Như báo Tuổi Trẻ Online đã thông tin, hòn đá nặng hàng tấn nằm cao 30m trên mỏm núi Cù Hin, theo kiểm tra, báo cáo của UBND TP Nha Trang từ ngày 23-9, có nguy sạt lở, lăn xuống đoạn đường đèo thuộc đại lộ Nguyễn Tất Thành và "nguy cơ cao gây mất an toàn về người và phương tiện khi tham gia giao thông".
Vào khoảng 17h11 chiều 9-11, tảng đá trên được khoan, nhồi thuốc nổ và cho nổ tan.
Ông Trần Minh Chiến - chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết việc đánh thuốc nổ để xử lý hòn đá nguy cơ trên đã được giao cho một công ty chuyên nghiệp về mỏ địa chất và nổ mìn khai thác khoáng sản thực hiện.
Phương án nổ mìn để xử lý hòn đá nguy cơ sạt lở như trên vốn không nằm trong ba phương án xử lý ban đầu mà các cơ quan chức năng đã bàn bạc, lựa chọn.
Theo ông Chu Văn An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, vào gần 19h30 tối 8-11, xe múc chuyên nghiệp đã vạch đường lên núi đến được vị trí hòn đá bên mỏm núi trên nhằm đào, múc đẩy hòn đá rơi xuống.
Thế nhưng khi xe múc đào các hòn đá nhỏ xung quanh thì lộ ra chân hòn đá lớn găm khá sâu vào đất đá bên dưới, không thể đào, đẩy xuống được. Ngay trong đêm, các đơn vị đã đưa thêm một chiếc xe đào có gắn đầu búa đục lên núi "tiếp sức" phá đá nhưng cũng không phá được nên tạm dừng công việc xử lý.
Vì vậy đến gần 22h đêm 8-11, khi thông tin dự báo mưa, bão Yinxing đã thay đổi, không còn nguy cơ đổ vào Nha Trang như dự báo ban đầu, địa phương đã mời đơn vị chuyên về mỏ địa chất khảo sát lại và đề xuất phương án phù hợp. Cuối cùng, phương án dùng thuốc nổ để phá đá đã được lựa chọn.
Vì sao cuối cùng mới chọn phương án nổ mìn phá đá nguy cơ sạt lở?
Chủ tịch UBND TP Nha Trang Trần Minh Chiến có trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ Online và giải thích thêm về việc lựa chọn phương án nổ mìn phá đá đó. Theo ông Chiến, khi xác định hòn đá đang nằm trên mỏm núi Cù Hin không phải là "đá mồ côi" mà có chân cắm sâu trong đất, nên không thể nguy hiểm đến tính mạng công nhân khi làm việc khoan hòn đá bên vách núi cao.
Còn việc nổ mìn phá đá, ông Chiến cho biết theo phương án khoan đến 40 lỗ khoan để nhồi thuốc, cho nổ theo phương thức chuyên nghiệp của công ty chuyên nổ mìn, khai thác khoáng sản cũng hạn chế được tối đa việc gây chấn động lan truyền các khu vực vách đá ở gần.
Vì vậy, cuối cùng các đơn vị mới thống nhất chọn phương án nổ mìn phá đá, chấm dứt nguy cơ sạt lở và nỗi lo cho nhiều người dân, du khách, xe cộ lưu thông qua đoạn đường đèo có hòn đá cả tấn "đe dọa" sạt lở xuống đường vào mùa mưa bão, trong suốt hơn một tháng rưỡi qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận