Vậy nhưng vì mưu sinh, vì biển là hơi thở, là máu chảy trong huyết quản nên những ngư dân trên quê hương đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vẫn can trường bám biển, hiện diện trên mọi vùng biển chủ quyền đất nước.
Phóng to |
Tàu của anh Dương Văn Thạch (mang số hiệu nước ngoài) là một trong nhiều tàu Quảng Ngãi được sang Malaysia hoạt động - Ảnh: Trà Giang |
Không để ngư dân đơn độc đối diện với tai ương, thiên tai nghịch mùa, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nghề lặn đã được Nhà nước triển khai, đi kèm là những sáng kiến liên kết khai thác bằng nghề lặn của các ngư dân.
Lặn qua tới... Malaysia
Những ngày đầu năm, ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) tranh thủ đưa tàu lên bờ để sửa chữa, nâng cấp. Tại cơ sở đóng tàu 19-5, hàng chục chủ tàu đang gấp rút thuê thợ hoàn thiện tàu để kịp chuyến ra khơi. Hai tàu của anh Võ Văn Hiếu (39 tuổi) và ngư dân Dương Văn Thạch ở thôn Định Tân, mỗi tàu công suất trên 400CV đang được kẻ lại những vệt sơn mới. Đây là hai tàu đầu tiên ở Bình Châu xuất ngoại đánh bắt ngư trường ngoài nước. Ngư trường trong nước không còn hấp dẫn nữa, lại hay gặp thiên tai, “nhân tai” nên anh Hiếu quyết định liên kết đánh bắt ở ngư trường Malaysia.
“Ở Malaysia nghề lặn đang thịnh, ngư dân Việt có kinh nghiệm, được các doanh nghiệp nước bạn mời chào, tin tưởng” - anh Hiếu cho biết. Cùng với anh Hiếu, anh Thạch cũng liên kết khai thác ngư trường Malaysia từ đầu năm 2009. Tàu của anh có 14 lao động. Mỗi chuyến đi dài 4-8 tuần, chủ yếu lặn bắt hải sâm. Từ khi đánh bắt tại ngư trường Malaysia đến nay, anh Thạch đã nhiều lần trúng lớn, khi thì 700 triệu đến cả tỉ đồng. Chuyến đi gần đây nhất tàu anh kiếm được 900 triệu đồng. Theo anh Thạch, liên kết đánh bắt trong vùng biển của nước bạn an toàn và ít rủi ro, thiên tai có nơi trú tránh, không bị xua đuổi hay đe dọa. Chỉ chuyên tâm tìm luồng và đánh bắt thôi.
Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản nước bạn còn khá dồi dào và chi phí xăng dầu lại rẻ, giá hải sản bán tại Malaysia cao. Theo ông Dương Văn Diên (cha anh Thạch), để đánh bắt ở ngư trường Malaysia theo hình thức hợp đồng phải có tàu công suất lớn, thực hiện đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định của công ty môi giới và nước sở tại. Chi phí cho hợp đồng đánh bắt này 10.000-15.000 USD. Ngoài ra chủ tàu còn phải đóng lệ phí trên dưới 35 triệu đồng/năm. Khi qua Malaysia, chủ tàu chỉ được đánh bắt trong một vùng biển nhất định theo quy định của đất nước họ. Nếu không tuân thủ sẽ bị bắt và tịch thu phương tiện.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết ngư dân liên kết xuất ngoại đánh bắt ở ngư trường nước ngoài từ hai năm trở lại đây. Lúc đầu chỉ có 2-3 chủ tàu nhưng nay đã có gần 20 tàu, hành nghề lặn là chủ yếu. Còn ông Phùng Đình Toàn, chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, nhìn nhận: “Việc một số tàu của ngư dân hợp đồng để đánh bắt ở vùng biển nước ngoài cho thấy nghề lặn nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Chi cục cũng tổ chức tuyên truyền nhằm khuyến khích ngư dân đăng ký đánh bắt tại ngư trường nước ngoài theo con đường chính thống nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra”.
Phóng to |
Chuyên gia AFEPS hướng dẫn kỹ thuật lặn mới cho thợ lặn Lý Sơn - Ảnh: Trà Giang |
Thợ lặn đi... học lặn
Tháng 3 năm rồi, một chiếc tàu chở hơn 30 người, trong đó có 20 thợ lặn, bốn bác sĩ của Trung tâm Y tế Lý Sơn và Sở Y tế Quảng Ngãi cùng năm thành viên trong Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) hành trình ra biển thực hiện chương trình “dạy lặn” cho... thợ lặn. Ông Ruffez Jean, chủ tịch AFEPS, đã thuyết trình cho các thợ lặn cặn kẽ trước khi tiến hành “bài học đầu tiên” như: kiểm tra van bình ôxy và mở từ từ, không nên mở ép nếu van bị kẹt... Thợ lặn sau khi được nghe những hướng dẫn và được thăm dò chức năng hô hấp, đo thính lực, điện não... đã khoác trên mình bộ đồ lặn cá nhân, lần lượt nhảy xuống biển theo sự hướng dẫn của bác sĩ kiêm thợ lặn AFEPS.
Lâu nay họ đã quen với cách lặn truyền thống, không theo một quy trình cụ thể, cứ ngậm dây hơi, mang gương lặn là nhảy xuống biển. Thế nên khi mang trên mình bộ đồ nhái, bình ôxy, các ngư dân lúng túng như... gà mắc tóc. Ngư dân Trần Văn Huệ (thôn Đông, An Vĩnh) gãi đầu: “Đang lặn theo cách truyền thống, giờ mang đồ cá nhân và đeo thêm chân nhái lóng ngóng lắm”. “Lặn có chân nhái, quần áo bảo hộ, bình ôxy an toàn, nhưng vẫn thích lặn theo cách truyền thống (ngậm dây hơi vào miệng, đeo kính lặn rồi nhảy ùm xuống biển). Nhưng để bảo vệ tính mạng nên các học viên ai cũng ham” - ngư dân Nguyễn Quốc Vân (33 tuổi) cho biết.
Thế là ông Ruffez Jean tổ chức cuộc họp bàn và cuối cùng quyết định đưa ra hai hướng: lặn theo tiêu chuẩn quốc tế và lặn theo sự kết hợp giữa hiện đại với truyền thống để mỗi thợ lặn có thể chọn cho mình một hướng thích hợp. Những cách lặn, cách bơi cho phù hợp với bộ đồ nhái đã được khép lại để nhường chỗ cho cuộc diễn tập sơ cứu khi có sự cố xảy ra. Những triệu chứng cần đưa người thợ lặn xuống nước càng sớm càng tốt, ở độ sâu 6-9m trong vòng một giờ và cho họ hô hấp bằng khí ôxy trong bình thông qua van khi thợ lặn có cảm giác bỏng rát như bị kim châm trên da hay da mất cảm giác, khó khăn khi cử động... Sau khi trở lại mặt tàu, đặt người thợ lặn nằm dài, làm khô người, sưởi ấm, cho uống nước (1 lít/giờ) và liên tục theo dõi, kiểm tra. Những trường hợp không nên đưa lại biển khi người thợ lặn bị bất tỉnh, không có phản ứng, không cử động hay bị chóng mặt, có dấu hiệu nôn mửa cũng như khó thở... Tất cả đều được các thành viên của AFEPS hướng dẫn chi tiết và phù hợp với từng sự cố.
Theo bác sĩ Ruffez Jean: “Thông thường khi người lặn bị tai nạn, sau khi sơ cứu phải được đưa đi cấp cứu, điều trị sớm trong hai giờ đầu (tối đa là sáu giờ) tại trung tâm y học cao áp để giải bọt khí gây tắc mạch máu ở khắp cơ thể thoát ra ngoài. Ở Việt Nam, việc đưa thợ lặn gặp nạn đến cấp cứu tại trung tâm theo quy định như trên rất khó khi tàu xa bờ hàng trăm hải lý”.
Sau kỳ đào tạo 20 thợ lặn đầu tiên đó, Hội AFEPS đã quay lại Lý Sơn tiếp tục dạy lặn cho các thợ lặn nên ba năm trở lại đây, số thợ lặn bị tai nạn đã giảm nhiều. “Tương lai, khi Lý Sơn phát triển du lịch, các thợ lặn này sẽ được tuyển dụng cho việc hướng dẫn du khách lặn biển” - ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết. Còn ông Nguyễn Quốc Chinh (chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải) nói chắc nịch rằng phải giữ và phát triển được nghề lặn để phục vụ nhiều việc khác nữa. Ông Chinh không nói “nhiều việc khác nữa” là việc gì, nhưng chúng tôi ngầm hiểu rằng giữa lúc biển Đông luôn nổi sóng thì rất cần khuyến khích và hỗ trợ những ngư dân can trường đã kinh qua những phong ba, bão tố, biết biển và hiểu đường đi nước bước như nhà mình.
____________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Ai ra khơi không mang theo lưới... Kỳ 2: Những chuyến lặn bạc tỉ Kỳ 3: Vua lặn Lý Sơn Kỳ 4: Nỗi đau nghề lặn Kỳ 5: Đâu phải chỉ mưu sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận