Sau nhiều vụ việc cha mẹ học sinh xông vào trường thóa mạ, đe dọa, đánh đấm giáo viên thì một cái tát vào mặt cô giáo mới đây ở Trường Tiểu học Đặng Cương tiếp tục là một nốt trầm đáng buồn của những người đưa đò thầm lặng.
Nhiều người chê trách, mỉa mai, "ném đá" cô giáo dùng roi vọt dạy trẻ mới gây ra sự việc trên. Nhưng có ai đã đặt mình vào vị trí của một giáo viên đứng lớp, quản lý khoảng bốn chục trẻ trong giai đoạn "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" để cảm thông cho cô?
Chúng ta lên án những hành động xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân cách học sinh. Nhưng một roi vào tay là "xâm phạm" và "xúc phạm" ư?
Dưới quan điểm của cá nhân tôi, cái roi ấy chỉ nhằm một mục đích duy nhất là nhắc nhở lỗi lầm của trẻ, giáo dục trẻ biết tuân thủ nội quy. Cái roi ấy không hề mang sức nặng của sự trừng phạt, ghét bỏ, thù hằn!
Giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, cảm hóa các em bằng chính nhân cách và thái độ ứng xử chuẩn mực của người thầy. Đó là những bài học mà mỗi giáo viên đều thuộc nằm lòng khi bắt đầu theo nghiệp phấn trắng, bảng đen.
Tuy nhiên, thực tế đâu phải lúc nào cũng lung linh một màu hồng như thế.
Là nhà giáo, hẳn ai cũng thấm thía nỗi khổ và khó trong cách giáo dục học sinh. Trò ngoan ngoãn là giấc mơ của tất cả thầy cô. Nhưng nghịch lý là lớp học nào cũng có trò chưa ngoan và có cả trò cá biệt. Không phải lúc nào tình yêu thương và sự cảm hóa cũng phát huy tác dụng giáo dục học sinh.
Lắm lúc mọi lời nói đều phải bất lực trước những cô cậu học trò nghịch ngợm, tinh quái, lì lợm. Lắm lúc mọi hình thức kỷ luật mang tính giáo dục cao như phê bình trước lớp, phê bình trước trường hay mời phụ huynh làm việc đều mất hết tác dụng.
Trong những tình huống dở khóc dở cười ấy, người thầy nên ứng xử thế nào? Kiên quyết xử lý hay buông xuôi phó mặc?
Nếu kiên quyết xử lý đến cùng bằng các biện pháp mạnh tay như một vài roi vào mông hay phạt lao động vệ sinh trường lớp thì ngay lập tức người thầy tự dồn mình vào chỗ khó. Bởi áp lực từ phụ huynh, từ xã hội rất dễ manh nha xuất hiện và bùng lên thành làn sóng giận dữ, đả kích mạnh mẽ.
Vị phụ huynh tát thẳng vào mặt cô giáo kia là một minh chứng rõ nét nhất, sống động nhất về cái giá phải trả quá đắt khi "dám" đụng đến "con vàng con bạc" nhà người ta.
Nếu bỏ mặc buông xuôi, chẳng khác gì người thầy tự biến mình thành "thợ dạy". Sống theo phương châm "mặc kệ nó" ư? Ngoảnh mặt làm ngơ trước mỗi biểu hiện sai trái ư? Che mắt bịt tai trước những hành vi lệch lạc cả trò ư?...
Đó là cả một nỗi dày vò, đấu tranh nội tâm sâu sắc trong "cuộc chiến" giữ - lương - tâm - hay - giữ - lương - tháng?.
Tôi không hề có ý định cổ vũ bạo lực học đường, hoàn toàn không đồng ý hành động thầy đánh trò. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng người thầy đang dần mất đi cái quyền cơ bản: quyền giáo dục học sinh.
Khi cái quyền ấy bị tước đi, môi trường học đường sẽ thân thiện hơn, học sinh sẽ ngoan ngoãn hơn ư? Chưa có gì đảm bảo cho tương lai tươi sáng ấy!
Chúng ta chỉ mơ hồ nhận ra rằng: nhiều giáo viên đang chùng chân trong giáo dục nhân cách học sinh, co mình lại và ngại va chạm với học trò hơn. Một số học sinh sẽ dần xem thường thầy cô và vô hiệu hóa mọi biện pháp giáo dục của nhà trường.
Thậm chí vài học sinh cá biệt còn được nước lấn tới và "coi trời bằng vung"!
Lời gửi gắm của phụ huynh rằng "trăm sự nhờ cô" vẫn vang lên đều đều. "Trăm sự" ấy lẽ nào chỉ là dạy cho con trẻ "no cái chữ", làm đầy tri thức? Còn nhân cách, đạo đức, tâm hồn và tình cảm của trò thì giao trách nhiệm cho gia đình và xã hội?
Giáo viên bây giờ sợ lắm câu nhờ cậy "trăm sự nhờ cô". Bởi người thầy chẳng khác gì những chiến sĩ vẫn xông pha trên mặt trận giáo dục, nhưng "súng" thì bị tước sạch, quyền giáo dục học sinh đang mất dần.
"Tay không bắt giặc" ư? Khó lắm thay!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận