06/03/2014 08:22 GMT+7

Quái thú chắn trước lăng vua

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Bức bình phong có hình con vật lạ chắn ngay trước cửa lăng vua Ngô Quyền - di tích lịch sử quốc gia được Nhà nước công nhận từ năm 1964 (thuộc quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - đang gây bức xúc trong dư luận.

LHCG5Cqw.jpg
Bức bình phong và quái thú chắn trước mặt lăng Ngô Quyền - Ảnh: V.V.Tuân

Ông Dương Hữu Số được nhân dân trong xã tín nhiệm làm cụ từ trông coi đền thờ và lăng vua Ngô Quyền ba năm nay cho biết việc trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền có nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Ông nói: “Tôi ở gần lăng vua Ngô Quyền, từ nhỏ đã ra đây thường xuyên nên biết rất rõ là từ xa xưa, lăng vua Ngô Quyền không hề có bức bình phong nào chắn trước mặt như vậy. Theo quan niệm của dân làng chúng tôi, dãy đồi xa xa phía trước mặt lăng vua vốn được coi là bức bình phong tự nhiên cho lăng rất đẹp rồi. Nên không cần thiết phải làm thêm bình phong nữa”.

Bức bình phong phản cảm

"Khách đến tham quan lăng vua Ngô Quyền, ai cũng lên tiếng phải phá bỏ bức bình phong và hình con quái thú trước lăng đi"

Ông Dương Hữu Số (người trông coi đền thờ và lăng Ngô Quyền)

Theo quan sát của chúng tôi, bức bình phong được dựng ngay trước cửa lăng vua Ngô Quyền, làm bằng chất liệu ximăng, trên bức bình phong có hình một con vật quay đuôi vào lăng vua trông rất phản cảm.

Ông Tạ Tiến Doãn (45 tuổi) ngày nào cũng qua lăng vua Ngô Quyền quét dọn cho biết: “Tôi ở đây từ nhỏ, được nghe các cụ kể lại trước kia lăng không hề có bức bình phong nào chắn trước mặt như vậy. Lại thêm hình một con thú mà hổ không ra hổ, chó không ra chó, mèo không ra mèo quay đuôi vào lăng vua như vậy. Đây là sự bất kính của thế hệ con cháu đối với vua Ngô Quyền”. “Con vật trên bức bình phong đó là quái thú chứ không phải con hổ như người ta vẫn giải thích” - cụ từ Dương Hữu Số bức xúc.

Bà Trần Thị Kim Anh - nhà nghiên cứu Hán Nôm, từng công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm - nêu ý kiến: “Nếu không có dãy đồi trước mặt lăng vua Ngô Quyền thì có thể làm một bình phong án ngữ ngăn chướng khí, tà độc xâm nhập lăng vua. Thêm nữa, hình con thú trên đó được làm cẩu thả, không có tính thẩm mỹ”.

Ông Số kể khi quyết định trùng tu lăng vua Ngô Quyền, ban quản lý làng cổ Đường Lâm đã mời GS Trần Lâm Biền về tổ chức họp với nhân dân hai lần. “Nhưng họ chỉ mời những người đã già cả và ngại lên tiếng vì sợ va chạm với họ, nên đông đảo ý kiến của nhân dân không được nói ở những hội nghị đó. Chứ nhân dân chúng tôi không đồng tình với kế hoạch trùng tu lăng vua Ngô Quyền như vậy” - ông Số nói.

Ngoài việc xây bình phong trước lăng vua Ngô Quyền, việc trùng tu lăng cũng có nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân. Tường bao của lăng đã được làm rộng hơn, nhưng hoàn toàn bằng gạch và ximăng, còn những phiến đá xanh làm tường bao trước đây bị đập bỏ. Hai con rồng bên cạnh lăng vua cũng được sơn lại màu lòe loẹt hơn. “Nhà cho cụ từ được xây ở vị trí che chắn trước mặt hậu cung vua. Đây là điều tôi phản đối. Nên khi nào còn làm cụ từ trông coi lăng vua, tôi quyết không ở nhà đó” - ông Số nói.

Những cây sở quanh lăng vua Ngô Quyền, được tổng bí thư Lê Duẩn trồng, cũng đã bị đơn vị thi công tự ý chặt bỏ. Việc làm đường chảy nước thải ngay phía sau lăng vua cũng bị người dân ở đây lên tiếng phản đối, vì đây là chốn linh thiêng, không thể để đường nước thải chảy qua.

Hổ nhưng không phải hổ

Ông Phạm Hồng Sơn - trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - cho biết: “Việc xây bình phong và thú trấn yểm trước lăng vua chúng tôi đã làm theo sự tư vấn khoa học của GS Trần Lâm Biền. Trong bản thiết kế trùng tu lăng vua Ngô Quyền từ đầu đã có bức bình phong và hình con hổ đó. Bản thiết kế đã được Sở VH-TT&DL TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL phê duyệt nên chúng tôi mới làm”. Ông Sơn nói bản vẽ thiết kế việc trùng tu lăng Ngô Quyền được ban quản lý làng cổ Đường Lâm thuê văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng của Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện.

Nói về hình con thú, ông Sơn cho hay con thú đó là con hổ đã được sửa lại nhiều lần, tuy nhiên qua nhiều lần chỉnh sửa vẫn chưa giống con hổ nên ban quản lý di tích chưa nghiệm thu và sẽ đề nghị đơn vị thi công sửa lại cho giống.

Được biết, đơn vị thi công trùng tu lăng vua Ngô Quyền là Công ty xây dựng Phương Anh. Nhưng cố vấn về khoa học lịch sử, văn hóa là GS Trần Lâm Biền. Tổng số vốn đầu tư trùng tu lăng là 29 tỉ đồng, trong đó gia tộc họ Ngô đóng góp 30%.

Trả lời về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền nói rằng đúng là ông có tư vấn cho ban quản lý di tích và nhân dân Đường Lâm làm một bức bình phong và con hổ để trấn yểm trước lăng vua, ngăn các loại quỷ dữ, ám khí xâm nhập lăng vua. Nhưng khi thi công không ai hỏi ý kiến ông nên dẫn đến tình trạng làm ẩu, làm sai như hiện nay. “Tôi có tư vấn cho ban quản lý và đơn vị thi công ở đó làm một bức bình phong trước lăng vua. Nhưng vị trí đặt bình phong và con hổ ở chỗ nào thì không ai hỏi tôi để tôi tư vấn tiếp nên người ta làm sai ý của tôi. Nếu họ hỏi, tôi sẽ tư vấn giúp họ chỗ đặt bình phong hợp lý và lấy mẫu ở đâu chứ không phải là bức bình phong và con thú xấu xí như hiện nay” - ông Biền nói.

Sẽ kiểm tra việc trùng tu lăng Ngô Quyền

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Khang - phòng quản lý di tích Cục Di sản văn hóa - cho biết dự án trùng tu lăng Ngô Quyền đã được Bộ VH-TT&DL thỏa thuận cho phép thực hiện. Theo đó, bộ đã thỏa thuận cả hai bước là bước lập dự án và lên bản vẽ thiết kế. Phần thiết kế bình phong trước lăng Ngô Quyền cũng đã được thống nhất trong hồ sơ dự án.

“Theo chúng tôi được biết, để đi đến việc trùng tu lăng Ngô Quyền, đơn vị tư vấn cùng ban quản lý di tích Đường Lâm, gia tộc họ Ngô và cả người dân đã họp bàn nhiều lần và đi đến thống nhất phương án cuối cùng. Thông thường, các bản vẽ họa tiết mỹ thuật trong hồ sơ được vẽ trên khổ nhỏ, nên khi đưa vào thi công, người ta thường phóng lên theo tỉ lệ 1:1 để đối chiếu so sánh. Bản vẽ tỉ lệ 1:1 cũng phải được duyệt trước khi thi công chính thức. Có thể đơn vị thực hiện đã bỏ qua giai đoạn này. Hiện Cục Di sản văn hóa đang tổng hợp các thông tin và đề xuất kiểm tra việc thi công trùng tu lăng Ngô Quyền. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét việc đơn vị thi công có đảm bảo các quy định hành nghề trùng tu di tích theo đúng quy định của thông tư 18 của Bộ VH-TT&DL hay không” - ông Khang nói.

H.HƯƠNG ghi

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên