01/01/2016 11:18 GMT+7

Xuyên suốt của luật là bảo vệ 
quyền con người

TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)

TT - Năm 2015, hàng loạt bộ luật mới đã được Quốc hội thông qua với tư tưởng xuyên suốt là tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh làm oan người vô tội. Luật đã có, nhưng thực thi thế nào cho hiệu quả?

Ảnh: T.Lụa
Ảnh: T.Lụa

Họ phải biết được rằng tố tụng hình sự không phải phát hiện tội phạm, mà phải đi giữa ranh giới việc phát hiện tội phạm và bảo vệ con người, không nên đi lệch về bên nào

Ông ĐINH THẾ HƯNG

Trao đổi nhân dịp đầu năm mới với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đinh Thế Hưng, trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết:

- Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, năm qua có hai bộ luật lớn là Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự được thông qua. Có thể nói đây là thành tựu của chúng ta. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt của Bộ luật hình sự là thể hiện sự nhân đạo, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế.

Luật hình sự đã giảm phạm vi áp dụng hình phạt cho rất nhiều tội, giảm tử hình. Người ta không tuyệt đối hóa vai trò của luật hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm, không phải cứ xử phạt nhiều, xử phạt nặng sẽ phòng chống tội phạm, mà tập trung biện pháp khác như giáo dục, kinh tế, đó là tư duy rất mới.

Đối với Bộ luật tố tụng hình sự, tinh thần xuyên suốt là bảo vệ quyền con người, đặt việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự ngang bằng với xử lý tội phạm.

Đây là một bước rất tiến bộ. Việc bảo vệ quyền con người được đề cao với việc cài đặt nhiều quy định mới, những nguyên tắc rất hiện đại, rất văn minh, rất tiến bộ của luật pháp quốc tế.

* Luật thì rất hay, nhưng vấn đề đặt ra là thực thi như thế nào cho hiệu quả để các quyền được đảm bảo trong thực tế, thưa ông?

- Đó là câu hỏi mà chúng ta vẫn chưa hết ưu tư. Bởi lẽ khâu thực hiện pháp luật của chúng ta luôn là khâu yếu nhất. Vấn đề đặt ra là những người vận hành bộ máy đó.

Vì vậy phải thay đổi nhận thức về quyền con người trong các nhân viên tư pháp, đặc biệt trong cơ quan điều tra. Họ phải biết được rằng tố tụng hình sự không phải phát hiện tội phạm, mà phải đi giữa ranh giới việc phát hiện tội phạm và bảo vệ con người, không nên đi lệch về bên nào.

Việc thay đổi ý thức, tư duy của những người tiến hành tố tụng phải có biện pháp đồng bộ và mất thời gian.

Tuy nhiên, yếu tố để khắc phục là phải xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự. Phải tăng cường sự giám sát, đặc biệt sự giám sát của viện kiểm sát, các cơ chế giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân và hệ thống giám sát của dư luận, báo chí.

* Việc giám sát bên trong của các cơ quan tố tụng hình sự là khâu yếu trong khi các quy định của chúng ta về vấn đề này khá đầy đủ, theo ông vì sao?

- Quy định tố tụng hình sự hiện nay đã tạo cơ chế giám sát bên trong như hoạt động điều tra, xét xử đặt dưới sự giám sát của viện kiểm sát, tòa án chế ước viện kiểm sát: có quyền trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, không đủ chứng cứ hay còn nghi ngờ về chứng cứ thì tuyên vô tội. Nếu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì cơ chế hoàn toàn đã đủ.

Tuy nhiên, vấn đề là yếu tố con người, vẫn còn sự nể nang, dĩ hòa vi quý giữa các cơ quan tố tụng.

Và đặc biệt tư duy buộc tội bằng được, buộc tội đến cùng vẫn còn tồn tại. Tòa án hiện nay so với các cơ quan tố tụng vẫn chưa thật sự độc lập, vẫn còn phụ thuộc vào cơ quan điều tra, cơ quan truy tố.

Để khắc phục được vấn đề này phải tăng cường tranh tụng, tăng cường vai trò của tòa án, bản án phải thật sự là kết quả tranh tụng tại tòa. Làm được như vậy thì sự độc lập của tòa án sẽ cao, kết quả là một bản án chứa đựng công lý trong đó.

* Có giải pháp nào cho yêu cầu phải minh bạch hoạt động tố tụng hình sự không, thưa ông?

- Việc không minh bạch ở chỗ quá trình tố tụng hình sự đều do cơ quan nhà nước đảm nhiệm và đóng vai trò chủ động, từ tòa án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, nên sự giám sát, tham gia của bên buộc tội, người bào chữa, bị can, bị cáo còn hạn chế.

Ví dụ hỏi cung không có người bào chữa bên cạnh, không đảm bảo tranh tụng tại tòa. Khác các nước cơ quan điều tra và luật sư cùng đi tìm chứng cứ, bên nào thuyết phục được tòa án thì bên đó thắng.

Tố tụng hình sự của mình vẫn còn tư duy bao cấp, Nhà nước làm hết từ A đến Z. Vai trò của người bào chữa là thụ động, lý do hình như họ không tin tưởng, không chia sẻ gánh nặng tố tụng hình sự cho các bên.

Rất mừng hiện nay là các quy định đã được thể hiện, sự minh bạch đã được thể hiện. Đây cũng là nhiệm vụ của cải cách tư pháp trong nghị quyết 49 của Bộ Chính trị

TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên