27/07/2005 09:43 GMT+7

"Yêu lấy đời mà sống, mẹ ơi!"

K.E.
K.E.

TT - “Mẹ con mình cứ buồn, cứ khóc mãi chẳng ích gì... Đời không yêu mẹ con mình thì mẹ con mình yêu lấy đời mà sống, mẹ ơi!”.

hs8SHpNl.jpgPhóng to

Thu Hiền trên sân đấu cầu lông Ảnh: Việt Dũng

TT - “Mẹ con mình cứ buồn, cứ khóc mãi chẳng ích gì... Đời không yêu mẹ con mình thì mẹ con mình yêu lấy đời mà sống, mẹ ơi!”.

Đó là lời của cô gái 25 tuổi Lê Thị Thu Hiền tâm sự với mẹ và với những dòng này, bài viết của chị đã giành giải nhất cuộc thi “Hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn” do Hiệp hội Ôtô - xe máy Nhật Bản và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức.

Người con gái nghị lực ấy cũng là một VĐV khuyết tật xuất sắc vừa giành được 1 HCV cầu lông tại cuộc thi cho người khuyết tật đang diễn ra tại Hà Nội ở nội dung đánh đôi trên xe lăn. Đó là chiếc HCV thứ sáu kể từ khi Hiền đến với thể thao khuyết tật trong ba năm qua.

Nhìn gương mặt trẻ trung, xinh xắn và thông minh của Hiền trên sân đấu, ít người nghĩ rằng cô gái trẻ ấy phải qua năm lần lên bàn mổ trong vòng năm năm sau một tai nạn giao thông xảy ra với cô trước sinh nhật lần thứ 20 đúng ba ngày.

Với tỉ lệ 65% thương tật vĩnh viễn và một chân bị mất đi, có thể nói Hiền phải trải qua những ngày đau đớn nhất cả về thể xác lẫn tinh thần. Bị tai nạn ngay sau khi gia đình sa sút, cả nhà phải ở nhờ một người bà con tại phường Hòa Khánh Bắc (Đà Nẵng). Từ đó đến nay, ba Hiền do không chịu nổi cú sốc đã đi làm ăn biệt tăm trong năm năm qua.

Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng Phạm Trung Kiên: “Đúng là tôi đã đọc lá đơn của Lê Thị Thu Hiền và tôi đã gọi điện cho cô ấy. Mấy năm trước, anh Hồ Thế (nguyên giám đốc Bưu điện Đà Nẵng) cũng nói với tôi rằng anh rất ấn tượng về Hiền. Nhưng hơn một năm nay chúng tôi chưa có kế hoạch tuyển người. Nếu tuyển cán bộ, tôi sẽ lưu ý trường hợp của Hiền”.

Ba mẹ con Hiền chỉ biết sống dựa vào nhau và cũng thật lạ lùng khi chính cô gái tật nguyền lại là chỗ dựa cho người mẹ đau khổ. Mẹ Hiền nói: “Con tôi rất mạnh mẽ và tự tin. Khi công an đến lấy tin và quay phóng sự, nó đồng ý ngay. Nó đi ra đường, vào quán uống cà phê với bạn bè trong ánh mắt tò mò của mọi người mà không hề mặc cảm, tự ti”.

Tai nạn đã khiến cô dở dang con đường nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp bưu điện và đang chờ quyết định đi làm và cũng dở dang cả lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng từ năm 20 tuổi.

Hiền tham gia thể thao không nhiều như các đồng đội khác vì cô phải phụ mẹ kiếm tiền nuôi em ăn học. Nhưng sức con gái và nghị lực khiến Hiền tiến nhanh với hai HCB tại Para Games 2003, năm HCV trong các giải toàn quốc khiến Hiền được nhiều đồng đội trong cả nước biết đến.

Hai năm sau tai nạn, Hiền vẫn đi thi tuyển công chức ngành bưu điện. Hiền kể: “Tôi thấy tên mình có trong danh sách 90 người trúng tuyển vào ngành bưu điện năm 2002 nhưng chờ mãi vẫn không được gọi đi làm. Tại cuộc thi tuyển, bác Hồ Thế (giám đốc Bưu điện Đà Nẵng năm ấy) cũng nói rằng tôi là người trả lời vấn đáp ấn tượng nhất”.

Tháng sáu vừa qua, cô đã viết thư cho giám đốc Bưu điện Đà Nẵng Phạm Trung Kiên, trình bày mọi việc, năng lực và nguyện vọng của mình. Hai ngày sau, ông Kiên đã gọi điện đến nhà Hiền gieo cho cô một hi vọng: “Sẽ lưu ý trường hợp của Hiền”.

Mấy năm qua, ngoài thể thao, Hiền còn dồn sức viết văn, và văn chương cũng mang lại cho cô nhiều hạnh phúc. Năm 2002, Hiền đoạt giải đặc biệt (10 triệu đồng) của báo Hoa Học Trò ở cuộc thi “Nét bút kỷ niệm” viết về “vết sẹo” trong đời mình. Năm 2004, cô lại nhận giải ba của báo Thanh Niên viết về chiến dịch Mùa hè xanh.

Trước khi lên đường ra Hà Nội dự giải thể thao, Hiền đã gửi bài dự thi “Mùa hè xanh mãi trong tôi” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Trong bài viết này, Hiền viết về một bạn tình nguyện viên ở Para Games, người đã tạo niềm vui cho Hiền với 12 bông hồng mỗi ngày.

K.E.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên