15/08/2014 04:01 GMT+7

​Không sử dụng các linh vật phản cảm về thẩm mỹ

Hà Hương
Hà Hương

TT - Chiều 14-8, Bộ VH-TT&DL đã gửi đến các địa phương văn bản khuyến cáo về việc trưng bày, sử dụng các biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN.

Các loại sư tử đá, nghê đá với tạo hình hung dữ  “đứng canh cửa” trước cổng chùa Vân Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Hà Hương
Các loại sư tử đá, nghê đá với tạo hình hung dữ “đứng canh cửa” trước cổng chùa Vân Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Hà Hương

Theo Bộ VH-TT&DL, tại nhiều cổng, cửa, khu di tích, đình chùa lẫn các cơ quan công sở hiện nay được đặt sư tử đá, nghê đá hoặc các vật phẩm khác gây phản cảm về mặt thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh.

Trong văn bản ghi ngày 8-8 và bổ sung, chỉnh sửa vào chiều 14-8 này, Bộ VH-TT&DL đề nghị: “Không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN ra khỏi các nơi công cộng”.

Mặt khác, bộ cũng yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra và đề xuất xử lý các trường hợp trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.

Không phải đến thời điểm này, tình trạng sư tử đá, nghê đá nhe nanh vuốt ở các đền chùa mới được nhắc tới.

Ở chùa Vân Hồ, trước cổng tam quan được chép nguyên xi từ một ngôi chùa ở Trung Quốc, các loại sư tử đá, nghê đá với tạo hình hung dữ “đứng canh cửa”. Yên Tử, chùa Hương, đền Bà Chúa Kho thi thoảng làm người hành hương giật mình khi bỗng dưng xuất hiện những tượng sư tử đá, nghê đá trong khuôn viên.

Đây cũng là nơi những du khách mê tín thả sức nhét tiền lẻ vào. Thậm chí có địa điểm, sư tử canh cửa lại y hệt hình tượng vua sư tử trong một bộ phim Mỹ. Các linh vật với đủ hình thù này còn xuất hiện trước cổng các công sở, đặc biệt là các doanh nghiệp và ngân hàng.

Giải thích hiện tượng này, ông Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm) cho rằng: “Việc trưng bày nhiều linh vật không phù hợp bắt nguồn từ nhận thức chưa đúng đắn của người dân. Họ chưa hiểu một cách sâu xa ý nghĩa của những linh vật này. Tôi cho rằng những người trưng bày cũng nghĩ đơn giản là các loại linh vật dữ tợn này sẽ trấn giữ cho địa điểm đó”.

Ông Thành cũng thừa nhận việc trưng bày sư tử đá, nghê đá đang trở thành một trào lưu trong xã hội. “Điều đó phản ánh tâm lý thịnh hành về mặt thẩm mỹ của một số người, thích phô trương. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta phải có nhiều biện pháp tuyên truyền để thay đổi nhận thức, lấy lại không gian thẩm mỹ mang đúng tinh thần dân tộc VN”.

“Không phải chúng ta không có những mẫu mã riêng với các tạo hình sư tử đá, nghê đá. Mẫu mã của VN hiền hòa, giản dị hơn nhiều, thể hiện cốt cách dung dị của con người VN, chứ không phô trương móng vuốt như một số linh vật chúng ta thấy trưng bày hiện nay” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, đối với các di tích, đặc biệt di tích được xếp hạng, có thể áp dụng các quy định về việc tháo dỡ các linh vật không phù hợp theo đúng Luật di sản. Tuy nhiên đối với các cơ quan, doanh nghiệp, phương án tốt nhất vẫn là tuyên truyền vận động để họ tự giác thay đổi.

Hà Hương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên