Cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM do báo Tuổi Trẻ, Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp thực hiện, với đơn vị đồng hành là Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Xi măng INSEE.
Hôm qua (26-1), lễ trao giải và tọa đàm cuộc thi đã diễn ra tại trụ sở báo Tuổi Trẻ với sự tham gia của các tác giả và tập thể tác giả đoạt giải.
Kỳ vọng là điểm nhấn của TP.HCM
Một trong năm tiêu chí quan trọng nhất cuộc thi là độ mở, vì hiện số địa phương kết nghĩa với TP.HCM là 58 nhưng sẽ ngày càng nhiều hơn, cũng là thể hiện sự trẻ trung, năng động, sáng tạo của TP.HCM.
Đặc biệt công trình này ở khu vực rất trung tâm, đã được UBND TP.HCM chấp thuận là tại công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi, ngay trước Nhà hát TP.HCM. Đây là vị trí rất quan trọng, cần thể hiện đặc trưng văn hóa TP.HCM.
Lâu nay các công trình biểu tượng cũng là nơi du khách gần xa tìm đến chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ mỗi khi ghé thăm các TP lớn trên thế giới.
Vì vậy, với ý tưởng công trình được lựa chọn qua cuộc thi này, UBND TP.HCM, các sở ban ngành, Sở Ngoại vụ TP.HCM cũng như báo Tuổi Trẻ đều có chung mong mỏi là sẽ mang tính tiêu biểu, góp phần đưa thông điệp TP.HCM làm bạn với các TP khác trên thế giới.
Giải nhất thuộc về chàng trai 28 tuổi - kiến trúc sư Bùi Minh Châu, người đã có 10 năm học tập, làm việc và gắn bó với TP.HCM. Bùi Minh Châu hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trường đại học Kiến trúc TP.HCM.
Thiết kế của anh là công trình có ý tưởng chủ đạo sóng nước, mang thông điệp "Sóng nước giao hòa, kết tình hữu nghị". Từ tâm của TP.HCM, 58 vòng tròn lan tỏa ra bên ngoài biểu trưng cho 58 TP kết nghĩa.
Tác giả cũng dự trù cho tương lai, đến năm 2044 có thể có thêm 40 vòng tròn nữa - chi tiết thể hiện độ mở của tác phẩm.
Hình ảnh biểu trưng là dòng nước với sóng nước lan rộng thành nhiều vòng, thể hiện sự giao thoa và kết nối của TP với những TP kết tình hữu nghị.
Chất liệu cho biểu tượng là đồng, bên cạnh tác phẩm nghệ thuật công trình còn áp dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng (được tác giả đề xuất là 3D mapping) và áp dụng công nghệ QR code để đa dạng hóa trải nghiệm tham quan, thưởng lãm của mọi người.
Không chỉ được lựa chọn vào top 8 tác phẩm nhận giải qua quá trình thảo luận của ban giám khảo, ý tưởng thiết kế này còn thuyết phục được các sở ban ngành, trong đó có Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao cũng như đại diện UBND quận 1, TP.HCM... khi ban tổ chức có buổi họp tham khảo ý kiến trước khi công bố kết quả.
Mong TP.HCM có một biểu tượng
Dù đề bài khá khó, nghiêng về chuyên môn mỹ thuật đô thị và kiến trúc, cuộc thi vẫn thu hút những bài dự thi chất lượng đến từ nhiều bạn đọc khác nhau và thuộc nhiều ngành nghề.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành viên ban giám khảo, nhận xét: "Đây là một cuộc thi ý tưởng và những người tham gia có trình độ khác nhau, từ kiến trúc sư, họa sĩ, sinh viên đến những người tham gia bình thường, thành ra ý tưởng khá đa dạng.
Hai tiêu chí quan trọng nhất là tính biểu tượng và sự hài hòa trong không gian cảnh quan của công trường Lam Sơn. Chúng tôi chọn những phương án phù hợp với tính khả thi và yêu cầu, phù hợp với hoạt động liên kết giữa các tỉnh thành trong nước và nước ngoài".
Nhóm sinh viên vừa ra trường mang tên GẾNT - thuộc ngành mỹ thuật đô thị của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM - giành giải nhì của cuộc thi với ý tưởng Nối vòng tay lớn.
Trình bày một thiết kế rất chi tiết, nhóm vẫn hồn nhiên bày tỏ không nghĩ mình sẽ tiến xa được đến mức đoạt giải nhì và được thuyết trình ý tưởng trước ban giám khảo, ban tổ chức. Với những sinh viên trẻ này, tình yêu đối với TP.HCM và nhiệt huyết tươi trẻ với nghề kiến trúc khiến họ hào hứng tham gia cuộc thi.
Nhóm GẾNT nhắn nhủ: "Nhóm tin rằng cuộc thi sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa TP.HCM với các thành phố trên thế giới, đồng thời là một hoạt động ý nghĩa để quảng bá văn hóa, con người TP.HCM đến với bạn bè quốc tế".
Bước sang giai đoạn hai, ban tổ chức sẽ tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng để chọn một trong số các ý tưởng đoạt giải để tiến hành thi công công trình.
Nỗ lực để khánh thành công trình vào tháng 9
Ông Trần Phước Anh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, nói:
"Ngày 17-1, ban tổ chức đã mời các sở ngành liên quan đến trao đổi và thống nhất.
Sau buổi trao giải hôm nay, Sở Ngoại vụ sẽ làm một báo cáo cho UBND TP.HCM.
Chắc chắn sẽ có một cuộc họp để chọn một ý tưởng triển khai trong thực tế.
Mục tiêu là khánh thành công trình kịp vào tháng 9-2024, trùng với một sự kiện hữu nghị lớn của TP.HCM. Sắp tới cần kế hoạch, nguồn lực, lộ trình.
Sở Ngoại vụ TP.HCM mong tiếp tục đồng hành với báo Tuổi Trẻ trong quá trình này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận