03/12/2022 09:54 GMT+7

Y tế, giáo dục tính đúng, tính đủ giá dịch vụ: Đặt quyền lợi của người dân lên trên hết

L.ANH - D.LIỄU - H.THANH - M.GIẢNG
L.ANH - D.LIỄU - H.THANH - M.GIẢNG

TTO - Trong chủ trương tự chủ tài chính của ngành y tế, giáo dục, đại diện Bộ Tài chính mới đây cho biết đến năm 2025 sẽ thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ cho các bệnh viện, trường học công lập.

Y tế, giáo dục tính đúng, tính đủ giá dịch vụ: Đặt quyền lợi của người dân lên trên hết - Ảnh 1.

Bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các đơn vị sự nghiệp công lập này tất nhiên sẽ có nguồn thu tốt hơn hiện nay.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) năm 2020 thu giảm 2.000 tỉ đồng so với 2019 (tương đương 30%), 2021 giảm tiếp 1.500 tỉ so với 2020. Năm 2022, bệnh nhân đông nhưng chênh lệch thu - chi rất thấp, thu nhập y bác sĩ giảm, đã có thêm 100 người nghỉ, chuyển việc từ đầu năm. 

Có bác sĩ đã thành danh tại Bạch Mai, nay quyết định về quê (tỉnh Bắc Ninh) làm việc. Có điều dưỡng giàu kinh nghiệm xin nghỉ 6 tháng không lương để tìm việc khác một thời gian, tất cả đều vì thu nhập quá thấp.

Tự chủ chưa đúng: ai cũng gặp khó

Không chỉ y bác sĩ gặp khó, mà người bệnh còn khó khăn bội phần. Hiện Trung tâm y học hạt nhân của Bệnh viện Bạch Mai thiếu trầm trọng thiết bị, do các máy PET, xạ phẫu, CT 256 lát cắt… đều đang đắp chiếu vì thiếu chính sách trong liên doanh liên kết, máy mới chưa có tiền đầu tư. 

Gần 1.000 bệnh nhân điều trị thường xuyên tại đây phải chạy đi nhiều nơi khi có chỉ định sử dụng thiết bị.

Tại Bệnh viện K, hiện bệnh viện có 5 máy xạ trị (trước có 9 máy nhưng 4 máy đang hỏng), bệnh viện cần ít nhất 10 máy nữa. Vì thiếu máy, những máy xạ trị đã có dùng đến 23/24h trong ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị cả vào ban đêm. 

"Một máy xạ trị 80-90 tỉ đồng nhưng khả năng của bệnh viện chỉ thu xếp được 100 tỉ/năm, muốn đầu tư số máy này phải mất 8-9 năm" - đại diện bệnh viện cho hay.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường y dược công lập ở Hà Nội cho hay theo lộ trình sau 2025 trường sẽ tự chủ. "Sinh viên đa số vượt khó nên dù học phí học y khoa ở Việt Nam rất rẻ, có thể nói là rẻ nhất thế giới nhưng chúng tôi vẫn khó có thể thu thêm của sinh viên" - vị này nói.

Lý do chính dẫn đến vướng mắc bệnh viện, trường học, sinh viên, người bệnh đang gặp phải là những bất cập, không đồng bộ về chính sách. Cụ thể, khi cho tự chủ toàn diện thì các điều kiện kèm theo như viện phí tính đúng tính đủ, quỹ bảo hiểm đủ khả năng chi trả viện phí mới, bệnh viện đã có đủ thiết bị y tế như nhu cầu… 

Tuy nhiên thực tế thì các điều kiện này đều chưa có, nên các bệnh viện tự chủ toàn diện rơi vào tình huống bị "khoán trắng", đầu tư từ ngân sách bị cắt trong khi thu không được tăng. Thậm chí khối bệnh viện còn "tị" với giáo dục khi viện phí theo yêu cầu có trần khống chế, còn học phí "chất lượng cao" lại không có trần, điều đó càng khiến khối bệnh viện khó khăn.

Những ngày này, khi Bệnh viện Bạch Mai, K… đồng thanh từ chối tự chủ thì có một số bệnh viện đa khoa tỉnh lại nhận quyết định tự chủ nhóm 1 theo nghị định 60, tức là hình thức gần tương tự tự chủ toàn diện. 

Bệnh viện trung ương có uy tín, nhiều nguồn thu, bệnh nhân đông mà tự chủ toàn diện còn đổ vỡ, vậy các bệnh viện tỉnh sẽ làm gì để tránh đi vào "vết xe đổ" này vì hậu quả cuối cùng bệnh nhân sẽ phải gánh chịu, đó là câu hỏi đang được đặt ra.

Tính đúng, tính đủ nhưng đặt quyền lợi người dân trên hết

Theo một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội, nếu tính đủ 7/7 yếu tố trong chi phí dịch vụ khám chữa bệnh thì viện phí có thể tăng lên 30-40%. Từng dịch vụ sẽ tăng theo việc tính toán chi phí khấu hao, cán bộ y tế có chuyên môn, chuyển giao công nghệ như thế nào… Mỗi khoa phòng, mặt bệnh sẽ có cách tính chi phí khác nhau.

Ví dụ đối với kỹ thuật siêu âm hiện nay bảo hiểm y tế (BHYT) đang chi trả 43.900 đồng/lần, nếu tính đủ thì phải tính cả chi phí khấu hao máy móc, chi phí nếu nâng cao chuyên môn nhân viên y tế, chi phí quản lý bệnh nhân trên hạ tầng công nghệ thông tin… chi phí sẽ tăng lên khoảng 30-40% giá hiện hành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Phúc, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất việc sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng trong năm nay chưa tăng viện phí. 

Bộ Y tế cũng đang tính toán việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác định lại định mức này. Trên cơ sở định mức đó sẽ xây dựng yếu tố chi phí cấu thành.

Ông Phúc cũng cho rằng tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh nhưng viện phí cần "cân nhắc" giữa các yếu tố cấu thành chưa được tính trong chi phí gồm khấu hao tài sản cố định, phí quản lý và đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học. Bởi những chi phí này phụ thuộc vào từng cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, cần tính toán khả năng chi trả, bởi quỹ BHYT có nguồn thu có hạn, nếu tăng chi trả cho người bệnh thì sẽ phải có phương án tăng nguồn quỹ. Vì vậy, quỹ bảo hiểm, ngân sách hay người bệnh cùng chi trả cần phải được tính toán kỹ để tránh gây ảnh hưởng đến người bệnh, phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.

Y tế, giáo dục tính đúng, tính đủ giá dịch vụ: Đặt quyền lợi của người dân lên trên hết - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Tài chính - L.THANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Trường ĐH: bài toán khó nhưng phải cố gắng

Ông Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết hiện nay trường thu học phí theo quy định dành cho trường công lập khoảng 11 triệu đồng/năm. Theo ông Trung, việc tính đúng, tính đủ học phí chỉ là một phần trong bài toán tài chính đại học nhưng nếu tính đúng tính đủ theo thị trường, học phí của trường sẽ bất ngờ tăng rất mạnh và như vậy sẽ ảnh hưởng đến người học rất nhiều.

Vì vậy, khi tính toán học phí, trường tính toán nhiều yếu tố để học phí không tăng quá nhiều trong khi nguồn thu của trường vẫn đảm bảo chi thường xuyên, tái đầu tư phục vụ người học. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người học được coi là chi phí bắt buộc, tăng tương ứng với mức học phí tăng. Trường giảm chi bằng cách tiết kiệm tối đa chi phí trong các hoạt động của trường.

Cùng quan điểm này, ông Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết học phí của trường hiện nay đã được tính đúng, tính đủ và việc này giúp hoạt động của trường tốt hơn. Tuy nhiên, học phí được tính dựa vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có mục đích tăng nguồn thu cho trường. 

Ngoài việc đảm bảo chi thường xuyên, tái đầu tư, đảm bảo đời sống nhân viên còn phải tính đến khả năng chi trả của người học. Mức học phí hiện nay của trường dung hòa các yếu tố này nên không cao như một số trường đại học khác. 

"Đi kèm với học phí tăng là chính sách hỗ trợ cho người học. Mỗi năm trường chi khoảng 50 tỉ đồng cấp học bổng cho sinh viên" - ông Hải nói thêm.

Trong khi đó, ông Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết việc tính đúng, tính đủ học phí có thể khiến một số ngành, trường đặc thù gặp khó khăn khi khó tuyển người học nên cần có mức học phí thấp hơn những ngành khác và sinh viên được hỗ trợ học bổng. 

"Các trường xây dựng học phí phải tính đến nhiều yếu tố, trong đó có người học để đưa ra mức thu phù hợp. Bên cạnh đó là chính sách vay học phí phải đảm bảo những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận để không giới hạn cơ hội tiếp cận đại học của họ" - ông Quán đề xuất.

Chuyện tréo ngoe của bệnh viện - trường y

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ vừa nhận được ý kiến của lãnh đạo Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) về việc sinh viên đi thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai phải đóng phí 28.000 đồng/ngày. "Trước đây bệnh viện không thu tiền thực tập nhưng từ khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì bắt đầu thu khoản phí này. Chúng tôi đề nghị bệnh viện chỉ thu phí tượng trưng thôi nhưng chưa được chấp thuận" - lãnh đạo Trường ĐH Y Dược nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, phía Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi năm đón khoảng 10.000 lượt sinh viên thực tập, từ 2019 trở về trước, khi chưa thực hiện tự chủ toàn diện thì chưa thu phí. "Nhưng hiện tại chúng tôi bắt buộc phải hạch toán vì sinh viên đến thực tập phát sinh chi phí bông băng, khẩu trang, điện nước, hội trường… mà bệnh viện đều phải chi" - đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Tình huống trên là một trong những chuyện phát sinh khi thực hiện tự chủ tài chính tại hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Ông Đào Xuân Cơ chia sẻ ba nhiệm vụ chính của bệnh viện là điều trị bệnh nhân nặng, bệnh khó; đào tạo, chỉ đạo tuyến cho y tế các tuyến và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên đến năm thứ ba (năm 2022 này) thực hiện tự chủ toàn diện, khoản thu của bệnh viện thì chi lương, phụ cấp (chi thường xuyên) cho y bác sĩ còn rất khó khăn, không có nguồn để nghiên cứu cũng như đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất nên mới phải nghĩ đến chuyện thu phí thực tập của sinh viên.

Giải quyết các vướng mắc để tránh "đi trên dây"

Theo tìm hiểu, học phí tại Trường ĐH Y Hà Nội đang khoảng 2 triệu đồng/tháng/sinh viên, nhưng đào tạo y khoa phải trên 100 triệu đồng/năm mới đủ. Chính vì vậy có ý kiến cho rằng trường y không thể trông vào học phí của sinh viên mà phải năng động tìm nguồn thu.

Chẳng hạn Trường ĐH Y Hà Nội có Bệnh viện ĐH Y Hà Nội hiện phát triển tốt và đang chuẩn bị nhận thêm một bệnh viện ở Thanh Hóa. Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) mới nhận Bệnh viện Xây dựng, chuẩn bị phát triển bệnh viện này thành cơ sở thực hành, đồng thời dịch vụ khám chữa bệnh cũng đem lại nguồn thu để quay lại hỗ trợ cho đào tạo.

Bên cạnh đó sau 2025 khi tự chủ, trường cũng có ý tưởng về đào tạo theo nhu cầu, đây là nguồn thu quan trọng thay cho việc trông chờ vào học phí. Với các cơ sở y tế, năng động để chuyển mình cũng là yếu tố quan trọng lúc này.

Về y tế, một chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng các bệnh viện năng động nhưng phải kèm theo chính sách, ví dụ như bệnh viện công liên doanh liên kết để đặt máy từ 2007, nhưng chính sách để phân chia lợi nhuận đến nay vẫn chưa có và đã có giám đốc bệnh viện phải vào tù vì sai sót trong liên doanh liên kết.

Vì vậy việc cần làm ngay của Bộ Y tế, Bộ Tài chính lúc này là có chính sách rõ ràng giải quyết các vướng mắc đang gặp phải, có hành lang pháp lý, bệnh viện sẽ an tâm thay vì phải "đi trên dây" như trước đây.

Tự chủ không có nghĩa muốn thu bao nhiêu thì thu

chan dung chan trang 2_2670606505513726238_n 1(Read-Only)

Ông Nguyễn Trường Giang

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Trường Giang, vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), với Tuổi Trẻ.

Theo ông Giang, Chính phủ đã ban hành nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là chủ trương lớn để triển khai nghị quyết 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo nghị quyết 19, sau năm 2021, tiến tới tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao trong giá dịch vụ công đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lộ trình này hiện nay đang bị chậm, cần được đẩy nhanh và mục tiêu sắp tới là đến năm 2025 sẽ thực hiện xong.

* Thưa ông, Nhà nước có ngưng hỗ trợ các cơ sở công lập khi tự chủ hoàn toàn?

- Việc các cơ sở tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên cho rằng khi tự chủ hai khoản này rồi thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, đầu tư tài sản là chưa đúng. Nghị định số 60 không quy định như vậy mà chỉ quy định khi Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước sẽ bố trí tương xứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Do vậy đối với các đơn vị tự chủ toàn bộ (cả chi đầu tư, chi thường xuyên) nhưng khi Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở A, trang bị máy B theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao. Nội dung này đã được thể hiện tại nghị định số 60 nhưng tới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị yên tâm trong triển khai thực hiện.

* Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ tính đúng, tính đủ. Vậy thời gian từ nay đến 2025, có cần bước chuẩn bị gì?

- Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ lùi lộ trình thực hiện tính đầy đủ giá dịch vụ công với giáo dục, y tế sang năm 2025. Tuy nhiên để đến năm 2025 có thể tính đúng, tính đủ giá cho hai dịch vụ này thì từ nay cần phải có sự chuẩn bị theo hướng sẽ tăng giá dần để không gây sốc cho xã hội. Cùng với đó Nhà nước sẽ có chính sách để giá tăng đến đâu thì hỗ trợ những đối tượng yếu thế đến đó.

* Theo ông, làm thế nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ tăng tương xứng với giá dịch vụ khi đơn vị được tự chủ?

- Về nguyên tắc, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có thu đủ bù chi, song chi phải trong định mức, tức là có khung giá để không có chuyện đơn vị cung cấp dịch vụ muốn tăng giá lên bao nhiêu cũng được. Thêm nữa, mức giá sau khi tăng sẽ chịu sự giám sát của cơ quan liên quan. Đặc biệt cũng phải tăng trách nhiệm giải trình về việc tăng giá dịch vụ nhằm đảm bảo khi giá tăng thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo.

L.THANH

Quỹ BHYT sẽ tìm cách thích nghi

Ông Lê Văn Phúc - trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho rằng khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT, tuy nhiên việc điều chỉnh này là cần thiết.

"Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngân sách nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các dịch vụ mà hỗ trợ thông qua việc mua BHYT như tăng mệnh giá BHYT để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn hoặc tăng mức chi trả nhằm giảm gánh nặng cho người dân", ông Phúc nói.

Lo ngại tự chủ bệnh viện quá mức có thể dẫn tới Lo ngại tự chủ bệnh viện quá mức có thể dẫn tới 'tư nhân hóa'

TTO - Quy định về tự chủ toàn diện hiện nay ở các bệnh viện chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, nên cần tháo gỡ vướng mắc thể chế để tự chủ cho phù hợp, tránh tự chủ quá mức dẫn tới "tư nhân hóa".

L.ANH - D.LIỄU - H.THANH - M.GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên