![]() |
Sau các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, máy điện thoại iPhone đang hút khách hàng kể cả học sinh phổ thông - Ảnh: T.T.DŨNG |
Một chuyên gia kinh tế nước ngoài nổi tiếng ở VN đã thẳng thắn nêu nhận xét của nhiều người nước ngoài về cách tiêu xài của người VN: “Chúng tôi thấy người Mỹ làm nhiều tiêu nhiều, người Nhật làm nhiều tiêu ít, còn người VN làm ít tiêu nhiều. Hiếm có nước đang phát triển nào lại lắm xe Mercedes, Lexus như VN. Trong khi đó, Ấn Độ và Malaysia xe hơi trên đường phố trông khá cục mịch với hầu hết là xe nội”. Và ông cũng cho rằng “không chỉ người mới giàu xổi thích xe xịn mà tâm lý ưa đồ xịn, nhìn đồ vật đánh giá con người đang tồn tại ở rất nhiều người Việt, ép nhiều người VN vào cuộc đua vô lý và tốn kém, ngay cả khi đất nước còn nghèo”...
Không thể ngăn cản quyền được hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn khi thu nhập của người dân đã tăng. Nhưng cũng thật đáng suy ngẫm khi mức độ hưởng thụ của VN cao không kém thế giới bao nhiêu nhưng trình độ sản xuất, trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của hàng VN vẫn chưa thể sánh bằng một số nước trong khu vực.
Nhập siêu đang tác động ngày càng mạnh và rõ đến đời sống từng người dân. Hàng hóa nhập về bị nâng giá, căng thẳng tỉ giá và với doanh nghiệp là bị đối tác ép giá... đã là chuyện thường ngày ở VN, khi trong nước chưa sản xuất được nhiều mặt hàng hoặc không cạnh tranh nổi hàng ngoại nhập. Những mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng do sính ngoại, hàng vẫn được nhập về, nghĩa là hàng trăm, hàng vạn công nhân và doanh nghiệp VN mất đi cơ hội lớn mạnh, nâng cao thu nhập và tích lũy kinh nghiệm phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách xuất nhập khẩu Nguyễn Thành Biên trong một cuộc họp gần đây về xuất nhập khẩu đã nói: Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt rồi nhưng nếu doanh nghiệp Việt ưu tiên dùng hàng Việt nữa thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nhưng thực tế trong báo cáo của chính các quan chức dưới quyền ông Biên ngay sau đó đã cho thấy nhiều thiết bị, thậm chí có giá trị rất cao như thiết bị thủy lực, hệ thống điều khiển nhà máy điện VN có thể sản xuất chất lượng không thua kém, nhưng nhiều doanh nghiệp cứ nhập về. Bên cạnh những khó khăn về cơ chế, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng “hoa hồng” là một nguyên nhân quan trọng khiến hàng Việt thua ngay trên sân nhà...
Hằng năm, theo số liệu thống kê chính thức, VN tiết kiệm được khoảng 25% GDP. Trong khi đó chúng ta đầu tư khoảng 42% GDP. Khoản chênh lệch giữa hai con số trên đương nhiên VN phải đi huy động hoặc vay từ nguồn lực bên ngoài. Nếu chúng ta đầu tư không hiệu quả thì nguy cơ nợ nần là không quá xa.
Ngoài cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đã đến lúc mỗi người dân đất Việt cần có thêm “cuộc vận động” cho riêng mình về ý thức tiết kiệm vì sự phát triển của đất nước.
Huỳnh Nhật Quỳnh (SV năm 3 ĐH Ngoại thương TP.HCM): Tôi đã đắn đo khi mua một cây viết hơi đắt tiền vì biết rõ giá trị mỗi đồng tiền mình kiếm được khi bắt đầu đi làm thêm. Và tôi biết những bạn sinh viên phải bươn chải làm thêm khi còn ngồi trên ghế giảng đường đều thấm thía chuyện kiếm tiền khó khăn như thế nào. Một số bạn gia đình có điều kiện cho tiền để mua những vật dụng đắt tiền thì có thể sử dụng, nhưng nó không đồng nghĩa với việc đẳng cấp của bạn sẽ được cao hơn, bạn bè sẽ kính nể hơn. Tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc đó là phương tiện bạn sử dụng trong cuộc sống. Những loại quần áo, điện thoại, túi xách đắt tiền không làm nên giá trị của một con người và chỉ khi học hành giỏi, làm việc tốt thì mới được nể trọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận