01/10/2018 09:21 GMT+7

Xúc phạm người dạy, người học: Bị phạt 20-30 triệu đồng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Lần đầu tiên, nhiều hành vi vi phạm của các cá nhân làm việc trong ngành giáo dục được cụ thể hóa tương ứng với các mức xử phạt hành chính, ngoài việc thực hiện các quy định chế tài khác.

Xúc phạm người dạy, người học: Bị phạt 20-30 triệu đồng - Ảnh 1.

Một nhóm học sinh Trường THPT (Quảng Nam) bức xúc nghĩ rằng thầy cô "ép" học thêm nên đã lập facebook ảo nêu ý kiến. Trong ảnh: thầy Nguyễn Hữu Thiện nói chuyện với học sinh về câu chuyện bức xúc dạy thêm, học thêm - Ảnh: N.T

Đây là nội dung dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT công bố. 

Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết sau khi nghị định ban hành, thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch tập huấn kỹ cho các sở GD-ĐT để giải quyết những băn khoăn thực tế. Dự thảo trên sẽ tiếp tục trưng cầu ý kiến góp ý đến hết ngày 25-11.

Quy định không đặt nặng mục đích chăm chăm xử phạt mà có tính răn đe để tránh vi phạm.

Ông NGUYỄN HUY BẰNG

Nhiều hành vi bạo lực được nhắc đến

Ngoài những quy định mới về dạy thêm, các vấn đề liên quan đến hành xử trong môi trường giáo dục cũng được rà soát từ thực tế và cụ thể hóa hơn, tường minh hơn trong việc định ra lỗi sai phạm để xử phạt tại dự thảo nghị định. 

Ví dụ hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt 10-20 triệu đồng. Hành vi xúc phạm thân thể nhà giáo, cán bộ nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt 20-30 triệu đồng. Kèm theo đó là việc bắt buộc phải xin lỗi công khai.

Tương tự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học cũng bị phạt 10-20 triệu đồng và hành vi xâm phạm thân thể người học bị phạt 20-30 triệu đồng. Kèm theo đó là mức phạt bổ sung với người có hành vi trên là giáo viên bị đình chỉ dạy học từ 1-6 tháng.

"Quy định không đặt nặng mục đích chăm chăm xử phạt mà có tính răn đe để tránh vi phạm" - ông Bằng cho biết thêm. Đây cũng là những hành vi có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, nhiều giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục đã không nhận thức đúng về hành vi, giới hạn được và không được làm dẫn tới các vụ bạo hành đáng tiếc.

Cùng với việc xử phạt các hành vi trên, dự thảo cũng quy định cụ thể về việc xử phạt với hành vi kỷ luật khiển trách người học không đúng trình tự, quy định, buộc người học thôi học trái quy định với mức phạt từ 2-10 triệu đồng. 

Các hành vi xúi giục người học không đi học, bỏ học, hoặc ngăn cản việc học của người học ở các cấp học cũng bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. 

Nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi người học cũng được quy định cụ thể như phạt 8-15 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm, làm sai lệch kết quả học tập của người học, thực hiện không đầy đủ chính sách với người học…

Sai trong dạy thêm: phạt tiền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết trước đây hầu như các vi phạm của cá nhân trong lĩnh vực giáo dục rất ít có chế tài cụ thể, đặc biệt là không có xử phạt hành chính. Một trường hợp vi phạm nào đó phải đưa ra hội đồng kỷ luật thì thủ tục rất nhiêu khê, mất thời gian, nhưng đôi khi tính răn đe không cao, việc xử lý trách nhiệm không rõ ràng. 

Vì thế, ngoài các quy định chế tài đang có hiệu lực khác, cần đưa vào nghị định việc xử phạt hành chính đối với các hành vi của cá nhân được cụ thể hóa hơn.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, tại nghị định 138/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục ban hành năm 2013 cũng đã đưa vào các hành vi sai phạm trong tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, từ thực tế diễn ra và góp ý của các cơ sở thì thấy cần có các mức xử phạt với cá nhân người thực hiện hành vi và các lỗi vi phạm phải rõ ràng, cụ thể chứ không quy định chung chung.

"Ban đầu chúng tôi dự kiến xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 138. Nhưng khi triển khai mới thấy có nhiều nội dung cần cụ thể hóa và nhiều hành vi cụ thể được đưa vào diện đề xuất xử lý nên đã cân nhắc đến việc đề nghị ban hành nghị định mới về vấn đề này, thay thế nghị định 138" - ông Bằng cho biết.

Thực tế theo thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm thì có nhiều hành vi bị nghiêm cấm, nhưng lại chưa được đề cập rõ về mức chế tài. Đặc biệt không đề cập đến việc phạt tiền. Và tại dự thảo nghị định trên, những hành vi này đã được đưa vào. Dự thảo có điều 8 quy định xử phạt với các hành vi sai phạm trong tổ chức dạy thêm. 

Các quy định này được cụ thể hơn so với nghị định trước đó, đề xuất mức phạt hành chính từ 2-15 triệu đồng. Trong đó hành vi bị phạt mức cao nhất là ép học sinh học thêm, với mức từ 10-15 triệu đồng.

Ngoài xử phạt bằng tiền, ở nội dung này cũng quy định các hình thức chế tài bổ sung như tước giấy phép hoạt động từ 6-12 tháng, đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12-24 tháng, buộc trả lại tiền người học nếu dạy không đúng nội dung, đối tượng, buộc giải thể cơ sở nếu hoạt động trái phép…

Điều 9 của dự thảo nghị định quy định những hành vi đối với người dạy thêm, đây là nội dung hoàn toàn mới so với quy định trước đây. Trong đó, hành vi dạy thêm đối với học sinh tiểu học, hoặc học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường bị đề nghị mức phạt cao, từ 5-6 triệu đồng.

Hành vi cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông ở buổi chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, hoặc dạy trước chương trình trong nội dung giáo dục chính khóa… Theo một thành viên ban soạn thảo thì những hành vi này bị đề nghị mức xử phạt cao hơn do tính ép buộc hoặc gián tiếp.

Thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội? Thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội?

TTO - Mạng xã hội trở nên phổ biến và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Mỗi người có thể tự mình đăng tải nội dung thể hiện trạng thái cảm xúc, suy nghĩ trên tài khoản cá nhân của mình.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên