Các sinh viên Việt Nam làm việc tại Google (Mỹ) - Ảnh: Minh Tú
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại Hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý 3-2022 do Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào sáng 19-8, ông Peter Hồng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - đưa ra thông tin khiến nhiều người giật mình.
"Tôi nghĩ mà đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về nữa. Tôi buồn khi nghĩ về thế hệ kế tiếp của chúng ta sẽ ra sao?"
Ông Peter Hồng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
Theo ông Peter Hồng, mỗi năm Việt Nam phải tiêu tốn 1,4 tỉ USD cho khoảng 100.000 con em du học nhưng sau đó không sử dụng được số trí thức này.
Dẫn chứng thêm, ông Hồng nói về chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", nhiều người nói vui thành "Đường lên đỉnh Australia chứ không phải Olympia". Bởi các thí sinh hạng nhất sau khi du học thì chọn ở lại Australia làm việc.
Theo những bình luận gởi đến Tuổi Trẻ Online, rất nhiều bạn đọc cho rằng phát biểu của ông Peter Hồng không đơn thuần chỉ là nỗi lòng người con Việt khi thấy đất nước mình bị "chảy máu chất xám", mà còn gióng lên hồi chuông để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tìm ra lời giải để giữ được nhân tài, dù có phần hơi muộn.
"Cách đây gần 20 năm Trung Quốc cũng như Việt Nam bị chảy máu chất xám rất nhiều, họ đã có chính sách thu hút nhân tài quay về quê hương làm việc và bây giờ họ là cường quốc thế giới, một số lĩnh vực đã vươn lên dẫn đầu" - bạn đọc Nhan Tri viết.
Muốn giải bài toán vì sao con em đi du học rồi không về Việt Nam làm việc, trước hết phải tìm ra nguyên nhân, sau đó mới trị thẳng vào cái nguyên nhân ấy. Vậy, nguyên nhân đó là gì?
Theo bạn đọc Mr Nguyễn, chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc không tốt là 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh không chịu về nước hoặc ở lại Việt Nam làm việc! Và, theo bạn đọc này, để thu hút cũng bắt đầu từ hai nguyên nhân đó.
Theo bạn đọc tên Hùng, với tình hình kinh tế ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước không thể trả lương cao. Công ty Việt Nam cũng không trả lương cao. Chỉ có công ty nước ngoài, lấy nhân công Việt Nam làm việc, trả lương thấp hơn so với ở nước họ, nhưng cao đối với Việt Nam.
Tìm giải pháp khắc phục, bạn đọc Hùng viết: "Trước tiên mở rộng cửa, cho thật nhiều công ty nước ngoài vào. Những trí thức đang làm việc ở nước ngoài sẽ trở về. Kế tiếp, các công ty Việt Nam cố gắng học hỏi vươn mình cho bằng công ty nước ngoài, lương ở công ty Việt Nam sẽ từ từ cao lên. Muốn vậy, Nhà nước phải mở rộng các quy định pháp luật. Tạo mọi điều kiện đáp ứng cho họ phát triển".
Một số bạn đọc cho rằng nếu các du học sinh người Việt thật sự giỏi thì về Việt Nam cạnh tranh với những người tài đang làm việc cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam, và như vậy sẽ vừa có thu nhập tốt vừa gần gia đình, người thân.
Đồng ý với nhận định này, bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng viết: "Kinh tế thị trường, người giỏi không bao giờ sợ thất nghiệp, nhất là một số ngành mũi nhọn. Chỉ có điều, có nhiều cơ quan vẫn chưa cần nhiều người giỏi vì công việc chưa khó".
Với đặc thù một số công việc hành chính ở Việt Nam, một số bạn đọc cho rằng chưa đến lúc phải sử dụng du học sinh có chuyên môn cao làm ở các cơ quan nhà nước, như vậy cũng là lãng phí.
"Vẫn công việc đó, người trước thành thạo hướng dẫn người sau, một thời gian là làm việc được thì cần gì phải giỏi. Ngay một công ty Trung Quốc trong khu công nghiệp, họ chỉ cần trung cấp kế toán, không tuyển cử nhân kinh tế" - bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng viết.
Bên cạnh việc góp ý và đưa ra giải pháp, một số bạn đọc cho rằng trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay, làm việc ở đâu, trong môi trường nào không quan trọng. Điều quan trọng là cá nhân đó thấy phù hợp và cơ bản là cho dù ở đâu thì người Việt Nam luôn nhớ về quê cha đất tổ và góp phần đóng góp cho quê hương là được.
Về ý này, bạn đọc Colin viết: "Nên có chính sách khuyến khích người Việt ở lại nước ngoài làm việc. Như vậy mới có đóng góp thiết thực cho đất nước thông qua việc tạo cầu nối cho các thế hệ sau có cơ hội sang học tập, chuyển giao thành tựu kinh tế và khoa học kỹ thuật về nước... Không phải cứ về Việt Nam làm mới yêu đất nước".
Cùng suy nghĩ làm việc ở đâu cũng là đóng góp cho quê hương, bạn đọc Anh Hoang bổ sung: "Thì cứ để cho họ làm việc ở nước ngoài hưởng lương cao rồi gửi tiền về cho gia đình, đóng góp cho quê hương cũng tốt. Về Việt Nam mà cứ đòi làm việc cho Nhà nước hưởng lương cao thì không có đâu".
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần những giải pháp gì để thu hút du học sinh về đóng góp cho đất nước? Bạn có đồng ý với nhận định: "Không phải cứ về Việt Nam làm việc là thể hiện lòng yêu nước?".
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận