Một khu phong tỏa tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Trong đó có những ổ dịch khá nghiêm trọng, như ổ dịch 21 ca bệnh tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (vừa công bố tối 1-8).
Ngại khai báo vì... sợ cách ly
Theo ông Tuấn, hiện số mắc hằng ngày của Hà Nội vẫn dưới 3 con số (dưới 100 ca/ngày), ở mức kiểm soát được, nếu hơn 100 ca/ngày thì nguy cơ cao hơn nhiều.
"Hà Nội có theo dõi và phân tích rất nhiều bài học, hiện nay chúng tôi không xét nghiệm tràn lan, phải điều tra truy vết sau đó mới lấy mẫu, lấy hết F1 mới sang F2, sau đó mới F3. Người dân phải chủ động khai báo y tế, như hiện nay Hà Nội phát hiện nhiều ca bệnh sàng lọc từ người có ho, sốt tại cộng đồng, đã có yêu cầu người có ho, sốt khai báo y tế và xét nghiệm miễn phí nhưng tỉ lệ người ho, sốt khai báo y tế chưa nhiều" - ông Tuấn nói.
Lý do số mắc cao dù đã giãn cách xã hội, ông Tuấn cho rằng do đã có lây nhiễm trong cộng đồng, có những ổ dịch đã qua 1-2 tuần, như ổ dịch Bệnh viện Phổi Hà Nội, ổ dịch tại một xã ở Thanh Trì, Công ty thực phẩm Thanh Nga... Đáng lưu ý, ổ dịch này có thể đã tồn tại trong 1-2 tuần, với hàng chục ca mắc đi lại nhiều nơi và khả năng truy vết rất khó khăn. "Tâm lý một số người ngại khai báo vì sẽ phải đi cách ly" - ông Tuấn nói.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức, 2 ngày nữa mới có thể nói chắc là xu hướng dịch sắp tới và Hà Nội có thực hiện chỉ thị 16 tiếp hay không. Thời điểm này các khu vực quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, các huyện Thanh Trì, Đông Anh là 5 khu vực trọng điểm, khu đang có ổ dịch hoạt động, còn lại có những ổ dịch lẻ tẻ. Phải cắt nguồn những ổ dịch này" - ông Tuấn chia sẻ.
Thiết lập "vùng xanh" chống dịch
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong ngày 2-8 hàng loạt chốt bảo vệ "vùng xanh" được lực lượng tổ COVID cộng đồng, dân quân tự vệ và Công an phường Mai Động (quận Hoàng Mai) thiết lập tại nhiều điểm trên địa bàn phường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng Ban tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai, cho biết việc quận có ý tưởng thiết lập vùng an toàn là học hỏi từ TP.HCM. Đến chiều 2-8, toàn quận Hoàng Mai đã có 2 phường Mai Động và Đại Kim thành lập gần 50 "vùng xanh" an toàn tại nhiều khu dân cư và tòa chung cư.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cho biết dự kiến lấy mẫu diện rộng trong cộng đồng dân cư để xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Các khu vực dự kiến có số mẫu lớn nhất là ở quận Hai Bà Trưng gồm phường Vĩnh Tuy với 5.000 mẫu và khu vực xung quanh Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn trên địa bàn 3 phường Quỳnh Lôi với 4.000 mẫu, Thanh Nhàn 1.500 mẫu và Quỳnh Mai 2.000 mẫu.
Ông Nguyễn Quang Trung - chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - cho biết dự kiến địa phương lấy khoảng 30.000 mẫu xét nghiệm trong thời gian tới. Theo đó, các trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm là những người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao như: mật độ dân cư cao, chợ dân sinh giao thương lớn, các hộ kinh doanh.
Hà Nội cũng tránh chiến dịch tiêm vắc xin hay xét nghiệm ồ ạt, tiêm vắc xin nhanh nhưng chia nhỏ điểm tiêm và đảm bảo giãn cách, nếu người tiêm có ho sốt sẽ hoãn tiêm, đợi lần sau. Với điều trị, Hà Nội tính từng bước, không ồ ạt, đánh giá nguy cơ 1 sẽ làm 1,5, nếu nguy cơ 1,5 làm đến 2, không làm quá mức gây lãng phí nguồn lực.
"Làm hết cách nhưng còn điểm yếu"
Ông Tuấn nhận định như trên và nêu dẫn chứng vụ việc người dân ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đang phong tỏa đã trèo rào ra ngoài với lý do không có đủ nhu yếu phẩm. "Đã phong tỏa thì chính quyền phải lo hỗ trợ người dân về thực phẩm. Một số nơi phong tỏa chưa tốt, giãn cách chưa tốt thực sự, đường vẫn đông" - ông Tuấn nhận xét.
Hà Nội cũng phát hiện nhiều ca bệnh tại các chợ dân sinh và đã có 4-5 chợ tạm dừng hoạt động. Theo ông Tuấn, có quy định phát phiếu đi chợ nhưng không phải chỗ nào cũng phát phiếu, và ở chợ vẫn tập trung đông người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận