Chiều 10-7, ông Nguyễn Đình Du - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An - cho biết 10 mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu của những người tiếp xúc gần với cô gái 18 tuổi tử vong vì bạch hầu đều cho kết quả âm tính.
Chưa có ca bạch hầu mới
Tại Nghệ An, đây là ngày thứ 8 không ghi nhận ca mắc mới kể từ ngày ca bệnh cuối cùng được cách ly. Những người tiếp xúc gần đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng và có mẫu xét nghiệm âm tính.
Ngành y tế Nghệ An đang tiếp tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định.
"Người dân không quá hoang mang, lo lắng và cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời chủ động đưa con em mình trong độ tuổi tiêm đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh sẽ giúp phòng chống được các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu", ông Du khuyến cáo.
Trước đó, sau khi nghe Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn báo cáo nhanh về trường hợp cô gái 18 tuổi tử vong vì bạch hầu, ông Du đã dẫn đầu tổ phản ứng nhanh trực tiếp về bản Phà Khảo, xã Phà Đánh để điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu
Dù chỉ cách trung tâm xã gần 10km nhưng cả tổ mất hơn hai giờ đồng hồ để di chuyển, bởi con đường gập ghềnh dẫn vào bản Phà Khảo một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng. Gần trưa, cả bản vắng lặng, không một bóng người qua lại kể từ khi em P.T.C. (18 tuổi) qua đời vì bệnh bạch hầu.
Bản Phà Khảo là bản có nhiều đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống nên các bác sĩ phải nhờ tới cán bộ địa phương chuyển tải các thông tin về bệnh bạch hầu tới người dân một cách dễ hiểu nhất.
Ông Pịt Văn D. - cha của C. - nhớ lại ngày 24-6, C. ở ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện có biểu hiện sốt, ho, đau họng và tự mua thuốc điều trị, nhưng không đỡ. Hai ngày sau, C. tham dự xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trở về nhà nhưng tình trạng không đỡ bệnh.
"Gia đình cũng nghĩ là cháu có thể bị ốm, mệt mỏi hoặc cảm cúm thông thường do mấy ngày tập trung ôn thi", ông D. nói.
Tình trạng bệnh của C. ngày càng chuyển biến xấu, được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn điều trị. Mặc dù được bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trên nhưng gia đình nghèo khó, ông D. tiếp tục xin ở lại điều trị ở tuyến huyện.
Ngày 4-7, hơn 10 ngày kể từ khi có triệu chứng bệnh bạch hầu, C. mới được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh. Lúc này các bác sĩ chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm cơ tim, rối loại đông máu…, không thể cứu chữa. Qua khai thác dịch tễ, C. chưa từng được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Không để bệnh lây lan trong cộng đồng
Mở rộng điều tra, CDC Nghệ An xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân C. từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó có 16 người tiếp xúc gần chủ yếu là người thân, bạn cùng phòng ký túc xá, bệnh nhân cùng phòng.
Những người tiếp xúc với bệnh nhân C. phân bố ở 19 xã của huyện Kỳ Sơn và hai xã tại huyện Tương Dương.
Bà Vi Thị Thanh - chủ tịch UBND xã Phà Đánh - cho biết: "Với quyết tâm không để dịch lây lan, xã đã phun hóa chất khử khuẩn toàn bản Phà Khảo, truyền thông phòng chống dịch tại xã bằng tiếng Kinh, tiếng địa phương (Khơ Mú); hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn.
Trước mắt, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly, uống thuốc và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày".
Theo CDC Nghệ An, từ năm 2017 đến nay tại tỉnh này ghi nhận một số ca mắc bệnh bạch hầu, rải rác trên một số địa bàn thuộc huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên không có ca nào tử vong.
Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm nay. Bộ Y tế đã có các quyết định về hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị ca bệnh rất chi tiết, cụ thể. Trong điều trị, có hướng dẫn sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), sử dụng kháng sinh...
Trường hợp cô gái ở huyện Kỳ Sơn tử vong do bạch hầu có một phần nguyên nhân bệnh nhân không tiêm phòng vắc xin từ nhỏ, khi phát hiện bệnh muộn và chậm chuyển tuyến theo khuyến cáo của cơ sở y tế.
Ngày 9-7, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các sở ngành, chủ tịch UBND 21 huyện, thành phố, thị xã về việc tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu (nếu có) kịp thời, xử lý ngay không để lây lan.
Sở Y tế Nghệ An cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc xin có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét.
Đảm bảo tất cả các trẻ, kể cả trẻ vãng lai, trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế, để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vắc xin muộn hoặc không được tiêm vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận