02/10/2018 13:59 GMT+7

Nhà giáo còn nhiều băn khoăn dự thảo nghị định xử phạt trong ngành

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi

TTO - Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm trong ngành GD-ĐT vừa được công bố dù có nhiều nội dung áp dụng hình thức phạt tiền nhưng chuyện cư xử giữa thầy - trò và chuyện dạy thêm là hai nội dung được quan tâm nhất.

Nhà giáo còn nhiều băn khoăn dự thảo nghị định xử phạt trong ngành - Ảnh 1.

Một nhóm học sinh Trường THPT (Quảng Nam) bức xúc nghĩ rằng thầy cô "ép" học thêm nên đã lập facebook ảo nêu ý kiến. Trong ảnh: thầy Nguyễn Hữu Thiện nói chuyện với học sinh về câu chuyện bức xúc dạy thêm, học thêm - Ảnh: N.T

Nhà quản lý giáo dục không phải suốt ngày đi săm soi, canh me để phát hiện những sai phạm của giáo viên để trách phạt

Ông Nguyễn Văn Ngai

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến từ phía các nhà giáo.

Phạt tiền về cư xử giữa thầy trò: cẩn thận trong môi trường giáo dục

* Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ phụ huynh nhất nhất nghe theo lời con trẻ, xông vào trường hành hung giáo viên hoặc dùng lời lẽ xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của nhà giáo. 

Hành động này cần được nghiêm trị một cách rốt ráo, tránh gây mất niềm tin của những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Nhưng tôi hơi băn khoăn: phạt phụ huynh thì liệu ngành GD-ĐT có phạt được không? Liệu có khả thi không?

Ngược lại, tôi cũng cảm thấy e ngại với việc phạt tiền cán bộ - giáo viên - nhân viên trong trường với việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học vì tôi hiểu phạt hành chính là phạt cá nhân. 

Mà cá nhân nhà giáo có nhiều đặc điểm mang tính chất đặc thù, dạy học là một nghề đặc thù. Có những hành động mà người ở những ngành nghề khác làm được nhưng nhà giáo thì không được làm.

Nhà giáo còn nhiều băn khoăn dự thảo nghị định xử phạt trong ngành - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Giáo viên cũng là con người nhưng khi đã chấp nhận theo nghề giáo thì phải chấp nhận ép mình vào khuôn khổ mà nghề giáo quy định. 

Thế nên, mặc dù mục đích của việc phạt hành chính là để răn đe, giáo dục, ngăn chặn tình trạng xúc phạm học sinh thì phạt tiền trong việc này vẫn thấy chưa thoải mái và thuyết phục lắm. 

Ngành GD-ĐT nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các thầy cô giáo thấy được, hiểu được, ý thức được một cách rõ ràng nhất về thiên chức của mình. Từ đó, các thầy cô sẽ có cách đối xử với học sinh đúng đắn hơn, sư phạm hơn. 

Bên cạnh đó, đối với những hành vi đòn roi, hành hạ học trò thì nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục phải xử lý nghiêm minh, không bao che và không nể nang. Khi những sai phạm bị chế tài một cách thích đáng thì nó có tác dụng như một tấm gương để những giáo viên khác rút kinh nghiệm. 

Còn khi cơ quan quản lý du di, nể nang, nhắm mắt cho qua thì cá nhân đó hoặc sẽ xuất hiện nhiều cá nhân khác tiếp tục sai phạm nhiều lần nữa.

Dĩ nhiên, việc xử lý cũng cần đi theo từng cấp độ như góp ý, phê bình, khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ công tác, sa thải... 

Nhà quản lý giáo dục không phải suốt ngày đi săm soi, canh me để phát hiện những sai phạm của giáo viên để trách phạt mà cần đóng vai trò giúp đỡ, hỗ trợ để giáo viên tiến bộ, tránh phạm phải những sai lầm. 

Thế nên, ngoài những gì giáo viên đã học trong trường sư phạm, nhà trường cần tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề... theo định kỳ để nhắc nhớ giáo viên về chức phận của mình đối với học sinh. 

Tôi cho rằng đây mới là biện pháp quan trọng để phòng tránh tình trạng bạo hành học sinh.

* TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):

Việc hỗ trợ của các quy định pháp lý là rất cần để chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong các cơ sở giáo dục. Đó cũng là cơ sở để tuyên truyền, nhắc nhở, để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có ý thức trách nhiệm nên tôi ủng hộ.

Nhà giáo còn nhiều băn khoăn dự thảo nghị định xử phạt trong ngành - Ảnh 4.

TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)

Tuy nhiên, giáo dục là môi trường đặc thù nên các hành xử trong nhà trường cần phải lưu ý để đừng gây nên những hệ quả phản giáo dục. Ví dụ một sai phạm xảy ra thì trước hết phải xem xét trên yếu tố giáo dục trước. Nếu mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. 

Nhưng trường hợp phải xử phạt hành chính thì nên để các cơ quan chức năng xử lý chứ không nên để ngành giáo dục xử phạt. Tôi nghĩ trong một nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên thì cũng rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát.

Lỡ tát học sinh một cái khi học sinh có hành động, thái độ hư khiến giáo viên mất kiểm soát mà giáo viên phải chịu phạt tiền luôn thì tôi e sẽ phản giáo dục. Tôi cũng không đồng tình với cách giáo dục nặng về "roi vọt". Nhưng trong tình huống đó, mục tiêu giáo dục sẽ không đạt được.

Nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên thì cũng rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát.

TS Nguyễn Tùng Lâm

Phạt tiền dạy thêm sai quy định: cần khả thi và thuyết phục

* Ông NGUYỄN VĂN NGAI: Dạy thêm - học thêm là một nhu cầu có thật trong bối cảnh thi cử như hiện nay. Học sinh giỏi cũng đi học thêm với mong muốn đậu vào những trường top đầu khi chuyển cấp hoặc vào ĐH.

Nhưng cái ung nhọt lớn nhất trong vấn đề dạy thêm - học thêm hiện nay chính là tình trạng giáo viên ép học sinh phải đi học thêm với mình. Tình trạng này ngày càng phổ biến. 

Phương pháp ép buộc thì nhiều lắm, từ việc dạy không hết chương trình ở trên lớp, để dành qua lớp dạy thêm mới dạy, em nào không đi học thêm thì không thể theo kịp chương trình. Rồi việc gợi ý với phụ huynh, dùng áp lực điểm số, đề kiểm tra... Tất cả nghe qua đều thấy thật đau lòng.

Cá nhân tôi cho rằng việc phạt hành chính sẽ không hiệu quả nếu không đi kèm với nó là quy trình tiếp nhận, lắng nghe, xử lý những trường hợp giáo viên ép học thêm. 

Vì hiện tại, đã có mấy người ép học sinh học thêm mà bị kỷ luật đâu? Chung quy là bởi việc xác minh, xử lý quá nhiêu khê. Chưa kể, phụ huynh cũng ngại ngần, lo lắng, không dám phản ảnh vì sợ con mình bị ghét, bị chú ý, bị đì.

Sau cùng, nếu thực sự Bộ GD-ĐT muốn giải quyết cái gốc của vấn đề thì cần cải thiện chế độ chính sách, tiền lương cho nhà giáo. Chứ việc phạt hành chính thật ra cũng chỉ là cái ngọn mà thôi.

* TS NGUYỄN TÙNG LÂM: Quy định phạt khi có sai phạm trong dạy thêm là cần, nhất là những vi phạm của người tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, theo tôi, cần rà lại các lỗi vi phạm để sát với thực tế và đảm bảo tính khả thi. 

Cần cân nhắc tới quyền bình đẳng giữa người làm các nghề khác nhau trong xã hội. Luật sư, bác sĩ cũng được hành nghề bên ngoài giờ làm việc ở công sở thì tại sao giáo viên lại không được? Vì thế, nên tôn trọng và chấp nhận việc dạy thêm ở mức có thể cho phép.

Theo tôi, nên cấm tất cả việc dạy thêm trong nhà trường, dạy thêm học sinh theo lớp chính khóa... nhưng bù lại cho phép giáo viên dạy thêm ở các trung tâm dạy thêm có phép ở bên ngoài. Những hành vi cấm, nếu vi phạm thì cần chế tài nghiêm khắc. 

Còn nếu quy định dạy thêm, học thêm còn nhiều cái vướng như hiện nay thì việc áp chế tài vào sẽ gặp khó khăn khi triển khai.

* Thời nay giáo dục học sinh rất khó khăn. Giáo viên đến trường với rất nhiều áp lực. Học sinh hư, quậy phá, thậm chí cố tình chọc phá. Nói nhẹ không được, nhắc nhở không xong, nếu có hành vi nặng hơn là bị quy vào tội "xúc phạm".

Vậy thì học sinh cứ hư thoải mái, giáo viên vẫn phải tươi cười nhẹ nhàng?

Một giáo viên Trường THCS Đống Đa (Hà Nội)

* Tôi phạt một học sinh phải chạy 5 vòng quanh khu nhà vì lỗi của em lặp lại nhiều lần. Bản thân em chấp nhận hình phạt một cách tự nguyện nhưng bố mẹ lại có đơn kiện khắp nơi.

Việc đó khiến tôi sốc và từ đó tôi bỏ hẳn tất cả các hình thức phạt học sinh. Thậm chí không nhắc nhở, mắng mỏ... vì làm gì cũng sợ bị quy tội "xúc phạm".

Tôi biết có nhiều đồng nghiệp cũng như tôi, tránh đi cho lành. Việc này thật sự không tốt khi đặt yêu cầu giáo dục học sinh.

Trừ những hành vi nghiêm trọng bạo hành học sinh, còn thường giáo viên đều mong muốn điều tốt nhất cho học sinh. Nhưng nếu phải sống trong sợ hãi thì sẽ nhiều người muốn buông bỏ.

Cô Huyền Thanh (giáo viên THCS ở quận Hà Đông, Hà Nội)

học thêm

Phụ huynh đón học sinh ra về sau khi học thêm tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khá nhiều giáo viên có thái độ phản ứng với câu chuyện "bị phạt khi dạy thêm".

Trong đó nhiều người làm việc trong các trường không có dạy thêm (trường tự chủ, dạy học cả ngày, giáo viên chỉ làm việc tại trường) nhưng cũng tỏ ra phân vân trước dự thảo về quy định phạt hành chính.

Tôi không bao giờ dạy thêm trái quy định. Nhưng đọc dự thảo tôi cảm thấy buồn. Vì giáo viên bây giờ lương thấp, áp lực công việc, bị "đe dọa" từ nhiều phía...

Giờ thêm quy định, mà quy định thực hiện lại cứng nhắc sẽ chỉ khiến giáo viên ngột ngạt thêm.

Ví dụ như có giáo viên trường tôi dạy thêm ở cơ sở có phép nhưng vẫn bị cán bộ phòng thuế hỏi thăm và đề nghị phải có môn bài mới được dạy thêm.

Một giáo viên THPT ở Lạng Sơn

Xúc phạm người dạy, người học: Bị phạt 20-30 triệu đồng Xúc phạm người dạy, người học: Bị phạt 20-30 triệu đồng

TTO - Lần đầu tiên, nhiều hành vi vi phạm của các cá nhân làm việc trong ngành giáo dục được cụ thể hóa tương ứng với các mức xử phạt hành chính, ngoài việc thực hiện các quy định chế tài khác.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên