21/07/2021 11:28 GMT+7

Xúc động mẹ đơn thân nuôi 'người hùng' cho thể thao Ấn Độ

QUỐC THẮNG
QUỐC THẮNG

TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ có 1 kình ngư đạt chuẩn A để giành suất trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020. Đó là Sajan Prakash, 27 tuổi, con trai bà mẹ đơn thân Shantymol - một nữ công nhân đã hy sinh mọi thứ cho con.

Xúc động mẹ đơn thân nuôi người hùng cho thể thao Ấn Độ - Ảnh 1.

Người mẹ đơn thân Shantymol đã nuôi dưỡng một người hùng cho thể thao Ấn Độ - Ảnh: Instagram

Tại giải bơi lội mới đây ở Rome (Ý), Sajan Prakash đã đạt thành tích 1'56"38 ở nội dung 200m bơi bướm để trở thành kình ngư người Ấn đầu tiên trong lịch sử đạt chuẩn "A" để giành suất trực tiếp góp mặt ở Olympic Tokyo 2020. 

3 ngọn đuốc trong đêm của người mẹ

Trong khi Sajan Prakash đang được ca ngợi như người hùng cho hành trình không tưởng đến Olympic thì người mẹ đơn thân Shantymol vẫn đều đặn mang theo 3 ngọn đuốc trong túi vải thô của mình trong hành trình 380km từ Bangalore trở về nhà Neyveli, để kịp thay đồ đi làm công nhân ở công trường nhiệt điện. 

Theo tường thuật của báo Indian Express, từ năm 2011 đến nay, cứ mỗi cuối tuần bà Shantymol sẽ ngồi trên chiếc xe buýt cũ kỹ và mang theo 3 ngọn đuốc lớn trong túi vải. Vì đoạn đường này rất xấu, không có đèn đường với nhiều ổ gà. Xe buýt thường xuyên bị thủng lốp nên hay trễ giờ làm, bà Shantymol quyết định mang theo đuốc để giúp các tài xế vá lốp xe hoặc đích thân bà sẽ vá lốp xe.  

"Tôi phải đến văn phòng lúc 8h30 sáng hôm sau, nếu không tôi sẽ mất nửa ngày lương. Các xe buýt vận tải của tiểu bang thường dừng lại vì đường rất xấu và xe luôn bị thủng lốp. Do đó tôi mới đem theo 3 ngọn đuốc và nhiều lần tự mình xuống xe buýt để vá vết thủng", bà chia sẻ.

Đó chỉ là một trong những khó khăn mà bà Shantymol phải trải qua trên hành trình nuôi dưỡng ước mơ cho đứa con trai. Trước đó, bà từng là vận động viên điền kinh tài năng của Ấn Độ với nhiều chiến thắng ở các giải trẻ. Đến năm 1992, bà giải nghệ để kết hôn và sinh Sajan Prakash vào năm 1993. 

Chỉ một năm sau khi Sajan Prakash ra đời, cha anh đã bỏ rơi hai mẹ con. Bà Shantymol kể lại: "Tôi muốn cho Sajan một tuổi thơ tuyệt vời. Nhưng cha thằng bé đã bỏ chúng tôi. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy tốt khi ông ấy không quay lại. Sống với một người đàn ông say xỉn, bạo lực là một sự tra tấn tinh thần hằng ngày".  

Xúc động mẹ đơn thân nuôi người hùng cho thể thao Ấn Độ - Ảnh 2.

Sajan Prakash là kình ngư đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ đạt chuẩn A để dự Olympic Tokyo 2020 - Ảnh: REUTERS

Hy sinh mọi thứ cho con

Từ đó Shantymol trở thành bà mẹ đơn thân, với cuộc sống hết sức khó khăn và nghèo túng tại thị trấn Neyveli Lignite ở Tamil Nadu. Với đồng lương ít ỏi của một công nhân tại công trường nhiệt điện, bà Shantymol đã cho con những gì tốt nhất trong khả năng của mình. 

Năm 3 tuổi, Sajan Prakash bắt đầu bơi lội và bộc lộ tài năng thiên bẩm. Nhưng do ở Neyveli mọi thứ quá thiếu thốn cho việc bơi lội nên bà Shantymol quyết định cho con đến Bangalore để theo đuổi giấc mơ. 

Cứ mỗi cuối tuần, bà sẽ đi xe buýt với hành trình kéo dài 11 tiếng đồng hồ để đến Bangalore nấu ăn cho con trai, rồi lập tức bắt xe trở về chuẩn bị đi làm. Để tránh việc bị trừ lương, trong túi vải của bà luôn có 3 ngọn đuốc để giúp tài xế vá lốp xe. 

Để có tiền cho con bơi lội cũng như mua các dụng cụ, bà Shantymol đã cắt giảm chi tiêu và 90% tiền tiết kiệm của bà đều để con tham dự các cuộc thi. 

Nói với tờ Indian Express, Sajan Prakash cho biết: "Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của một bà mẹ đơn thân khó khăn như thế nào. Lúc trước mỗi bộ đồ bơi đều rất đắt và chế độ dinh dưỡng đều là vấn đề nan giải cho tình hình tài chính của gia đình tôi. Nhưng bằng cách nào đó, mẹ tôi đã lo cho tôi trọn vẹn. Tôi thừa hưởng sự mạnh mẽ của mẹ tôi. Bà ấy rất mạnh mẽ, kiên trì và hết mực yêu thương tôi". 

Nhà vô địch "vô gia cư" 

Xúc động mẹ đơn thân nuôi người hùng cho thể thao Ấn Độ - Ảnh 3.

Sajan Prakash đoạt rất nhiều huy chương nhưng không có chỗ để treo và anh thừa nhận mình là "kình ngư tị nạn" - Ảnh: Indian Express

Điều may mắn cho Shantymol là con trai của bà cũng rất hiểu chuyện, từ lúc 10 tuổi cậu bé đã không đòi hỏi đồ chơi hay bất cứ điều gì xa xỉ. Khi tham dự các cuộc thi, Sajan Prakash cũng không dám đi bằng xe lửa mà chỉ đi xe đò để giảm chi phí. Đến năm 2015, Sajan Prakash vẫn còn mặc lại những bộ quần áo cũ. 

Gia cảnh quá khó khăn, Sajan Prakash từng phải bán huy chương quốc tế vào năm 2018 để có tiền mua vé máy bay và lo visa khi tham dự các giải đấu ở nước ngoài. Đến giờ, dù đã là người hùng của làng bơi lội Ấn Độ nhưng hai mẹ con vẫn chưa có một ngôi nhà đúng nghĩa. 

Và những chiếc huy chương cùng bằng khen của Sajan Prakash giành được không có chỗ để treo phải đem bán hoặc gửi ở nhà những người bạn. Bà Shantymol nói: "Tôi muốn xây một ngôi nhà cho Sajan Prakash. Con tôi thậm chí không có địa chỉ thường trú, bạn có thể tưởng tượng được không? 

Tôi nghĩ nó cần một ngôi nhà để giữ những danh hiệu của mình! Hiện tại một số kỷ niệm chương của nó gửi tạm ở nhà hai người bạn tại Bangalore, một số ở Bangkok, một số ở Dubai".

Sajan Prakash cũng thừa nhận: "Tôi giống như kình ngư bơi lội tị nạn với nhiều chiếc vali". 

Giờ đây, trước mắt Sajan Prakash sẽ là Olympic Tokyo 2020 và anh sẽ tiếp tục nỗ lực để khiến người mẹ đơn thân của mình cảm thấy tự hào. 

'Giường chống sex' ở Olympic Tokyo chịu được trọng lượng 200kg

TTO - Mặc dù ban tổ chức đã thanh minh, tin đồn về "giường chống sex" làm bằng giấy cactông ở làng vận động viên Olympic Tokyo vẫn khiến dân mạng bàn tán sôi nổi.

QUỐC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên