06/11/2012 05:57 GMT+7

Xuất hiện "hố tử thần" vì hở mối nối cống thoát nước

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Ông Lê Văn Thường, đội trưởng đội thanh tra giao thông số 8 (Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cho biết đơn vị đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xác định được nguyên nhân gây nên “hố tử thần” trước địa chỉ 475 Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10 là do hở mối nối cống thoát nước.

Trước đó, tối 4-11, một ôtô khi đi đến vị trí này thì bánh trước bị sụp “hố tử thần” và mắc kẹt trong nhiều giờ.

z6viDhrX.jpgPhóng to

Chiếc ôtô mắc kẹt “hố tử thần” trên đường Cách Mạng Tháng Tám tối 4-11 - Ảnh: Mậu trường

Theo ông Thường, tại vị trí đấu nối giữa cống thoát nước D600 và cống D400 bị hở, nước thải thoát ra và cuốn trôi lớp đất phía dưới gây tình trạng sụt lún. Thanh tra giao thông đã lập biên bản hiện trường, đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan khắc phục sự cố ngay trong ngày.

bC8VVbbJ.jpgPhóng to

Nước trắng đục từ nhà máy chế biến tinh bột sắn xả ra môi trường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều tháng nay, người dân ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) phản ảnh nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty TNHH Cẩn Tuyết xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Hải, nhà cách nhà máy 300m, cho biết quanh nhà ông nghe nồng nặc mùi bột sắn, hai đám ruộng nhà ông ở kề nơi nhà máy này thải nước cũng bị ảnh hưởng vì nước từ hồ xử lý nước thấm qua. Ngoài ra, theo người dân, nguồn nước ở sông Con và sông Rù Rì cũng nhiễm bẩn trầm trọng do nhà máy sắn xả thải.

Theo bà Lê Thị Tuyết - chủ nhà máy chế biến tinh bột sắn Cẩn Tuyết, cách đây hai tháng một trong ba hồ xử lý nước và chất thải của nhà máy bị sự cố nên nước từ trong hồ tràn ra ngoài sông. Bà Tuyết cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty đã thuê các phương tiện cơ giới san ủi mặt bằng, đào múc đất để tiếp tục thi công thêm hai hồ với công suất lớn gấp nhiều lần.

Trong khi đó ông Trần Ngọc Kính, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Quế Sơn, cho biết phòng đã nhiều lần phạt nhà máy này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường với mức phạt 4,7 triệu đồng.

* Cáp thông tin, dây điện sà ngang đầu người. Đó là tình trạng đang xảy ra tại hẻm 54 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM. Bó cáp với hàng chục sợi lớn nhỏ cùng dây điện chiếu sáng công cộng không được treo mắc cẩn thận bị võng xuống giữa hẻm nhiều tháng qua khiến đi lại của người dân rất khó khăn và gây nguy cơ rò điện. Bó cáp, dây điện này chỉ cao hơn 1,6m nên nhiều người đi bộ hoặc chạy xe phải né, khom người để tránh va chạm. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, tổ trưởng tổ dân phố 90, cho biết: “Đã nhiều lần phát hiện tia lửa điện bắn ra từ chùm dây cáp, có thể mối nối dây điện nằm chung trong bó cáp bị hở. Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng đến nay chưa được khắc phục”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết trách nhiệm làm gọn dây thông tin cũng như dây điện chiếu sáng công cộng là của các nhà mạng và địa phương. Trước mắt để đảm bảo an toàn, ông Phong cho biết sẽ thực hiện làm treo mắc dây điện chiếu sáng công cộng lên vị trí an toàn. Riêng dây cáp thông tin sẽ kiến nghị Sở Thông tin - truyền thông yêu cầu các nhà mạng khẩn trương khắc phục.

* Núi lở, phải di dân. Người dân ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) phản ảnh núi Hòn Bù ở xã này sạt lở ngày càng nặng, đang uy hiếp 12 hộ dân sống dưới chân núi thuộc thôn Phú Hội. Tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra từ mùa mưa năm 2009, từ đó đến nay khi có mưa lớn các vết nứt mới lại xuất hiện. Đầu tháng 10, núi lở đã làm hư hại hai nhà.

Ông Nguyễn Kim Long, phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết huyện Tuy An đã xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng núi lở tại thôn Phú Hội và đang hoàn thiện mạng lưới điện, nước. Trước mắt, sẽ cấp đất cho bốn hộ dân có nhà dưới chân núi bị uy hiếp nặng nhất, các hộ còn lại sẽ được tái định cư trong năm 2013.

* Đường phố lớn nhưng không có số nhà. Nhiều người dân ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) phản ảnh đường 16-4 là một trong những đường phố lớn nhất ở đây nhưng không có số nhà nên nhiều người gặp khó khăn khi tìm địa chỉ. Trên đường này, đoạn từ quảng trường 16-4 chạy thẳng xuống biển có nhiều cơ quan: Sở Tư pháp, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Công thương, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận.... đều không có số nhà.

Ông Nguyễn Xuân Hảo, trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết đường 16-4 có từ năm 2001, nhưng đến nay hầu như chưa có số nhà do các cơ quan và nhiều hộ dân ở đường này chưa xin cấp số nhà. “Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát việc này, nhất là cấp số nhà cho các cơ quan nhà nước, để người dân tìm dễ dàng hơn” - ông Hảo cho hay.

* Hố ga không thanh chắn, nắp đậy. Hàng loạt hố thu nước, hố ga trên vỉa hè của hệ thống thoát nước đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc gói thầu số 3 dự án đường Hồ Chí Minh qua TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - đoạn từ km3 đến Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột) không có thanh chắn, nắp đậy (ảnh). Người dân phải buộc tạm những dây nhựa cảnh báo người đi đường.

TqbaNOif.jpgPhóng to

Ảnh: TR.T.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo nhà thầu xây dựng khẩn trương lắp các thanh chắn, nắp hố ga tại đoạn đường nêu trên. Trước mắt, đơn vị thi công phải đặt biển báo nguy hiểm trên phạm vi công trường, rào chắn tại các hố ga trên vỉa hè và sớm hoàn thành các hạng mục liên quan của đoạn đường này.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên