23/01/2022 12:34 GMT+7

Xuân về chia sẻ một bầu ấm áp

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Lúc nghĩ về tổ ấm - nơi mà từng mái nhà như những cái tổ lớn tổ nhỏ khác nhau về kết cấu, về chất lượng sống không ai giống ai, tôi lại nghĩ về thứ gọi là bầu không khí.

Xuân về chia sẻ một bầu ấm áp - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Nó dường như là dưỡng chất vô hình nhưng hiện hữu nuôi các thành viên trong mái nhà đó lớn lên, biết rõ mình hơn.

1. Tôi nhớ cái không khí ở nhà chị Q. - một chị bạn của tôi. Điều đó được thể hiện đầu tiên ở người chủ trụ cột, là má chị. Phong thái của má chị toát ra vừa đủ dễ chịu, vừa khiến người khác cảm thấy được che chở, lại vừa gần gụi. Kiểu như dù không nói nhiều, không vồ vập nhưng tôi, cũng như mọi đứa con khác của má chị, dù mới lần đầu tiên được rủ rê về nhà chị chơi cũng cảm nhận được.

Má chị Q. làm nghề tráng bánh tráng. Món bánh tráng của bà phải nói là ngon nhất ở xứ đó. Cái cách bà vững chãi ngồi bên bếp lò, điềm tĩnh và đĩnh đạc tráng bánh luôn tay, thỉnh thoảng khẽ hát khiến tôi chỉ muốn ngồi yên lặng nhìn bà. Chứng kiến phút giây bà làm việc trong thảnh thơi và hạnh phúc, tự nhiên tôi cảm thấy bình yên vô đối.

Bầu không khí ở nhà chị còn được cộng vào trong chuyện mấy chị em gái khi biết chị về thì dù mỗi người ở một nơi nhưng vẫn tranh thủ tụ lại. Buổi sáng, lấy bánh tráng còn ướt chưa đem phơi mà má chị vừa tráng làm thành món bánh ướt ăn sáng, xuýt xoa cùng nhau trong chén nước chấm cay xè.

Ngồi cùng nhau nhìn lũ trẻ chơi trong sân và kể những chuyện gia đình, con cái. Vừa tự nhiên, vừa gần gụi, vừa chia sẻ và vừa đủ chân tình, cái không khí mà cứ khiến tôi ước mong mình được quay lại nhiều lần nữa. Và nhờ chính nó mà tôi hiểu ra một chị Q. vì sao lại luôn lạc quan và sẵn sàng đối diện trước mọi sóng gió khác từ bên ngoài dội vào đời chị.

2. Tôi luôn cảm thấy dễ chịu hơn khi ở nhà ngoại hơn nhà nội. Việc này có lẽ do từ ngày còn nhỏ, khi biết cảm nhận chuyện này chuyện nọ, tôi đã phân biệt được sự yêu ghét, chân tình hay không qua những cung cách cư xử giữa những người là anh chị em cùng một nhà.

Chẳng phải vì ông bà nội không quý cháu hay không thương mến ba má tôi. Nhưng với một đứa trẻ, sự bất an luôn rình rập trong cái không khí của sự e sợ và luôn dè chừng, sợ mình làm sai. Mà một khi đã làm sai, dường như sẽ không bao giờ được tha thứ.

Tôi biết mình không được cười lớn khi vui, phải kìm nén không được khóc lúc buồn bã. Ngay cả người lớn còn phải dò ý dò tứ nhau để không bị hiểu lầm, hờn giận. Sự kiểm soát quá mức làm cho bầu không khí có lúc trở nên ngộp thở. Điều này làm cho việc gặp gỡ, sum họp thành một bổn phận nặng nề.

Ngược lại, nhà ngoại lại có một bầu không khí khác hẳn. Các dì cậu tôi mỗi lần có dịp gặp lại nhau khi giỗ quải hay lễ Tết, cả thảy họ đều nồng nhiệt và rổn rảng, chân thành và hồn hậu, cùng nấu nướng và cùng tạo ra một không khí vui nhộn.

Ở đó, người có số phận đặc biệt thiệt thòi nhất trong nhà, là má tôi, luôn được các dì, các cậu và cả những chị em dâu rể khác nâng đỡ và chia sẻ. Nên có lẽ sự tủi thân của má được an ủi rất nhiều.

Ở đó, má tôi đã cười rất thoải mái, đã dám trèo lên chiếc xe đạp rồi lập cà lập cập tập tới tập lui vẫn té chỏng gọng, nhận bao nhiêu là tiếng cười rộ nhưng không phải là giễu cợt.

Ở đó, khi phát hiện ra má tôi và đám chúng tôi biến mất bất thường vào một năm Tết nào đó, mọi người đã hốt hoảng chất nhau lên chiếc ghe đi đến nhà tôi (thời đó đường thủy là chủ yếu và không có điện thoại liên lạc). Nhờ vậy mà phát hiện ra má tôi đã giấu bệnh và đã đưa bà đi nhà thương kịp thời.

Cái may mắn lớn đó quá chừng hy hữu mà mỗi khi nghĩ lại tôi vừa sợ hãi vừa đầy biết ơn.

Cái bầu không khí đó có muốn giấu cũng khó. Những thứ ấm hay lạnh, hạnh phúc hay buồn bã, cô đơn hay thiếu kết nối, đầy đặn hay trống trải, sợ hãi hay can trường... ở một con người có lẽ đều hình thành từ thứ không khí - cái bình dưỡng chất ở từng ngôi nhà.

3. Hẳn ta cũng từng nghe những nhận xét kiểu đến nhà nọ sao mà có bầu không khí ấm áp quá chừng, còn nhà kia sao căng thẳng và lạnh lùng dễ sợ. Ở nơi ấm áp thì tâm trạng thấy vui và nhẹ bẫng, ở chỗ lạnh lẽo thì thấy giống như luôn có cục đá vô hình phải đeo vào người vừa nặng nề vừa mệt mỏi.

Cái bầu không khí đó có muốn giấu cũng khó. Những thứ ấm hay lạnh, hạnh phúc hay buồn bã, cô đơn hay thiếu kết nối, đầy đặn hay trống trải, sợ hãi hay can trường... ở một con người có lẽ đều hình thành từ thứ không khí - cái bình dưỡng chất ở từng ngôi nhà - như bầu sữa đầu tiên đứa trẻ được chạm đến và nuôi sống nó. Mà, nghe có vẻ cầu kỳ, nhưng thực chất chỉ là những giản dị như mùi bánh thơm, bữa ăn được chăm chút, lời nói được nương nhẹ, tổn thương được chữa lành.

Dù có tham gia vào việc định hình một nếp nhà, một kiểu bản sắc riêng biệt cho từng gia đình, nhưng tôi nghĩ cái sinh khí trong từng tổ ấm lại là thứ quan trọng để mỗi người có mục tiêu cố gắng cho cuộc đời, cho vợ chồng, cho con cái.

Rằng ở đâu mà khi bước ra trong hạnh phúc - thứ hạnh phúc đong đầy bởi dưỡng chất của bầu không khí ấm áp, sẻ chia, đầy lành mạnh - thì ở đó người đó sẽ không bao giờ ngừng cố gắng để hoàn thiện mình, lúc đó việc sống trung thực với chính mình như một lẽ tự nhiên.

Buồn không duyên cớ và nhớ vu vơ về những ngày Tết đã xa thật xa Buồn không duyên cớ và nhớ vu vơ về những ngày Tết đã xa thật xa

TTO - Những ngày cuối tháng chạp trời không còn mưa, nắng vàng ấm nên những cơn gió heo may se se lạnh chỉ là cái cớ để các bà các cô quàng thêm chiếc khăn mỏng màu sắc để làm duyên. Những ngày này tự nhiên thấy buồn và nhớ...

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xuân về Tết về quê