04/11/2014 11:47 GMT+7

Xử thế này oan sai còn nhiều

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - “Kỳ án vườn mít” ở Bình Phước đang gây xôn xao dư luận bởi xuất hiện tình tiết mới.

Bị cáo Lê Bá Mai trong
Bị cáo Lê Bá Mai trong "kỳ án vườn mít"

Đó là chuyện nhân chứng đứng ra bảo vệ bị cáo Lê Bá Mai lên tiếng trên báo chí, cho rằng bị cáo này không có tội dù trước đó đã bị tòa kết án chung thân về tội giết người.

Kỳ án trên chưa có câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng thì Viện KSND tối cao lại vừa có kháng nghị hủy một phần quan trọng của bản án đối với bị cáo trong “kỳ án vườn điều” xảy ra tại Bình Thuận.

Bị cáo trong “kỳ án” này là Huỳnh Văn Nén, ra tòa cách đây 14 năm, cũng bị kết án chung thân về ba tội: giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản công dân.

Bản kháng nghị được Viện KSND tối cao thực hiện từ việc xem xét các tài liệu kêu oan của nhiều người, trong đó có đơn thư tố cáo tội phạm của một công dân.

Theo kháng nghị, hồ sơ “kỳ án vườn điều” bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nổi bật là lời khai của bị cáo có nhiều chỗ bất nhất và không trùng khớp với lời khai của nhân chứng, không phù hợp với hiện trường.

Chẳng hạn, có lúc bị cáo khai dùng tay bóp cổ nạn nhân, lời khai sau lại nói vòng dây siết cổ nạn nhân; khi thì khai giết nạn nhân ở nhà dưới, khi khai giết ở nhà trên; bị cáo khai giết nạn nhân xong thì không tắt đèn, nhưng nhân chứng khai về nhà thấy tắt đèn.

Bị cáo khai không lục lọi đồ đạc trong nhà nạn nhân, còn nhân chứng khai đồ đạc trong nhà bị xáo trộn...

Việc khám nghiệm hiện trường cũng có điểm rất đáng ngờ, cụ thể là dấu chân tại hiện trường không đồng nhất với dấu chân của bị cáo, sợi dây dù thu được trong quá trình điều tra không liên quan tới sợi dây mà bị cáo dùng để siết cổ nạn nhân...

Ngay cả khi đưa bị cáo ra vành móng ngựa, viện kiểm sát đã thay đổi cáo trạng nhưng tòa vẫn căn cứ vào cáo trạng cũ để phán quyết, mặc kệ việc cáo trạng này không có trong hồ sơ.

Từ một loạt vấn đề nêu trên đủ để cho thấy các cơ quan từ điều tra đến xét xử đều vướng phải những sai lầm hết sức thô thiển.

Có thể cấp điều tra vướng sai phạm, nhưng không thể tin nổi cả viện kiểm sát cấp tỉnh, rồi tòa án tỉnh cũng cùng chung cái sai, mọi thứ đều dễ dàng trôi qua, rồi nhẹ nhõm kết án bị cáo mà không hề lấn cấn điều gì.

Đáng tiếc là đơn tố cáo tội phạm, đơn kêu oan của gia đình bị cáo trong “kỳ án vườn điều” và của các công dân khác đã có từ 14 năm trước, nhưng mãi đến nay mới có kết quả xử lý bằng kháng nghị của Viện KSND tối cao.

Điều này nói lên cái gì? Thôi thì muộn còn hơn không, dù kháng nghị của Viện KSND tối cao chưa phải là văn bản có thể giải oan cho bị cáo, nhưng ở cuối đường hầm cũng đã thấy ánh sáng công lý.

Vụ “kỳ án vườn điều” chưa có hồi kết, đúng sai còn phải chờ. Nhưng nên nhớ, người đời thường nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Do vậy, khi xét xử phải cẩn trọng, đến từng chi tiết, cân nhắc từng lời khai, hạ bút kết án là phải đầy đủ cơ sở vững chắc. Xử án kiểu như hai vụ “kỳ án” vừa nêu là hớ hênh, thậm chí thiếu trách nhiệm đến mức không hiểu nổi. Xử án như vậy oan sai còn dài dài.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên