Để giải quyết tình trạng nhập siêu, ngoài việc Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích tiêu dùng hàng Việt... thì vấn đề cốt lõi là mỗi chúng ta phải thay đổi quan niệm sống của mình. Trong đó lối sống xem trọng hình thức bên ngoài, sính ngoại, đua đòi, sĩ diện đã quá lỗi thời với thời đại tiến bộ, văn minh này. Tiếc rằng còn rất nhiều người chưa nhận thức được.
Thật xấu hổ khi nghe người nước ngoài phê phán chúng ta làm ít, xài nhiều, chạy đua theo người Nhật, người Tây... mà quên mình đang ở đâu, là ai.
Tin bài liên quan Coi chừng không có điểm dừngVung tay quá trán Hàng tỉ USD nhập khẩu hàng đắt tiền: Tiêu dùng quá đàĐiện thoại iPhone và hạt gạo quê mình |
Theo lý giải của số đông, nhà bạn ấy giàu có phải mua quà cho xứng đáng, phần mình cũng hãnh diện là biết chơi, sành điệu. Một sự sĩ diện ngớ ngẩn, sai lầm.
Tôi thấy lối sống nô lệ vật chất, sĩ diện ăn sâu vào tâm trí nhiều người. Đáng nói là trong số đó nhiều người có đời sống khiêm tốn, khó khăn. Họ thích tạo cho mình cái giả tạo bên ngoài, che giấu cái thiếu thốn thật sự chỉ nhằm mục đích... góp mặt với đời, tạo đẳng cấp phù phiếm. Sự sai lầm đó không chỉ từ bản thân mà một phần bị dẫn dắt từ cuộc sống, xã hội vốn còn quá ưu ái, đề cao lối sống thụ hưởng vật chất.
Khi người dân, đất nước ta còn nghèo khó mà những mặt hàng xa xỉ như điện máy, điện thoại di động, xe máy, xe hơi... cứ liên tục thay đổi mẫu mã theo hướng tăng cao giá trị được quảng cáo nhan nhản khắp mọi phương tiện truyền thông. Chúng ta quá nhanh nhạy trong việc tiếp cận các dòng sản phẩm cao cấp, hiện đại... mà quên rằng nó chưa thật sự cần thiết và chẳng mang đến lợi ích thiết thực nào. Việc chạy đua theo sự thụ hưởng với các nước phát triển, giàu có không có nghĩa là người dân, đất nước ta tiến bộ, phát triển... Có khi đó lại là dấu hiệu của bước lùi, nhất là về mặt nhận thức.
Tôi biết một vị giám đốc với tài sản cả trăm tỉ đồng vẫn trung thành cùng chiếc xe hơi gần 20 năm tuổi. Một vị bác sĩ tên tuổi, giàu có vẫn bình dị, gần gũi cùng chiếc Super Dream... Họ thật sự làm tôi khâm phục và trân trọng.
Hiệu ứng phô trương Trong kinh tế học có ý niệm “demonstration effect”, tạm gọi là “hiệu ứng phô trương”. Một món đồ gia đình mình chưa cần đến nhưng thấy bác hàng xóm vừa rinh về cũng tìm cách mua sắm để “cho có với người ta”. Hiệu ứng phô trương ngày nay tác động lên mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội, từ bác nông dân vừa trúng mùa xoài cố bỏ ra năm bảy chục triệu sắm cho được chiếc xe tay ga đắt tiền, đến vị công bộc phải đi xe “deluxe” 5-7 tỉ bạc cho thật oách. Biết đâu rằng số tiền đó đủ để xây vài trăm “ngôi nhà mơ ước”, đem lại hạnh phúc cho mấy trăm gia đình bất hạnh. Hiệu ứng phô trương cũng lan tỏa đến các đơn vị kinh tế, với những buổi chiêu đãi các đối tác nước ngoài bia bọt chảy tràn lan, đâu biết rằng tại Nhật Bản, khi các doanh nghiệp chiêu đãi khách, mỗi người cũng chỉ 1-2 lon bia. Tôi nghĩ rằng trên hết và trước hết, ý thức tiết kiệm phải được rèn luyện ở các môi trường giáo dục học đường, giáo dục gia đình và sinh hoạt xã hội. Ở học đường cần những bài học công dân thiết thực, dựa vào thực tế cuộc sống của đất nước. Ở gia đình, điều cần không phải là những lời răn dạy công thức, giáo điều, mà phải từ những hành động nhỏ nhất của các bậc cha mẹ. Trong xã hội, ý thức tiết kiệm phải được thể hiện trong xây dựng công sở, sắm sửa xe công, sử dụng tài sản công... Phải được như thế, hay ít ra một phần như thế, mới mong rèn luyện được ý thức tiết kiệm cho con em chúng ta. |
__________
Bạn có ý kiến xung quanh chủ đề này vui lòng email về toasoan@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận