Xu hướng này bùng nổ khi những clip về trải nghiệm đi chơi một mình trên nền tảng TikTok được chia sẻ rầm rộ. Hay trên Instagram, chỉ cần tìm kiến hashtag "Ohitorisama" hoặc "Honjok" (nghĩa là một mình - PV), người xem sẽ tìm thấy hàng chục nghìn bài đăng của những người đi ăn, xem phim và du lịch một mình.
Một mình cũng chẳng sao
Thay vì hẹn bạn bè tụ tập cuối tuần, Hương Giang (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) một mình đến Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội để tự "chữa lành" sau một tuần dài đi học và làm thêm.
Giang kể sau khi chia tay người yêu, cô bắt đầu tập thích nghi với cuộc sống độc lập. Làm quen với những điều cô chưa bao giờ nghĩ đến như một mình đi xem phim, hát karaoke, chăm luyện tập thể dục hơn.
Lần đầu khi đi xem phim một mình, Giang có cảm giác rất lạ. Cùng đó là cảm giác ngại ngùng vì nghĩ mọi người sẽ nhìn mình với ánh mắt phán xét.
Nhưng thực tế, Giang quan sát thấy nhiều người trẻ quanh mình cũng có xu hướng tận hưởng việc thư giãn mà không có người thân, bạn bè hay người yêu. Vì vậy, cũng sẽ chẳng ai rảnh để quan tâm một điều quá đỗi bình thường như thế.
Không còn ngại ngùng, đi chơi một mình với Giang trở thành thói quen.
Giang nói, đi chơi một mình có điểm cộng là thoải mái hơn vì không cần phụ thuộc lịch trình, ý kiến của người khác, và được chủ động lựa chọn theo ý mình.
Có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, Khánh Vân (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Bến Tre) thường dành thời gian đi chơi với người thân, bạn bè. "Tôi thích đi đây đi đó nên thường không từ chối các cuộc vui khi được rủ, nhưng hiếm khi hẹn được ai đó đi chơi cùng mình", Khánh Vân trải lòng.
Sau dịch COVID-19, phong trào đi chơi một mình rầm rộ trên mạng xã hội cũng như trong cuộc sống. Khi đó, Vân quyết định trải nghiệm thử. "Đi chơi một mình không hề tệ như suy nghĩ trước giờ, rất đáng để thử", Vân nhận xét sau lần trải nghiệm đầu tiên.
Vân cho biết lựa chọn này phù hợp với cô khi vừa thỏa thú thích đi, vừa không làm phiền người khác. "Có hôm nổi hứng đi chơi bất chợt, tôi cũng có thể đi liền mà không cần phải lên kế hoạch hay chờ đợi ai", cô khoe.
Tuy nhiên, Vân cho biết nhiều khi đang tiêu cực mà không có ai đi cùng để tâm sự, khuyên nhủ cũng dễ rơi vào trạng thái suy sụp.
Cần khoảng lặng giữa cuộc sống xô bồ
Một số người nghĩ rằng những người thích đi một mình có thể là người hướng nội, ít mối quan hệ xã hội, nhưng trên thực tế không hẳn vậy. Nhiều người trẻ cho biết họ cần khoảng lặng để cảm nhận cuộc sống. Bởi những phút giây riêng tư một mình đang ngày càng trở nên hiếm hoi giữa nhịp sống hối hả.
Như Thanh Nhàn (23 tuổi, nhân viên marketing tại TP.HCM) cho biết bản thân vốn là một người thích giao lưu, tụ tập, cuộc vui nào cũng có mặt và ít khi từ chối lời rủ rê của bạn bè. Nhưng thi thoảng anh vẫn thấy "ngợp" và cần tới những "khoảng lặng" giúp cân bằng.
"Đặc thù công việc phải giao tiếp liên tục nên tôi ngày càng thích cho mình khoảng không gian riêng", Thanh Nhàn giải thích.
Những ngày nghỉ hiếm hoi, Nhàn tìm đến các địa điểm văn hóa như chùa, bảo tàng hoặc di tích để tìm kiếm trải nghiệm cá nhân và "sạc pin tâm hồn" sau những giờ hoạt động hết công suất cho công việc.
"Dành thời gian để tham quan các kiến trúc, công trình và tìm hiểu về nó giúp tôi tạm quên đi những áp lực và cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống", Nhàn coi đó là một cách "chữa lành" cho bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận