30/06/2016 10:30 GMT+7

Ý tưởng từ thập niên 1950

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Có một người gắn bó với phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời chống Pháp những năm 1940-1950 đã xác quyết ý tưởng đặt tên Thành phố Hồ Chí Minh cho Sài Gòn - Chợ Lớn trong những ngày nhân dân các giới cùng nhất tề xuống đường đấu tranh chống thực dân.

Ông Nguyễn Thọ Chân (người khoanh tay) chụp chung với Đặc khu ủy Sài Gòn - Ảnh: tư liệu của ông Nguyễn Thọ Chân
Ông Nguyễn Thọ Chân (người khoanh tay) chụp chung với Đặc khu ủy Sài Gòn - Ảnh: tư liệu của ông Nguyễn Thọ Chân

 

 

Câu chuyện của ông Nguyễn Thọ Chân

“Khoảng năm 1949-1950 tôi đại diện Thành ủy Sài Gòn cùng các đồng chí xứ ủy là Phạm Hùng, Hà Huy Giáp và Khu bảy 1 người, Khu tám 1 người và Khu chín 1 người đi ra Bắc dự đại hội Đảng lần 2.

Trong lúc tôi ở ngoài Bắc thì phong trào công nhân, nhất là học sinh, trong Sài Gòn và miền Nam lên cao. Có lúc hàng vạn đồng bào cùng xuống đường đấu tranh, nhất là trong đám tang trò Trần Văn Ơn... Vì đại hội hoãn nên tháng giêng năm 1950 chỉ họp hội nghị cán bộ toàn quốc. Tôi và các đồng chí Nam bộ dự hội nghị này.

Hội nghị toàn quốc đương họp thì lúc ấy ở Sài Gòn vẫn diễn ra đấu tranh của đồng bào. Lúc bấy giờ Bác Hồ bảo, đồng bào cả trăm ngàn người đang xuống đường đấu tranh, các chú Sài Gòn còn ở đây làm gì? Nghe thế, đồng chí trưởng đoàn là Phạm Hùng nói với tôi: Bác nói thế, thôi thì anh về lại thành phố đi.

Tôi về, lúc bấy giờ ta đã lập Đặc khu ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi thành Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, ông Nguyễn Văn Linh làm bí thư, ông Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch, một số đồng chí nữa như Trần Quốc Thảo là khu ủy. Tôi về đến Nam bộ thì đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nói với tôi rằng, thôi, cậu về hơi muộn, anh em đã đại hội và bầu khu ủy rồi, các ông phân công tôi trở lại Sài Gòn.

Lúc ấy khoảng độ tháng 8, tháng 9-1950, đặc khu ủy đóng ở Tân Long - Thủ Dầu Một, chưa lập trung ương cục. Lúc bấy giờ đồng bào đấu tranh rất anh dũng, cho nên có dư luận từ phong trào quần chúng và từ đảng viên, các đồng chí cán bộ rằng thành phố này đấu tranh anh dũng như thế, xứng đáng mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là ý tưởng ra đời từ dư luận cán bộ đảng viên khi phong trào cách mạng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn diễn ra thật mạnh mẽ. Điều này là một điểm đặc biệt, tôi cho rằng ý kiến đó thật xứng đáng, bởi tính chất phong trào cách mạng tại thành phố này đặc biệt lắm. Chẳng hạn từ sự phản kháng của những học sinh con gia đình trung lưu, họ đã lôi kéo cả cha mẹ vào cuộc đấu tranh.

Cụ thể là trong đám tang trò Ơn, có những vị đi đầu như cụ Lưu Văn Lang rất nổi tiếng, hay cả các bà Đầm như bà Phạm Ngọc Thạch, bà Phạm Huy Thông cũng đi đầu cuộc biểu tình. Rồi những luật sư hàng đầu tham gia như Nguyễn Hữu Thọ, Trương Đình Dzu...

Do đấu tranh quyết liệt như thế, các đảng viên mới bảo ngay cả Hà Nội cũng không có cuộc đấu tranh nào đông đảo đến như thế, tất cả các giới đều có người tham gia cách mạng, đặc biệt là công nhân, thứ hai là thanh niên, sinh viên học sinh, thứ ba là chị em buôn bán tiểu thương ở chợ, thứ tư là trí thức, thứ năm là báo chí công khai. Cho nên tôi biết tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã có từ trong lòng dân vào những năm tháng ấy”.

Mấy câu thơ trong bài Ta đi tới in ở trang 85 tập thơ Việt Bắc - Ảnh: L.Điền
Mấy câu thơ trong bài Ta đi tới in ở trang 85 tập thơ Việt Bắc - Ảnh: L.Điền

Những trang sách từ thập niên 1950

Cùng trong thời điểm ở miền Nam phong trào cách mạng lên cao làm xuất hiện ý tưởng “Sài Gòn - Gia Định xứng đáng mang tên Thành phố Hồ Chí Minh”, thì cũng năm 1950, tại Hà Nội xuất hiện một tập sách ghi nhận tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” hẳn hoi. Đó là tập sách có tên 23 tháng 9, xuất bản vào năm 1950 trên giấy rơm, gồm 35 trang khổ nhỏ (12x17cm). Sách này không có tên tác giả, chỉ đề “Việt Nam Thông tấn phát hành, 1950”, từng được lưu giữ tại Thư viện “Khu T.T Thái Mèo”.

Nội dung sách nhằm ôn lại quãng thời gian năm năm kể từ ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), ngay đoạn đầu, sách viết: “Hôm nay, cách đây đúng năm năm, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Bắt đầu ở Nam bộ, phần đất xinh tươi của Tổ quốc mà Cụ Chủ tịch đã gọi là “thịt của thịt chúng ta, máu của máu chúng ta”.

Bắt đầu ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đô thành lớn nhất ở Việt Nam mà đồng bào Nam bộ đã xin cải tên lại là “Thành phố Hồ Chí Minh” vừa để cảm ơn người chí sĩ đã sáng lập nền dân chủ cộng hòa, vừa để tiêu biểu ý chí quật cường, lòng dạ quyết thắng của bao triệu dân theo gót vị anh hùng dân tộc”.

Trong câu đề cập đến địa danh Sài Gòn - Chợ Lớn, sách này nêu chi tiết quan trọng “đồng bào Nam bộ đã xin cải tên lại là “thành phố Hồ Chí Minh”. Như vậy, có thể khẳng định ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh đến từ đồng bào Nam bộ.

Giới nghiên cứu ghi nhận: trên phương diện xuất bản, tác phẩm 23 tháng 9 in năm 1950 đến nay là tập sách sớm nhất được ấn hành chính thức có ghi nhận trường hợp Sài Gòn được đề nghị “cải tên” là Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính quyền cách mạng Việt Nam ký kết Hiệp định Genève vào 20-7-1954. Cảm hứng chiến thắng thực dân Pháp từ Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vừa mới đó đã vấp phải thực tế đất nước bị chia cắt. Lúc này, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu, được sáng tác ngay trong tháng 8-1954 và in trong tập Việt Bắc vào tháng 11 cùng năm.

Trước thực trạng đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève, Tố Hữu làm một cuộc hành trình bằng thơ, đi qua các vùng miền, để khẳng định chân lý “nước Việt Nam là một”, rằng “lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Đặc biệt trong hành trình thơ đó, Tố Hữu đã bất ngờ dùng cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh” để chỉ thành phố Sài Gòn như một địa danh được thừa nhận hiển nhiên:

“Ai đi Nam bộ
Tiền giang, Hậu giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng...”.

(theo Việt Bắc, bản in tháng 11-1954)

Sự nổi tiếng của bài thơ Ta đi tới cùng với bao thế hệ học sinh làm quen với bài thơ này trên ghế nhà trường đã khiến cho một số người nhận thấy cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” trong bài thơ này đã cho rằng ý tưởng đặt tên Thành phố Hồ Chí Minh cho Sài Gòn - Gia Định có từ năm 1954. Kỳ thực thì điều đó chưa chính xác...

_____________

Kỳ tới: Những chặng đường gọi tên

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên