04/03/2015 10:19 GMT+7

Xoay trở chóng mặt với ngoại ngữ

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - LƯU TRANG
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - LƯU TRANG

TT - Theo dự kiến hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT, môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay ngoài phần trắc nghiệm sẽ có phần viết luận.

Một buổi học luyện thi THPT và đại học môn tiếng Anh tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thành Đô, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Điều này khiến học sinh và giáo viên bối rối, lo lắng vì từ đầu năm học đã bỏ qua phần viết luận, chỉ tập trung ôn tập các dạng đề trắc nghiệm.

Tháng 9-2014, Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 với những điểm mới của kỳ thi quốc gia “hai trong một”, trong đó môn ngoại ngữ được xếp vào các môn thi trắc nghiệm với thời gian 90 phút.

Giáo viên, học sinh (HS) thở phào vì từng lo lắng sau khi đề thi tốt nghiệp THPT 2014 xuất hiện phần thi tự luận khiến nhiều HS “chới với”. Tuy nhiên, mới đây Bộ GD-ĐT lại đưa ra thông tin dự kiến đề thi môn ngoại ngữ sẽ có cả phần thi trắc nghiệm và tự luận.

Trở tay không kịp

Anh Nguyễn X., giáo viên có nhiều năm dạy tiếng Anh tại Đồng Nai, gọi đến Tuổi Trẻ để giải tỏa bức xúc khi nhận được thông tin nói trên.

Anh cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp dạy tiếng Anh khác đều lo lắng về kỳ thi năm nay khi thông tin tuyển sinh thay đổi liên tục. Đầu năm bộ nói sẽ thi trắc nghiệm, chúng tôi ôn tập cho HS theo định hướng này. Bây giờ dự kiến cấu trúc đề thi có thêm phần tự luận, HS hoang mang, chính thầy cô cũng hoang mang. Đối tượng HS mình dạy có em giỏi, em dở, nói thật nhiều em viết bài văn bình thường còn không xong, huống gì viết bằng tiếng Anh một bài luận theo chủ đề. Chúng tôi chỉ mong bộ làm sao thống nhất chủ trương để thầy trò yên tâm dạy học”.

Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM, chia sẻ: “Bản thân tôi thấy việc đưa phần tự luận vào bài thi tiếng Anh là một sự cấp tiến, HS có thêm kỹ năng quan trọng là viết bài luận, nâng cao kỹ năng của các em.

Tuy nhiên việc thay đổi cấu trúc đề khi thời gian không còn nhiều sẽ làm khó giáo viên và HS trong việc ôn tập. Sẽ thuận lợi hơn nếu các em được nắm thông tin từ đầu để không bỡ ngỡ, lo lắng.

Sáng thứ hai đầu tuần khi giáo viên phụ trách hướng nghiệp trao đổi thông tin này, HS ồ lên và phàn nàn, lo lắng bởi việc ôn tập từ nay sẽ nặng hơn”.

Thùy Chi - HS lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hà Nội - cho biết: “Chúng em rất hoang mang vì viết luận là điểm yếu của nhiều HS bây giờ. Giờ dành thời gian ôn luyện cũng thấy mênh mông bể sở, không biết ôn thế nào, tập viết theo chủ đề gì.

Vì để viết luận, không chỉ vững về ngữ pháp mà phải có vốn từ vựng, biết cách diễn đạt tốt. Giờ lao đi học “viết luận” sẽ không còn thời gian ôn tập các môn khác, ôn tập trắc nghiệm môn ngoại ngữ; nhưng bỏ phần này thì rất lo vì có thể điểm phần này là yếu tố để cạnh tranh trong xét tuyển”.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - giáo viên ngoại ngữ Trường THPT Việt Đức, Hà Nội - hoang mang: “Để ôn tập cho HS đạt yêu cầu 8 điểm phần trắc nghiệm thì được, nhưng với 2 điểm phần viết luận là rất khó. Năm trước Bộ GD-ĐT cũng đưa phần viết luận vào đề thi.

Nhưng do tính chất của kỳ thi công nhận tốt nghiệp THPT không đòi hỏi cao, không có tính cạnh tranh, sàng lọc nên tâm lý HS cũng như phụ huynh và thầy cô giáo không quá lo lắng.

Còn với kỳ thi THPT quốc gia, việc chênh 0,5 điểm thôi giữa các thí sinh đã quyết định số phận của mỗi em đỗ hay trượt ĐH.

Đầu năm học, Bộ GD-ĐT thông báo đề thi là trắc nghiệm nên các nhà trường không có sự chuẩn bị cho HS ôn tập kỹ theo hướng “viết luận”. Giờ chỉ còn ba tháng nữa HS sẽ thi, quá gấp gáp và quá khó để thầy trò bắt kịp hướng này”.

Một giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chạy đua mệt mỏi

Một số giáo viên tại Hà Nội phàn nàn: nếu Bộ GD-ĐT chính thức quyết định đưa phần luận vào đề thi ngoại ngữ ngay thời điểm này, có nghĩa các thầy cô giáo và học trò sẽ phải bước vào cuộc chạy đua mệt mỏi vì chỉ có ba tháng để ôn tập một phần nội dung lẽ ra phải cho HS làm quen hàng năm trước.

Cô Nguyễn Tố Tâm - giáo viên dạy ngoại ngữ Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - nhận xét: “Kể cả các trường tốp đầu Hà Nội, tôi nghĩ tỉ lệ HS đáp ứng tốt yêu cầu “viết luận” cũng không nhiều. Phần lớn HS THPT hiện nay mới chỉ được luyện khả năng viết những nội dung rất đơn giản, đúng ngữ pháp. Nhưng các HS có học lực yếu thì còn khó có thể đáp ứng được yêu cầu đơn giản này”.

“Để đạt yêu cầu viết luận môn ngoại ngữ, HS cần một lộ trình dài hơn vì liên quan tới câu cú, cách diễn đạt, đến ý tưởng trình bày, giống như viết văn bằng tiếng Việt vậy. Một HS không được rèn luyện thì khó có thể viết được một đoạn văn mạch lạc, chấp nhận được dù là viết bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này khác hẳn việc áp dụng một công thức toán học” - cô Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Thậm chí nhiều giáo viên phải tính đến cách “chữa cháy” khi thời gian không còn nhiều. “Với những HS khá, giỏi tôi sẽ cố gắng ôn tập cho các em theo một số chủ đề, hướng dẫn cách viết chung, hướng dẫn các em ghi nhớ từ vựng, yêu cầu các em tập viết nhiều hơn và cô sẽ dành một số tiết học để sửa.

Tuy nhiên, tôi không muốn HS sa đà quá vào việc ôn tập viết luận mà buông bỏ những phần khác. Với HS yếu, có lẽ tôi sẽ mạnh dạn tư vấn các em bỏ luôn phần này để tập trung ôn trắc nghiệm.

Cách đổi mới đột ngột không theo lộ trình của Bộ GD-ĐT khó có thể tác động vào quá trình dạy học mà chỉ có thể khiến giáo viên, HS đối phó bằng những cách khác nhau trong giai đoạn nước rút” - một giáo viên ở Hà Nội thẳng thắn chia sẻ.

Trong khi đó tại TP.HCM, giáo viên tiếng Anh cho biết bắt đầu giới thiệu các đề thi viết bài luận và in một số dạng bài viết theo chủ đề để HS đọc và tập viết bài luận. Nhiều trường cho biết sẽ phải họp tổ bộ môn để lên kế hoạch tăng tốc ôn tập môn tiếng Anh theo hướng đề thi có cả tự luận và trắc nghiệm.

Bên cạnh đó, một số trường “thở phào” vì lo xa nên họ vẫn cho HS của mình ôn tập phần viết luận song song với ôn tập dạng đề trắc nghiệm, dù thông tin ban đầu là môn ngoại ngữ chỉ thi trắc nghiệm. “Nếu không thì đến giờ này chết đứng, biết thế nào mà dạy!” - một giáo viên tại TP.HCM cho biết.

Thầy Nguyễn Đình Độ - phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM - cho biết: “Rút kinh nghiệm về đề thi tốt nghiệp năm 2014 có một câu viết luận, năm nay trường trao đổi với tổ bộ môn ôn cả phần tự luận và trắc nghiệm ở môn tiếng Anh cho HS để tránh bỡ ngỡ nếu như đề thi có thay đổi. HS cũng được làm quen một số chủ đề đơn giản, quen thuộc và hiện vẫn tiếp tục ôn tập song song theo hướng này”. 

Cô Đặng Thị Yến - hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết trường vẫn tiến hành ôn tập phần tự luận môn tiếng Anh cho HS. Hiện HS vẫn tập viết những bài luận khoảng 400 từ về một số chủ đề do giáo viên đưa ra. Với những thông tin chỉ mới “dự kiến” của Bộ GD-ĐT, trường chưa thông tin cho HS mà chờ thông tin chính thức để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập của HS.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - khẳng định kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đối với môn ngoại ngữ - trong đó có môn tiếng Anh - dự kiến đề thi vẫn sẽ gồm phần viết và phần trắc nghiệm như định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2014.

Trước thắc mắc của thí sinh việc đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia sẽ “dễ thở” hơn như đề thi tiếng Anh khối A1 hay sẽ có mức độ khó cao hơn như đề tiếng Anh khối D1 các năm trước, ông Trinh cho biết nếu kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có hai đề thi tiếng Anh dành cho khối A1 (thi đợt 1) và khối D1 (thi đợt 2), thì kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ có một đề thi tiếng Anh duy nhất. 

“Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả HS THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ HS, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ” - ông Trinh nói.

 

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên