Tàu phá băng Healy (trái) của Mỹ và tàu Louis S. St-Laurent của Canada trong một sứ mệnh ở Bắc Cực - Ảnh: USGS |
Theo AFP, tàu phá băng Terry Fox đã khởi hành hôm 8-8 (giờ Canada) để thực hiện sứ mệnh khảo sát khoa học kéo dài sáu tuần, thu thập dữ liệu cần thiết về thềm lục địa ở Bắc Băng Dương.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Canada cũng nói tàu này sẽ thu thập các dữ liệu chất lượng cao về hình dáng và cấu tạo của đáy biển. Tàu này được trang bị công nghệ định vị thủy âm hiện đại từ đầu năm 2014 để đảm bảo Canada có khả năng công nghệ mới nhất nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Ngoại trưởng John Baird nói trong một tuyên bố: “Chính phủ của chúng tôi cam kết sẽ có đủ nguồn cần thiết để đảm bảo rằng Canada nhận được sự công nhận của quốc tế về phạm vi đầy đủ thềm lục địa của mình, bao gồm cả Bắc Cực”. Tàu phá băng Louis S. St-Laurent khởi hành sau tàu Terry Fox một ngày.
Trong sứ mệnh lần này, hai tàu của Canada sẽ khảo sát một phần của lòng chảo Âu - Á ở phía đông dãy Lomonosov và có thể sẽ thăm dò luôn các khu vực gần Bắc Cực nếu điều kiện cho phép.
“Chính phủ của chúng tôi đang bảo vệ chủ quyền và sẽ mở rộng các cơ hội kinh tế và khoa học bằng cách định rõ biên giới của Canada” - Bộ trưởng Môi trường Canada Leona Aglukkaq nói.
Tháng 12 năm ngoái, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Canada cho biết Ottawa đã nộp lên Liên Hiệp Quốc những thông tin sơ bộ về ranh giới ngoài thềm lục địa của họ trên Bắc Băng Dương.
Theo AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó đã có hành động đáp trả khi ra lệnh cho quân đội nước này tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực trong khi các nước như Na Uy, Đan Mạch cũng có động thái tương tự.
Nga và Canada có các vùng chồng lấn ở cả Bắc Cực và các khu vực băng tuyết rộng lớn tại Bắc Băng Dương. Đây là nơi mà Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ tin rằng đang giữ 13% trữ lượng dầu và 30% trữ lượng khí thiên nhiên chưa được khám phá của thế giới.
RIA Novosti thì nói nguồn tài nguyên ở Bắc Cực được ước đoán trị giá 30.000 tỉ USD và Nga đang có ý định chuyển các hoạt động thăm dò dầu khí đến đây trong tương lai gần, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nga cũng coi việc thăm dò Bắc Cực là một trong những ưu tiên hàng đầu và tác nhân cho việc phát triển kinh tế. Năm ngoái, Matxcơva đã công bố một chiến lược tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực và đẩy mạnh phát triển khu vực này đến năm 2020.
Hồi cuối tháng 7, Moscow Times cũng cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã lên kế hoạch thiết lập sáu doanh trại quân đội ở Bắc Cực với tên gọi chung “Ngôi sao phương bắc”. Từ tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin đã kêu gọi giới chức quân đội tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực trong bối cảnh hải quân Mỹ cũng hiện diện tại đây.
Tranh giành Theo BBC, Nga và Đan Mạch cũng tuyên bố chủ quyền một vùng đáy biển rộng lớn ở Bắc Băng Dương quanh dãy Lomonosov. Cùng với Canada, hai nước này đang tìm kiếm các bằng chứng khoa học để chứng minh phạm vi thềm lục địa của mình. Russia Today của Nga cho biết Nga dự kiến sẽ đưa các bằng chứng của mình lên Liên Hiệp Quốc vào năm sau. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), một nước ven biển có thể tuyên bố các đặc quyền kinh tế đối với tài nguyên thiên nhiên trên hoặc dưới đáy biển tới 200 hải lý bên ngoài vùng lãnh thổ đất liền của họ. Nhưng nếu thềm lục địa trải dài quá khoảng cách trên, nước đó phải cung cấp bằng chứng và nộp lên cho một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, nơi sẽ có đề xuất về việc thiết lập ranh giới ngoài thềm lục địa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận