24/24 giờ, cứ có người cần hỗ trợ là một “tổ công tác” lại lên đường - Ảnh: CHÍ HẠNH
Bàn kế giúp người
Suốt hơn bốn năm qua, cứ mỗi sáng người dân ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long lại thấy mấy ông già quây quần bên chiếc bàn sắt đặt ngay căn phòng nhỏ trong khuôn viên của hội đông y. Họ vừa nhâm nhi trà nóng vừa "bàn kế" đi vận động tiền xăng dầu từ các nhà hảo tâm. Đó là ông Bảy Vân, Hai Thơ, Năm Thoại, Kim Ca, Sáu Viên... những thành viên lớn tuổi trong ban điều hành xe chuyển viện từ thiện.
Hai Thơ là tên gọi thân thương mà người dân đặt cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ - chủ tịch hội đông y và cũng là thành viên ban điều hành xe chuyển viện từ thiện thị xã Bình Minh. Năm 1996, hội được thành lập và qua quá trình thăm khám cho người bệnh, ông Hai Thơ nghe không ít tâm tư nguyện vọng của người dân, đó là có xe chuyển viện miễn phí. "Ấp ủ mãi đến năm 2015, ban điều hành xe chuyển viện từ thiện chính thức ra đời. Đây cũng là mô hình đầu tiên ở thị xã và vùng lân cận" - ông Hai Thơ nhớ lại.
"Ban đầu thành lập quá khó khăn, mấy tháng trời tui với Hai Thơ ê mặt mũi đi xin tiền mới đủ mua xe chuyển viện, giá gần 700 triệu đồng. Có xe, nhu cầu người dân quá lớn, có lúc phải bao xuống tận Ba Càng, Tam Bình, Trà Ôn...
Anh em tụi tui mới bàn kế tiếp tục vận động người dân, bỏ tiền túi và xin thêm Nhà nước mua chiếc thứ hai" - lão nông Nguyễn Tường Vân (Bảy Vân), 69 tuổi, ngụ phường Thành Phước, nhớ lại.
Trưởng ban điều hành là ông Phan Văn Viên (Sáu Viên), 70 tuổi, cũng là một thành viên từ thuở ban đầu, hiện giờ tuy sức khỏe yếu dần nhưng vẫn tham gia công việc đều đặn. "Trẻ thì làm việc trẻ, già như tui thì làm việc nhẹ hơn, tham gia sắp xếp lịch trực, tài xế cho đến lo kinh phí hoạt động, tiền xăng cộ. Làm sao mỗi tháng phải có tiền để hai xe cứu thương hoạt động" - ông Sáu Viên tâm sự.
Việc của "mấy ông già" được hưởng ứng
Ban điều hành xe chuyển viện hiện có hơn 30 người, tài xế chiếm tới hơn chục người với nhiều thành phần khác nhau và được đào tạo qua lớp sơ cấp cứu. Anh Lê Như Hoàng (38 tuổi) - giáo viên Trường THPT Tân Quới, huyện Bình Tân - thường xuyên dành những lúc rảnh vào ban đêm, lúc không có tiết dạy để đến phụ lái xe cứu thương giúp người.
"Thấy việc làm hay cho xã hội nên đến tham gia chia sẻ với các chú, các bác. Bởi mấy năm trước đây, chính con tui bị bệnh và được các bác ở đây giúp đỡ" - anh Hoàng kể và cho biết đây là lý do anh làm tài xế từ thiện.
Lão nông Trần Văn Trung (Năm Thoại) - 62 tuổi, ngụ xã Thuận An - chia sẻ: "Tui thấy anh em, chòm xóm làm việc tốt thì cũng nhào vô làm. Tui lái xe chở người bệnh gần một năm nay, chở đi đâu, bao nhiêu ca không thể nào đếm xuể". Lão nông Âu Kim Ca (69 tuổi) lúc trước làm lúa, nhưng giờ sức khỏe không còn nên đem đất cho thuê. Rảnh rang, ông tham gia trực điện thoại, điều xe, tài xế rồi đi cùng tiếp nhận và chuyển giao bệnh nhân.
Anh Nguyễn Văn Mến, 37 tuổi, cũng bỏ công việc chạy xe đường dài để gia nhập đội ngũ tài xế chở bệnh nhân miễn phí.
Lê Thành Nhơn, thành viên ban điều hành mới 16 tuổi, cho biết ban ngày Nhơn làm cho nhà phân phối sữa, nghe cậu ruột là thầy giáo ở Mỹ Hòa đang lái xe từ thiện rủ rê, Nhơn liền tham gia vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
"Ở đây làm không công, nhưng đổi lại em được các chú, các bác dạy dỗ cho nên người" - Nhơn tâm sự.
Ông Năm Thoại nói làm công việc chạy đua với tử thần là vô cùng cực nhưng cũng có nhiều kỷ niệm... bất ngờ.
"Cách đây hai tháng tui có chở một người đi cấp cứu ở xã Trung Thành, huyện Bình Tân. Đang chạy ngon lành thì người nhà đập cửa nói "tắt thở rồi, thôi quay về làm đám tang". Tui đâu có chịu, tui nói còn nước còn tát và cố chạy về hướng có cơ sở y tế gần nhất. Qua mấy mố cầu, xe nảy lên ba bốn cái rồi bệnh nhân thở lại và sống tới bây giờ" - ông Năm Thoại cười kể.
Năm 2019 chuyển 3.593 ca bệnh
Theo ông Sáu Viên, đã tham gia ban điều hành xe chuyển viện thì tất cả thành viên buộc phải tuân thủ nghiêm năm nguyên tắc.
Nghiêm nhất là không được nhận tiền của người bệnh, không dùng phương tiện vào việc cá nhân và phải phục vụ 24/24 giờ.
"Ngoài phục vụ người dân địa phương, người đi làm ăn xa gặp hoạn nạn hay cả người xứ khác qua đây mà gặp nạn, bất kể là ở đâu chúng tôi đều phục vụ chu đáo" - ông Sáu Viên nói và cho biết thêm trong năm 2019 đã tham gia chuyển 3.593 ca bệnh.
Ông Sáu Phên, 73 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, cho biết cá nhân ông cũng đã mấy lần được nhóm hỗ trợ.
"Khác hẳn với các bệnh viện ở thành phố lớn, xe chuyển viện giành giật nhau từng người bệnh vì món tiền công khá lớn. Còn ở đây anh em phục vụ miễn phí, bất kể ngày hay đêm. Bà con được nhờ dữ lắm" - ông Sáu Phên nói.
Trồng xoài vì "sức khỏe giống nòi"
Ông Những khoe “gia tài” của mình là những chế phẩm sinh học tự ủ để bón, phun cho xoài - Ảnh: NGỌC TÀI
Tôi thấy thương và quý các chú lắm vì tâm huyết của các chú. Cách làm này chắc chắn tốt rồi, tốt cho môi trường, giúp cây xoài sống lâu, hướng đến người tiêu thụ an toàn. Xã xác định đây là mô hình kinh tế bền vững, hướng đến sản xuất xoài hữu cơ, tạo dựng thương hiệu xoài cho địa phương".
Bà Lê Thị Mai Trinh (bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây)
15h, không cần chuông báo, ông Đặng Văn Những (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) quày quả chạy xe máy kéo theo sau thùng chứa rác màu xanh và dừng lại ở chợ xã Tân Thuận Tây. Chỉ cần thấy ông Những, các tiểu thương liền mang số rau thừa cho vào những thùng rác cũng màu xanh chuẩn bị sẵn ở góc chợ. Số rau này ông mang về để ủ phân hữu cơ bón cho xoài. Ngày ngày thu lượm rau thừa tại chợ, ông Những đang làm công việc mà ban đầu ai cũng nghĩ ông "quá rảnh". Mặc ai chê cười, ông vẫn cần mẫn với việc mình tâm niệm là đang mang lại sức khỏe cho nhiều người.
Ông Những không chỉ tiên phong thay đổi phương thức sản xuất tốt cho môi trường, sản xuất nông sản sạch, an toàn mà còn giúp nhiều nông dân trong hội quán của mình thay đổi theo. Sau gần nửa năm ông đã thuyết phục được hơn 20 nhà vườn chung tay cùng mình sản xuất theo hướng mới, được một doanh nghiệp đồng hành mua xoài với giá cao hơn thị trường. Qua các lớp tập huấn về sản xuất phân hữu cơ tại nhà, ông Những đã có trong nhà một "gia tài" đồ sộ gồm chế phẩm phân bón làm từ quả xoài, chuối, rau xanh; thuốc sinh học làm từ ớt, gừng, tỏi… "Phân đạm thì làm từ cá, ốc, phân kali thì làm từ chuối… Tui hay nói với anh em dù chưa có cơ quan nào chứng nhận hữu cơ sinh học cho mình nhưng mình thấy vui vì đang mang lại sức khỏe cho giống nòi. Anh em ai cũng đồng tình và lấy luôn "sờ lô gân" (slogan - PV) cho tổ là "trồng xoài vì sức khỏe giống nòi"" - ông Những cười tươi khoe.
Ông Đặng Phụng Đức, một trong những nông dân sát cánh với ông Những trong những ngày đầu, cũng rất tâm đắc với mô hình tự sản xuất phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. "Muốn làm cái này phải quyết tâm, bền bỉ. Không ai kiểm tra mình mà tự mình làm bằng cái tâm, bằng tấm lòng. Và trái ngọt với anh em trong tổ không chỉ là nông sản bán được giá mà còn thấy vui vẻ, tự tin quảng bá trái xoài quê hương cho bạn bè khắp nơi" - ông Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận