19/10/2017 13:26 GMT+7

Yêu cầu báo cáo nhanh thực trạng phòng chống thiên tai

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai vừa hoả tốc yêu cầu các địa phương báo cáo thực trạng phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Yêu cầu báo cáo nhanh thực trạng phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng - Ảnh: XUÂN LONG

Văn bản hoả tốc của ban thường trực Ban chỉ đạo do ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó trưởng ban - ký yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đánh giá ngay thực trạng phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại các tỉnh miền bắc vừa qua.

Các địa phương cần đánh giá công tác này theo phương châm 4 tại chỗ, xác định các nhu cầu cấp bách hiện nay để ứng phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, cũng như sắp xếp thứ tự ưu tiên và đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình đảm bảo phù hợp với tình hình trước mắt và ổn định lâu dài.

Ban chỉ đạo đánh giá các rủi ro thiên tai liên quan đến lũ quét, sạt lở đất hiện đang có xu hướng gia tăng ở các tỉnh miền núi. Chỉ tính riêng từ tháng 6-2017 đến nay, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 148 người chết và mất tích, nhiều công trình bị sạt lở, ước tính thiệt hại trên 3.000 tỉ đồng.

Trong đó, thiệt hại nặng nề về người và của nhất là những trận lũ quét, sạt lở đất lớn tại các huyện Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Tân Lạc (Hoà Bình).

Yêu cầu báo cáo nhanh thực trạng phòng chống thiên tai - Ảnh 2.

Quang cảnh vụ sat lở đất ở Hòa Bình ngày 12-10 - Ành: VIỆT DŨNG

Đánh giá tình trạng sạt lở đất ở Hoà Bình

Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà vừa có chuyến thị sát các khu vực sạt lở nghiêm trọng tại các xã Yên Hò, Đoàn Kết (huyện Đà Bắc, Hoà Bình) ngày 18-10. Sau khi thị sát, bộ trưởng yêu cầu đặc biệt quan tâm tới hiện tượng sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra.

Theo ông Hà, việc phải làm ngay là tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực đã được xác định là nguy hiểm, không bảo đảm an toàn. Đồng thời thực hiện quan trắc, theo dõi giám sát diễn biến sạt lở để chủ động cảnh báo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.

Hôm nay 19-10, ông Hà cũng chỉ đạo Liên đoàn Địa chất Tây Bắc phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương và các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, tác động của hiện tượng sạt lở đất tại các khu vực của huyện Đà Bắc, xác định mức độ ảnh hưởng đến khu dân cư và công trình lân cận.

Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, góp phần giúp người dân vùng sạt lở sớm ổn định cuộc sống và có sinh kế bền vững lâu dài.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Dũng - chủ tịch UBND huyện Đà Bắc - cho biết trong đợt mưa lũ và sạt lở đất vừa qua, huyện có 6 người chết, 8 người bị thương và 5 người còn đang mất tích.

Mưa lũ, sạt lở đất cũng làm sập hoàn toàn và cuốn trôi 50 ngôi nhà, sạt lở đất vào 325 nhà. Trên địa bàn huyện hiện có 345 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp.

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Hoà Bình, sau đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, sạt lở đất khi có tới 20 điểm sạt lở đất nghiêm trọng.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên