải, vừa học vừa làm để phụ thêm trong nhà.

12 năm và nỗi sợ triền miên mẹ cho nghỉ học - Ảnh 3.

Đặng Văn Lợi, lớp 12A10 Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau khi tan trường, Lợi chạy ra quán cà phê phụ bán và trọn ngày thứ bảy. Làm 8 tiếng, bạn có gần 90.000 đồng. Mùa dịch, quán cà phê đóng cửa, Lợi chuyển sang công việc đo thân nhiệt cho khách khi vào các cửa hàng. Đứng cả buổi sáng chỉ có 25.000 đồng nhưng bạn vẫn miệt mài cho đến khi TP giãn cách toàn xã hội.

Chia sẻ về động lực để tuổi mộng mơ phải lăn lộn nhiều công việc khác nhau, Lợi nói một lý do duy nhất khiến bạn có thể làm tất cả: "Mình sợ nhất là… mẹ cho nghỉ học. Một mình mẹ không nuôi nổi, phải vay nợ nhưng đâu thể vay mãi, nên sẽ có ngày mình phải nghỉ. Ngoài giờ học, mình ráng chạy làm thêm. Đến giờ này mình còn nợ học phí của trường, nhưng nợ thì từ từ hết dịch mình đi làm sẽ trả. Còn mẹ mà vay nợ, họ đòi, áp lực, phiền phức thì có khi mẹ sẽ cho nghỉ học. Nên đó cũng là lý do mình không muốn mẹ đi vay mượn".

Ngày khai giảng năm học lớp 10 cũng là ngày Lợi chính thức đi làm thêm. Học thêm gần như là chuyện xa xỉ, vì bạn cho rằng việc học trên lớp không nặng nề hay áp lực so với năng lực của mình, nên cân hòa được giữa việc học và làm.

Mình là đặc biệt duy nhất của trường, học xong lớp 12 ra trường rồi mà vẫn còn nợ 1,9 triệu đồng tiền ôn thi tốt nghiệp. Nếu không vì dịch, mình đã trả đủ rồi. Cô giáo chủ nhiệm chỉ đòi một lần vì cũng biết mình không có tiền. Chỉ mong hết dịch, mình đi làm trả chứ cũng ngại lắm.

ĐẶNG VĂN LỢI

Để giảng đường không còn xa

Đã làm thủ tục nhập học online vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhưng trong lòng Lợi cũng "5-5", vì không chắc liệu mẹ và bạn có tiền để chạy đường dài trong 4 năm.

"Mình nhận thông báo của trường rồi, nhưng tiền chưa có nên mình nhắm mắt làm ngơ. Nếu đến lúc đó mà chưa hết dịch, không đi làm để có tiền đóng học phí, mình sẽ chuyển sang học nghề để nhanh có việc, nhanh làm ra tiền. Cả nhà mình ai cũng lao động vất vả. Lâu nay mình vươn lên, ráng vào đại học để thay đổi cuộc đời. Nhưng mà…", Lợi bỏ lửng câu nói.

12 năm và nỗi sợ triền miên mẹ cho nghỉ học - Ảnh 5.

Hai mẹ con đầy trăn trở và toan tính cho những ngày sắp tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cô Cao Thúy Liễu, giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của Lợi, nhận xét: "Trường mới thành lập nên Lợi thuộc khóa đầu. Em cũng rất đặc biệt: ngoan, thông minh, siêng học siêng làm. Học xong 2 buổi là tối đi làm thêm. Em lọt vào top điểm cao của trường (24 điểm, khối A0: toán, lý, hóa). Ở lớp, Lợi không thể hiện khó khăn. Vì kiếm tiền được nên Lợi luôn sẵn sàng với bạn hay ủng hộ các phong trào khác".


Chỉ cần nhìn vào bàn học là biết bạn có đam mê về công nghệ, máy móc. Một chiếc laptop hư màn hình, một chiếc máy tính bàn hư ổ cứng, nhưng bạn lấy "râu ông nọ" cắm "cằm bà kia" thành một thiết bị hoàn chỉnh. Tự lên mạng mày mò, tìm kiếm thiết bị, mất 3-4 ngày thì màn hình máy tính bàn chạy được trên ổ cứng của laptop. Cả hai để gần tivi vì Lợi dự tính nếu hỏng màn hình, bạn sẽ câu qua tivi cho tiện.

12 năm và nỗi sợ triền miên mẹ cho nghỉ học - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

12 năm và nỗi sợ triền miên mẹ cho nghỉ học - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng "Tiếp sức đến trường" tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn

2 sinh viên nghèo 2 sinh viên nghèo 'nuôi ước mơ đến giảng đường' đã nhận được 27 triệu đồng

TTO - Công an TP Long Xuyên và huyện Châu Thành đã tìm đến tận nhà để trao tặng các nhu yếu phẩm và 10 triệu đồng cho 2 tân sinh viên trong bài “Những đứa con miền Tây chật vật nuôi ước mơ giảng đường” mà Tuổi Trẻ Online đã thông tin.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên