Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh: HÀ QUÂN
Ngày 18-4, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm đưa ra các khuyến nghị, đề xuất, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tiến tới khuyến nghị sửa đổi Luật bình đẳng giới.
Tại cuộc họp, ông Lê Khánh Lương - quyền vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) dẫn lại Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy: 62,9% số phụ nữ được khảo sát từng phải chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong đời.
Có 23,3% phụ nữ từng bị chồng hoặc bạn tình bạo hành, dẫn tới vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với phụ nữ chưa từng bị bạo lực; 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc bị bạo lực; 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay trung tâm hỗ trợ phụ nữ.
Thiệt hại do nạn bạo hành giới cho nền kinh tế ước tính khoảng 1,8% GDP.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng biên chế tại các trung tâm pháp lý của Nhà nước có hạn, nạn nhân bạo lực cơ sở giới không có nghĩa là nạn nhân bạo lực gia đình nên rất khó để trợ giúp do chưa có quy định cụ thể.
Giải pháp ông đưa ra là tận dụng nghĩa vụ trợ giúp pháp lý 8 giờ/năm của hàng chục ngàn luật sư trên cả nước để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; chuyển cuộc gọi tư vấn đến luật sư có chuyên môn; huy động nguồn lực tuyên truyền phòng ngừa bạo lực trẻ em, phụ nữ qua clip, phim ngắn từ các bạn học sinh, sinh viên…
Nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất "nóng" được đưa ra tại cuộc họp - Ảnh: HÀ QUÂN
Còn đại diện Bộ Tư pháp chia sẻ Luật bình đẳng giới 2006 chưa thể sửa đổi, một phần nguyên nhân là định nghĩa "định kiến giới", "phân biệt đối xử", "bạo lực trên cơ sở giới"… chưa rõ ràng.
Vị này nhấn mạnh việc sửa đổi Luật bình đẳng giới đặc biệt quan trọng khi nhiều quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng còn tình trạng khắc sâu vai trò giới, định kiến giới như nấu ăn thì luôn là vợ; phụ nữ giặt quần áo, lau nhà chứ không phải đàn ông…
Đại diện Bộ Công an cho hay Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) đang thí điểm và nhân rộng mô hình phòng điều tra thân thiện để nạn nhân là phụ nữ, trẻ em cảm thấy thoải mái, giải tỏa tâm lý, thay vì phải chia sẻ tại cơ quan công an như đối tượng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận