Áo dài ngày nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Một mặt, áo dài rất quen thuộc, độ nhận diện cao, được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi và dành tình cảm yêu mến đặc biệt.
Mặt khác, áo dài cũng sẽ rất mới lạ nếu đặt trong hình thức một biểu tượng hữu nghị của TP.HCM mang thiết kế sáng tạo, độc đáo, ấn tượng.
Áo dài thể hiện được "tính thống nhất trong đa dạng", nghĩa là trang phục này có những đặc trưng riêng mang tính quy chuẩn mà nếu phá vỡ, sẽ không thể gọi là áo dài, song đồng thời lại có độ mở, thoáng không giới hạn tương thích với tinh thần, bản sắc, hệ giá trị làm nên "DNA" của Sài Gòn - TP.HCM.
Công trình có thể là tượng đài hoặc tác phẩm nghệ thuật nói chung, chất liệu bền vững, thân thiện môi trường, quy mô hòa hợp không gian kiến trúc đô thị.
Tạo điểm nhấn, công trình có thể đặt trên trục xoay 3600 chuyển động để nhận thấy, tiếp cận từ các hướng.
Tạo hình tổng thể là hình tượng áo dài với đặc trưng là hai tà áo tung bay, có thể là hình tượng thiếu nữ với áo dài - nón lá, tay vẫy chào, cầm cờ, cầm hoa, nâng quả địa cầu, nâng cánh chim bồ câu hòa bình...
Nếu sử dụng ngôn ngữ đương đại, có thể nghĩ đến những thiết kế độc đáo, thú vị, phá cách, trẻ trung, ví dụ không nhất thiết phải có con người trong đó, chỉ cần thể hiện được form dáng áo dài, những đường nét liên tưởng, gợi hình, kích thích thị giác.
Tạo hình hoa văn là điểm nhấn của công trình biểu tượng áo dài hữu nghị, như là những "hoa văn" được dệt lên tấm vải áo dài.
Đó chính là logo/emblem của các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM. Sắp xếp, bố trí các "hoa văn" cần đảm bảo mỹ thuật, hài hòa, rõ ràng, chính xác, dễ nhận biết. Cũng cần dành khoảng trống trên tà áo để tiếp tục bổ sung về sau.
Vị trí ngực trái trên áo dài, nơi trái tim là biểu trưng của TP.HCM, có thể đi kèm tên công trình "Áo dài hữu nghị" hoặc thông điệp "TP.HCM - thành phố hữu nghị toàn cầu".
Xuôi theo hai tà trước - sau, lần lượt "rải" đều biểu trưng các thành phố từ trên xuống, theo thứ tự thời gian thiết lập quan hệ. Cạnh logo/emblem có tên địa phương - tên quốc gia - năm kỷ niệm, có thể kèm theo quốc kỳ bên cạnh.
Hoặc thay vì cách thức truyền thống như sơn vẽ, in ấn, chạm khắc... logo/emblem trên bề mặt tà áo dài sẽ khá "tĩnh", "cố định", có thể nghĩ đến các giải pháp ứng dụng công nghệ về trình chiếu đồ họa, ánh sáng nghệ thuật, tương tác âm thanh để biểu tượng "động", "linh hoạt" hơn, phục vụ đa chức năng, hướng tới đa trải nghiệm.
Tạo cảnh quan nền cho công trình biểu tượng áo dài hữu nghị là vườn hoa với mảng xanh đô thị, không che chắn tầm nhìn.
Hình ảnh trăm hoa khoe sắc sinh động hòa điệu với nét đẹp mềm mại, duyên dáng của hình ảnh tà áo dài sẽ gia tăng cảm xúc cho công trình.
Nơi đây sẽ dành riêng cho các loại hoa do chính những địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM gửi tặng. Mỗi ô trồng hoa có thể gắn tấm biển nho nhỏ, giới thiệu về địa phương kết nghĩa, tên loài hoa được trồng, ý nghĩa và thông điệp gửi gắm...
Sài Gòn - dòng sông hữu nghị
Sông Sài Gòn chắc chắn nằm trong số ít những biểu tượng đặc biệt nhất, cả về mặt vô hình lẫn hữu hình, của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM.
Nếu đô thị này có "DNA" riêng làm nên bản sắc của nó, thì gần như tất cả các giá trị đặc trưng trong DNA ấy đều được quy định bởi và hình thành từ chính dòng sông này.
Cũng có thể thấy xuyên suốt dòng chảy sông Sài Gòn một tinh thần hữu nghị, bởi lẽ trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất - đô thị nay là TP.HCM, bao thế hệ con người từ khắp mọi nơi đã "theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển".
Sông Sài Gòn xứng đáng là một biểu tượng hữu nghị của thành phố, cần được "đánh thức" và "nhắc nhớ" trong một hình thức trực quan sinh động ngay giữa lòng đô thị.
Nhìn từ bản đồ, đoạn sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ - chảy qua các quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4, quận 7 phía bờ tây và TP Thủ Đức ở phía bờ đông - hiện lên dáng hình chữ S đẹp và độc đáo.
Đây cũng là đoạn sông ôm trọn bán đảo Thủ Thiêm, như một "trục di sản" kết nối nhiều địa điểm mang tính biểu tượng về lịch sử - văn hóa - kinh tế - xã hội của thành phố.
Nên chọn "cắt" đoạn sông này làm điểm nhấn cho công trình biểu tượng Sài Gòn - dòng sông hữu nghị.
Tuy cắt nhưng hai đầu vẫn kéo dài ra, ngụ ý dòng chảy bất tận của dòng sông về hai phía thượng nguồn và Biển Đông.
Đoạn sông Sài Gòn hình chữ S chảy qua trung tâm thành phố gợi liên tưởng đến dáng hình bản đồ Việt Nam; đồng thời đó là chữ cái đầu tiên trong tên gọi "Sài Gòn".
Ngoài ra, logo/emblem (biểu trưng) của TP.HCM được đưa vào biểu tượng như sự cách điệu chữ G cũng trong tên gọi này.
Có thể dùng màn hình trình chiếu logo/emblem của tất cả địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM, theo thứ tự thời gian thiết lập quan hệ, đi kèm đó là tên địa phương - tên quốc gia - năm kỷ niệm, có thể kèm theo quốc kỳ bên cạnh, hoặc các hình ảnh quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người, văn hóa địa phương...
Mời bạn dự thi ý tưởng thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM
Được sự chấp thuận của TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Công ty xi măng INSEE đồng hành, tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM.
Công trình biểu tượng này kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM, dự kiến sẽ được xây dựng tại công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi trước Nhà hát TP.HCM.
Thời gian gửi bài dự thi đến hết ngày 27-12-2023.
Gửi bài dự thi trực tiếp vào email: bieutuonghuunghi@tuoitre.com.vn.
Cuộc thi có các giải thưởng: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận