Các quốc gia sản xuất vũ khí mới nổi đang tận dụng tối đa các cơ hội từ những biến đổi địa chính trị. Và họ bắt đầu hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo tờ Economist.
Hàn Quốc và giấc mơ hạng 4
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức tư vấn, đã thống kê: Chỉ trong 5 năm tính đến 2022, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng những quốc gia bán vũ khí. Họ đang kỳ vọng đưa Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027.
Năm 2022, Hàn Quốc đã bán vũ khí trị giá 17 tỉ USD, cao hơn gấp đôi so với năm 2021. Trong số đó, khoảng 14,5 tỉ USD đến từ việc bán vũ khí cho Ba Lan.
Quy mô và phạm vi của các thỏa thuận mà Hàn Quốc đã đạt được với Ba Lan - quốc gia tự coi mình là tuyến đầu chống Nga - thật đáng kinh ngạc. Thỏa thuận này đạt mức cung cấp 1.000 xe tăng Black Panther, nhiều hơn số xe tăng đang hoạt động trong quân đội Đức, Pháp, Anh và Ý cộng lại. Gói vũ khí còn bao gồm 672 pháo tự hành Thunder K9; 288 bệ phóng tên lửa Chunmook239; và 48 chiếc Golden Eagle fa-50, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư giá rẻ.
Nhà nghiên cứu Tom Waldwyn của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, London) nhận định: Thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí đến từ chi phí cạnh tranh, vũ khí chất lượng cao và giao hàng nhanh chóng.
Hiện Hàn Quốc cho thấy có nhiều khả năng giành được hợp đồng trị giá 45 tỉ USD đổi mới hạm đội tàu ngầm cũ kỹ của Canada.
Thổ Nhĩ Kỳ - một bất ngờ của thị trường vũ khí
Vị trí thứ hai trong số các "cường quốc xuất khẩu vũ khí" mới nổi, là Thổ Nhĩ Kỳ. SIPRI cho rằng giai đoạn 2018-2022, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 69% so với 5 năm trước đó. Thị phần của nước này trên thị trường vũ khí toàn cầu đã tăng gấp đôi và họ kỳ vọng doanh số năm 2023 sẽ là 6 tỉ USD.
Sản phẩm vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ khá đa dạng: Tàu ngầm hiện đại, tàu khu trục hộ tống, máy bay chiến đấu không người lái (drone) Akinci có thể mang vũ khí hạng nặng - với độ tín nhiệm cao hơn mặt hàng do Trung Quốc sản xuất - và tên lửa hành trình tàng hình không đối không SOM-A, chiến đấu cơ Kaan thế hệ thứ 5; soái hạm, tàu sân bay hạng nhẹ...
Hơn 20 quốc gia đang xếp hàng mua drone Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ vẫn đứng đầu với 40% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu
Theo tuần báo Pháp Challenges, 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới xếp theo thứ tự sau: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Israel.
Trong đó, Mỹ nắm 40% thị phần, Nga trước cuộc xung đột với Ukraine chiếm 16% thị phần, Pháp đứng thứ ba với 11%, Trung Quốc 5%, Đức 4%.
SIPRI ghi nhận: Châu Á và châu Đại Dương là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất 5 năm qua với 43% giá trị giao dịch. Trong đó giá trị nhập khẩu của các nước Đông Á tăng 20%, con số tương ứng của châu Đại Dương là 59%.
Quan sát của SIPRI cho thấy mức tăng trưởng này đến từ những căng thẳng về địa chính trị trong khu vực.
Triều Tiên với con đường "độc đạo"
Theo tờ Economist, tuy không chen chân vào được thị trường vũ khí toàn cầu, cũng như không có sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao và đa dạng như 2 quốc gia trên, nhưng nhờ biến chuyển thời cuộc, Triều Tiên cũng đã mở được thị trường xuất khẩu vũ khí sang Nga.
Họ có máy bay không người lái và tên lửa kn-23, gần như là bản sao của tên lửa đạn đạo Iskander của Nga và có thể cung cấp pháo tự hành và hệ thống tên lửa phóng liên tục.
Các nguồn tin tình báo Mỹ cũng cho biết Triều Tiên đã cung cấp đạn pháo 152mm và tên lửa loại Katyusha cho Nga chỉ trong vòng một năm. Nga đang mua sắm vũ khí từ Bình Nhưỡng và Tehran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận