16/08/2014 03:30 GMT+7

​Chuyện người lính cựu tù Phú Quốc

MAI HOA
MAI HOA

TT - Đạn bom đã im tiếng từ lâu trên dải đất này nhưng cuộc chiến của người lính pháo binh từng bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc dường như chưa thể kết thúc.

Sóng gió cuộc đời chưa ngừng thử thách gia đình ông Cốc - Ảnh: M.Hoa
Sóng gió cuộc đời chưa ngừng thử thách gia đình ông Cốc - Ảnh: M.Hoa

Di chứng của chiến tranh, những bất hạnh thời bình chưa ngừng bủa vây và thử thách ý chí của ông và những người trong gia đình.

Người vợ gánh đá xây nhà

Cơn mưa mùa hè rả rích. Ngoài tiếng mưa rơi, căn nhà ngói cũ của ông Đỗ Văn Cốc (66 tuổi, ở thôn Đồng Ô, xã Hà Tiến, Hà Trung, Thanh Hóa) im lìm trong bóng tối.

Ông nằm võng ở một góc nhà. Bà Mai Thị Dòn, vợ ông, ngồi trên ghế nhìn mưa. Khách đến, ánh đèn vàng mới được bật lên soi tỏ hai gương mặt già nua nhiều tâm sự.

Ông Cốc đang mệt. Mấy chục năm nay bà Dòn đã quen lắm cái cảnh mỗi khi trái gió trở trời, ông lại lên cơn sốt, lưng đau không thể làm nổi việc gì.

Mấy năm nay, trên cổ, trên lưng ông mọc thêm bao nhiêu là mụn, là u to u nhỏ. Mọc rồi lặn. Lặn rồi lại mọc. Ông Cốc chỉ hoạt bát hẳn lên khi nhắc về những kỷ niệm một thời trên chiến trường.

Năm 1965, chàng trai 17 tuổi lên đường vào Nam chiến đấu trong đơn vị pháo DKZ C20. Qua một dọc chiến trường Cồn Tiên - Dốc Miếu, đến Khe Sanh, Tây nguyên, bị bắt ở Tây Ninh rồi bị đưa về giam ở nhà tù Phú Quốc trong suốt những năm 1969-1973. Giải ngũ, ông về quê lấy vợ.

Trông ngóng mãi chẳng thấy tin vui, ông bà đi khám bệnh mới biết ông không thể sinh con do di chứng của chất độc hóa học thời kỳ chiến tranh.

“Đi đánh trận, ở trong tù dù khổ cực vẫn đứng vững được. Nhưng khi nghe tin đó, tui đau đớn tưởng như suy sụp. Cuộc chiến của tui dường như lúc đó mới thật sự bắt đầu” - ông Cốc kể.

May sao, trong cuộc chiến này, ông cũng không đơn độc. Bà Dòn bàn với ông nhận một bé gái mới 10 tháng tuổi về nuôi cho nhà bớt cô quạnh.

“Hồi đó tui chỉ lấy đường pha với nước cơm cho con uống. Ông ấy thì đi bắt cóc về làm thịt cho con ăn. Chăm bẵm thế nào con bé vẫn quặt quẹo. Ông ấy cũng quặt quẹo. Tui một mình lo nương rẫy, gánh lúa nặng trên vai đi xuống chợ mất nửa ngày đường, mà khi về đổi lại chỉ là mấy vỉ thuốc cho hai cha con”, một quãng đời gian khó hiện ra qua lời kể chậm rãi của bà.

Người nhà quê nghèo khó, một đời dựng được căn nhà đã là kỳ tích. Vậy mà bà Dòn, một bên là chồng con nay ốm mai đau, đã lần lượt dựng được năm căn nhà từ mái lá, vách tre đến nhà tường đá như bây giờ.

Ông Cốc kể: “Mấy lần nhà bị sập vì mưa bão, sau tụi tui phải nhờ người vào núi đá vôi cách nhà cả cây số, dùng búa đánh ra từng hòn đá nhỏ. Tranh thủ khi việc nhà nông đỡ bận, bà ấy gánh từng viên đá về nhà. Kiến tha lâu đầy tổ, vợ chồng tui mới dựng được một căn nhà. Sau vì tui bệnh quá, phải bỏ nhà ấy xuống đây ở cho gần bệnh viện”.

Ba con người lay lắt neo lại ở mảnh đất này. Năm 2011, người con gái của ông bà tên Đỗ Thị Thanh (sinh năm 1988) lấy chồng cách nhà chưa đầy 100m. Cách đây hai năm, ông Cốc bắt đầu được nhận chế độ nạn nhân chất độc da cam và chế độ với người bị địch bắt tù đày.

Kể từ đó, cuộc sống bớt khó khăn nhiều. Tưởng chừng như cuộc đời xế chiều sẽ cứ yên bình như vậy, nhưng rồi tai ương ập xuống. Không phải với ông mà với người con gái mà ông bà hết lòng thương yêu chăm sóc từ thuở mới lọt lòng.

Khó đi mẹ dắt con đi

Chị Thanh làm công nhân giày da ở Ninh Bình. Tranh thủ ngày cuối tuần, chị ra ruộng cấy. Bỗng nhiên chị thấy mắt tối sầm, càng lúc càng mờ hẳn. Bác sĩ kết luận chị bị viêm, teo màng bồ đào, hai mắt có nguy cơ mù hẳn.

Trong nhà có 6 tạ thóc, chỉ đủ ăn đến mùa sau. Trong cơn cùng quẫn, anh Nam chồng chị phải bán sạch sành sanh để lấy tiền đưa chị ra Hà Nội chữa trị.

Đã năm tuần nay, chị không đi làm được nữa. Công việc ở xưởng đá của anh Nam bữa có bữa không, ngày mưa gió cũng phải tạm nghỉ. Vợ chồng chị và cả cậu con trai 3 tuổi sang ăn cơm bên nhà ông bà ngoại. Những bữa cơm nhiều khi nghẹn ngào, không ai nuốt nổi.

Chị Thanh lén khóc: “Cha mẹ nuôi mình lớn chưa đền đáp được gì giờ còn phải lo cho cả gia đình riêng của mình. Đêm nằm nghĩ mà thương mà tủi. Lấy chồng gần mong đỡ đần được mẹ lúc về già đau yếu, vậy mà...”.

Hai con mắt chị ngày càng mờ đi. Bà Dòn lẽo đẽo theo con ra bệnh viện, xin được hiến một con mắt cho con “thôi thì hai mẹ con mỗi người một mắt cũng còn hơn” nhưng bác sĩ nói không được. Bà đã khóc, đã suy sụp.

Khi nhìn thằng Bờm dắt tay mẹ nó ra khỏi cổng, bà vẫn ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Nhưng khuôn mặt nhăn nhúm gần như méo xệch đi. Bà ngừng nhai, giọt trầu đỏ hỏn trào ra bên khóe miệng. Trời vẫn mưa sụt mưa sùi.

Người lính già chứng kiến tất cả cảnh đó, chỉ ngồi yên lặng. Tiếng nói của ông nhạt nhòa trong tiếng mưa: “Có phải là hòn đá, đồ đạc nặng nề gì để vợ chồng tui gánh giùm cho nó...”.

Trong cơn đau, ông vẫn chẳng nghĩ đến mình. Trên đường về nhà bà nội, thằng Bờm nắm tay mẹ dắt mẹ đi rất khéo. Nó liếc con mắt dè chừng một vũng nước to trên đường và hỏi: “Mẹ có thấy đường không?”. Người mẹ trẻ bất chợt nghẹn ngào: “Có, có thấy, mẹ thấy rõ lắm”. Thằng bé bất chợt nhoẻn miệng cười.

Động viên nhau cùng vượt qua

Ông Phạm Văn Đắc, trưởng ban liên lạc cựu tù Phú Quốc huyện Hà Trung, chia sẻ những người lính may mắn trở về từ chiến trường, nhiều người đến nay vẫn có hoàn cảnh rất khó khăn.

“Như trường hợp của anh Cốc, vừa bị nhiễm chất độc da cam, nay gia đình lại lâm cơn hoạn nạn. Chúng tôi chỉ còn biết động viên nhau cùng vượt qua, chiến đấu như một người lính để con cháu vững tin, vì chúng tôi mãi mãi là người lính Cụ Hồ, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn gian khổ” - ông Đắc nói.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên