Nếu Ý có pasta, Tây Ban Nha có paella, Nhật Bản có ramen thì phở nhất định là “quốc hồn quốc túy” của ẩm thực Việt Nam. Dù ở độ tuổi nào, sống ở đâu đi chăng nữa, tôi tin rằng đã là người Việt thì ít ai nói câu “lâu lâu không ăn phở”, mà cái “lâu lâu” ấy dài hơn một tuần.
Phở - tinh hoa ẩm thực Việt
Người Việt có thể ăn phở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sáng một bát phở tái chín hai trứng đủ chất no tới trưa. Bữa trưa ăn phở gà nước béo nhiều hành. Buổi tối là món phở xào thơm nức mũi ăn kèm dưa góp muối. Đến đêm, sau một buổi “hết mình nơi quán nhậu”, con người ta lại thèm “cái gì nước nước” và trước khi trở về nhà say giấc thì phải ghé qua quán phở đêm, gọi một tô phở sốt vang ít bánh nhưng nhìn miếng quẩy giòn thì chẳng thể cưỡng lại được.
Chỉ đơn giản là bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà lát mỏng, hành hoa thôi mà sao trở thành tinh hoa ẩm thực đến vậy? Cái phức tạp và cũng là “tinh túy” nhất của phở chính là nước dùng.
Xương bò được ninh cùng các loại gia vị như quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, sá sùng, đinh hương, hạt mùi… cùng vô số loại nguyên liệu khác mà mỗi một nơi lại có công thức nấu riêng, hương vị thì không hàng nào giống hàng nào.
Một khi đã mang “tâm hồn phở” rồi thì dù có đi đâu trên khắp thế giới, cứ hơn một tuần chưa được ăn phở là kiểu gì cũng thòm thèm, hay ít nhất là nghĩ đến và hình dung ra hương vị một cách rõ rệt trên đầu lưỡi.
Tôi xếp hàng ăn phở ở Tokyo
Xếp hàng ăn phở ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, không hiếm. Tôi còn nhớ ngày bé, có những cuối tuần được bố mẹ dắt lên phố Bát Đàn ăn phở bò mà phải đứng xếp hàng ngoài vỉa hè lấy số.
Nhưng xếp hàng để được ăn phở ở nước ngoài, lại còn là thành phố đông dân nhất thế giới - Tokyo - lại là chuyện khác.
Đã đi Nhật được 10 năm với 10 lần, tôi coi đây như một quê hương thứ hai và thường nói vui mỗi lần trở lại Tokyo là một lần “về quê”. Mùa thu năm 2019, tôi có chuyến đi cùng những người bạn và ở thời điểm ấy, phở Thìn vừa mới mở ở đại đô thị hơn 37 triệu dân này.
Tình cờ tôi biết được điều đó là khi tìm kiếm quán ăn ramen yêu thích lần trước tôi vô tình phát hiện ra. Và duyên hơn nữa là phở Thìn lại nằm ngay cạnh quán này.
Xếp hàng đã là một văn hóa quen thuộc ở Nhật và nếu bạn muốn ăn ngon, khách phải xếp hàng có khi cả 2-3 tiếng. Hôm ấy, chúng tôi cũng chờ khoảng gần một tiếng buổi sáng để vào ăn phở bò tái lăn.
Phở Thìn Tokyo có lối xuống chật hẹp ở dưới hầm. Khách xếp hàng dài cả con phố Toshima ở khu vực gần ga tàu Ikebukuro.
Nơi đây được một người đàn ông Nhật Bản là Kenji Sumi mở với sự tư vấn của chủ quán phở Thìn Lò Đúc ở Hà Nội - ông Nguyễn Trọng Thìn. Chính vì thế, phở Thìn Tokyo mang hương vị đặc trưng của phở Bắc.
Không gian dưới hầm nơi thực khách ngồi thưởng thức phở rất gọn gàng với những chiếc bàn gỗ, văng vẳng giai điệu âm nhạc Việt Nam. Bánh phở dạng khô nên tất nhiên nếu so với Việt Nam thì độ chuẩn của bánh chỉ đạt 2/3.
Tuy nhiên, về chất lượng thịt bò, tôi đánh giá là gấp 3-4 lần. Thịt mềm, ngọt và mọng.
Món phở bò tái lăn đặc trưng của Thìn Lò Đúc còn phải ngập trong hành hoa. Quán ở Tokyo đúng như vậy. Nước dùng đậm đà, mang hương vị phức tạp phối nhiều nguyên liệu, ăn kèm tương ớt, giấm, tiêu, ớt như ở Việt Nam.
Ở một thành phố vừa đông vừa đắt đỏ bậc nhất thế giới, giá một tô phở tất nhiên cao gấp ba lần so với ngồi vỉa hè ở Việt Nam.
Một tô phở Thìn Tokyo có giá ngang với mì ramen loại rẻ nhất (890 yen, tương đương khoảng 150.000 đồng). Tô thêm hành là 160 yen, còn thêm trứng là 60 yen.
Như vậy, để ăn một tô phở bò hai trứng ngập hành sẽ là 1.170 yen (gần 200.000 đồng). Nhưng đúng là chất lượng thịt bò Nhật “đắt xắt ra miếng”. Mỗi tô rất nhiều thịt, người ăn khỏe cũng thấy ăn mãi chưa hết.
Phở Việt Nam vốn đã vang danh toàn cầu, thậm chí còn được nhiều ngôi sao lăng xê vì quá mê, như Rosé của BlackPink cũng là fan của “quốc túy ẩm thực Việt Nam”. Chính vì thế, lượng khách Việt và khách nước ngoài tới phở Thìn Tokyo cũng là 50/50.
Sau chuỗi ngày “ngập mặt” với sushi, sashimi, ramen, thịt nướng, gà nướng, cơm lươn, khoảnh khắc khi đưa thìa nước dùng đang nóng hổi lên miệng nếm thực sự là “đã”. Đúng là hương vị thanh thanh của phở có thể làm bùng nổ vị giác và không bao giờ bị cảm giác ngấy. Mọi người xuýt xoa và ăn tới giọt cuối cùng. Một cô bạn trong đoàn tôi khi ấy thậm chí còn quay lại tiệm sáng hôm sau, chỉ bởi thói quen sáng ra là phải có bát phở kèm hai trứng.
Nếu một ngày bạn tới Tokyo, hãy tận hưởng cảm giác xếp hàng ăn phở ở một nơi được coi là đại đô thị bận rộn nhất thế giới.
Ẩm thực là một thứ xứng đáng để người ta dành thời gian chờ đợi, rồi sau đó được tưởng thưởng bằng vị giác.
Để rồi sau đó, chính những hương vị ấy tạo thành ký ức theo thời gian.
Để khi hỏi nhau rằng: “Đã bao lâu rồi chưa ăn phở?”, chúng ta chợt nhận ra câu trả lời luôn là: “Cũng lâu lâu rồi, từ tuần trước!”.
Đơn giản là bởi đi ăn phở ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày và ở bất kỳ nơi đâu, luôn là một ý tưởng hợp lý tuyệt đối.
Vietnam Phở Festival 2023 diễn ra ngày 7 và 8-10-2023 tại công viên Yoyogi (Tokyo, Nhật Bản). Đây là một hoạt động ý nghĩa trong nỗ lực đưa hương vị Việt đi xa hơn trên thế giới. Hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP.HCM, được những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro - hạ nghị sĩ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản và báo Manichi hết sức ủng hộ.
Vietnam Phở Festival có sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Suntory Pepsico, SASCO, Phở Sâm Ngọc Linh Kontum K5, Simply Food cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các thương hiệu Bà Bán Phở Hai Thiền, phở Dậu, Hoa Hồi Vàng Australia, phở Hotel Majestic Saigon, phở Phú Gia, phở Sâm Ngọc Linh, phở Sen SASCO, phở Thìn Bờ Hồ, phở VGCC... sẽ tham dự Vietnam Phở Festival năm nay.
Đồng hành với chương trình có đương kim Hoa hậu liên lục địa (Miss Intercontinental) Lê Nguyễn Bảo Ngọc, ca sĩ Hiền Thục và ca sĩ - nhạc sĩ - nhà văn Hamlet Trương.
Mời bạn chia sẻ kỷ niệm về phở
Nhân dịp Vietnam Phở Festival tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, báo Tuổi Trẻ trân trọng mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm với phở khi du lịch nước ngoài. Bài viết xin gửi về tto@tuoitre.com.vn. Bài được chọn đăng có nhuận bút theo quy định của báo.
Báo Tuổi Trẻ cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận