05/10/2018 09:54 GMT+7

Xử phạt bằng tiền trong giáo dục: răn đe hay làm tổn thương người thầy?

NGUYỄN HỒ THỤY ANH
NGUYỄN HỒ THỤY ANH

TTO - Nghị định xử phạt bằng tiền trong giáo dục liệu có đủ sức răn đe những 'con sâu' trong ngành hay chỉ khiến lòng tự trọng của người thầy bị tổn thương?

Xử phạt bằng tiền trong giáo dục: răn đe hay làm tổn thương người thầy? - Ảnh 1.

Gần đây, tôi có dẫn một nhà đầu tư muốn mở trường liên cấp (mầm non đến cấp III) thăm một trường quốc tế ở quận 2, TP.HCM. Ông hiệu trưởng của trường quốc tế đã trợn tròn mắt khi nhà đầu tư hỏi: “Sao trường ông không gắn camera để dễ dàng quản lý giáo viên?”.

Ông hiệu trưởng bảo: "Cách quản lý giáo viên tốt nhất là làm người giáo viên cảm thấy được trân trọng, cảm thấy giá trị mà họ mang đến cho học sinh được ghi nhận và giúp giáo viên cảm thấy mình được phát triển nghề nghiệp đến mức cao nhất".

Đọc dự thảo nghị định xử phạt bằng tiền trong lĩnh vực giáo dục, tự nhiên tôi nhớ tới câu trả lời của ông hiệu trưởng...

Dạy và học là hai quá trình không thể tách rời. Điều này có thể được hiểu cách bạn quản lý quá trình dạy như thế nào sẽ ảnh hưởng như thế ấy lên quá trình học. Cách bạn cư xử với người giáo viên như thế nào, thì ít nhiều học trò của bạn sẽ nhận được kết quả tương tự như thế từ người giáo viên.

Chúng ta đang làm những việc chỏi nhau chan chát: một mặt kêu gọi người dạy đổi mới, phải lấy người học làm trung tâm, phải sáng tạo, phải phát huy năng lực của người học, không được dạy theo kiểu mặc đồng phục, phải cá thể hóa trong dạy - học... Và một mặt dùng nghị định xử phạt hành chính lạnh lùng để ngăn ngừa hành vi phản giáo dục trong môi trường sư phạm.

"Cách bạn quản lý quá trình dạy như thế nào sẽ ảnh hưởng như thế ấy lên quá trình học. Cách bạn cư xử với người giáo viên như thế nào thì ít nhiều học trò của bạn sẽ nhận được kết quả tương tự như thế từ người giáo viên".

Nguyễn Hồ Thụy Anh

Làm sao người thầy có thể thăng hoa, sáng tạo với bài giảng của mình, làm sao có thể dạy học theo hướng cá thể hóa nếu nhất cử nhất động của thầy cô bị xử phạt bằng tiền.

Khi một vài con sâu trong ngành giáo dục xuất hiện, người ta quyết định dùng biện pháp chung - loại trừ cả sâu và bướm. Tôi e rằng nghị định xử phạt hành chính bằng tiền trong giáo dục chưa đủ sức để răn đe những con sâu nhưng lại đủ sức để tấn công mạnh mẽ vào lòng tự trọng của người thầy.

Để rồi những giáo viên - mà họ không có lựa chọn nào khác: bực bội, khó chịu, cảm thấy không được tôn trọng... - vẫn sáng sáng phải đến trường. Bởi nếu không chọn cách ở lại, họ sẽ đi đâu, về đâu, làm gì? Và hậu quả học sinh sẽ nhận gì từ những giáo viên ấy?

Một giáo viên của tôi vừa quyết định nghỉ dạy tại một ngôi trường tư mà ở đó lương được trả gấp năm lần số lương cô nhận được trong gần 15 năm giảng dạy trường công. Lý do duy nhất là nhất cử nhất động ở ngôi trường đó sẽ bị trừ tiền lương kèm theo một biên bản được lập.

Em bảo: "Lương bị trừ không bao nhiêu, nhưng cô ơi, biên bản được lập mới đau nhất cô à!".

"Cảm thấy được trân trọng, các giá trị được ghi nhận và cơ hội phát triển nghề nghiệp ở mức cao nhất", theo tôi, đó mới là điều giữ chân các thầy cô, bảo vệ các thầy cô chứ không phải cái nghị định lạnh lùng kia!

Phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phải có, dù không muốn! Phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phải có, dù không muốn!

TTO - Nhìn từ góc độ pháp lý, ý kiến các luật sư cho rằng dù không muốn nhưng phải có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vì trong môi trường này ngày càng xuất hiện nhiều hành vi xúc phạm lẫn nhau.

NGUYỄN HỒ THỤY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên