>> Giao lưu trực tuyến: “Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp” >> Mỹ đồng ý đưa thuốc thử nghiệm Ebola đến châu Phi
Các chuyên gia Phòng thí nghiệm Viện Y tế quốc gia Peru thử nghiệm thuốc chống virus Ebola - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Phó tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny tuyên bố việc sử dụng thuốc thử nghiệm chưa được chứng minh công dụng để chống Ebola là phụ hợp y đức bởi đại dịch Ebola là trường hợp khẩn cấp đặc biệt.
Trước đó một ủy ban chuyên gia đạo đức y học của WHO kết luận việc sử dụng thuốc chưa được kiểm chứng để chữa trị cho các bệnh nhân Ebola ở Tây Phi là phù hợp với y đức. Ủy ban cho biết việc sử dụng thuốc thử nghiêm ZMapp cần sự đồng ý của người bệnh.
Tuy nhiên WHO thừa nhận vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về việc sử dụng thuốc ZMapp. Cũng chưa rõ Tây Phi sẽ lấy nguồn kinh phí từ đâu để chi trả cho việc chữa trị bằng thuốc ZMapp. Việc thiếu hụt thuốc cũng là một vấn đề lớn.
Liberia là quốc gia Tây Phi đầu tiên nhận thuốc ZMapp từ Mỹ. Tuy nhiên mới chỉ có 12 liều được đưa tới đây. Hai bác sĩ Liberia sẽ được điều trị bằng loại thuốc này. Trước đó hai nhân viên y tế Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục sức khỏe sau khi được chữa trị bằng ZMapp.
Tuy nhiên một giáo sĩ 75 tuổi người Tây Ban Nha, bị nhiễm Ebola từ Liberia, đã qua đời dù được điều trị bằng loại thuốc này. Trước đó ZMapp mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ và chưa được đánh giá về độ an toàn khi dùng trên người.
Chính quyền Liberia thừa nhận hiểu rõ mối nguy cơ khi sử dụng thuốc thử nghiệm ZMapp, nhưng không dùng loại thuốc này thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người chết vì Ebola.
Reuters cho biết mới đây chính phủ Canada tuyên bố sẽ cung cấp 800-1.000 liều vác xin chống Ebola thử nghiệm cho WHO. Đây là loại vác xin các chuyên gia Canada tự phát triển trong phòng thí nghiệm.
Ngoài ZMapp, một số hãng dược phương Tây cũng đang thử nghiệm các loại thuốc chống virus Ebola. Hãng GSK và Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ sẽ thử nghiệm một loại vác xin chống Ebola từ tháng tới.
Đến nay, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 1.013 người. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã kêu gọi chính phủ các nước “không hoảng sợ” bởi dịch Ebola không dễ lây lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận