12/03/2020 05:50 GMT+7

Xe tải dưới 1,5 tấn không còn là 'xe con'

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con như quy định hiện hành.

Xe tải dưới 1,5 tấn không còn là xe con - Ảnh 1.

Quy chuẩn 41:2019 không buộc những đường mà mỗi chiều có 2 làn xe chạy trở lên phải gắn biển báo hiệu lên giá long môn hoặc cột cần vươn như quy định hiện hành - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Cụ thể, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT quy định ôtô con (hay còn gọi là xe con) là ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả chỗ người lái.

Xe bán tải (xe pick-up), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.

Còn ôtô tải (hay còn gọi là xe tải) là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa bao gồm cả ôtô đầu kéo, ôtô kéo rơmoóc và các loại như xe pick-up, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên.

Trong khi đó quy chuẩn 41:2016/BGTVT hiện hành quy định ôtô con là: xe để chở người không quá 9 chỗ ngồi, kể cả lái xe hoặc ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn; ôtô con bao gồm các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn. Xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống được xem là xe con.

Còn ôtô tải là ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở lên.

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội từng kiến nghị phải điều chỉnh lại quy định xe tải dưới 1,5 tấn là xe con vì dễ làm giao thông nội đô Hà Nội hỗn loạn… Việc xem xe tải dưới 1,5 tấn là xe con gây những khó khăn về quản lý hoạt động xe tải dưới 1,5 tấn nhất là ở những đô thị cấm xe tải đi vào nội đô theo giờ, theo đường như Hà Nội.

Quy chuẩn 41:2019/BGTVT quy định: tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp. Quy định này không có sự khác biệt với quy định hiện hành.

Trong khi đó, khi nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1-8-2016 và nghị định 100 hiện hành ( thay thế nghị định 46) chỉ quy định mức phạt với hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Quy định này khiến dư luận từng tranh cãi vào năm 2016 về mức xử phạt vượt đèn vàng bằng với mức phạt vượt đèn đỏ.

Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định về vị trí đặt biển báo hiệu giao thông trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn (khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường) hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.

Tuy nhiên, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT đã bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên đường có mỗi chiều chạy xe từ 2 làn trở lên như quốc lộ 1. Theo đó, quy chuẩn quy định biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.

Việc không buộc đặt biển đặt biển báo trên giá long môn hay cột cần vươn đường có mỗi chiều chạy xe từ 2 làn trở lên sẽ không gây nhiều tranh cãi giữa lái xe với cảnh sát giao thông như trong thời gian vừa qua. Bởi vì, có tài xế cho rằng những đường có mỗi chiều từ 2 làn xe trở lên vẫn cắm biển báo bên phải vệ đường, chưa treo lên giá long môn hay cần vươn và không đặt thêm biển báo phía bên trái chiều xe chạy như quy chuẩn quy định thì không xử phạt tài xế.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc không buộc đặt biển báo trên cột cần vươn hay giá long môn là sự "thụt lùi" của quy chuẩn 41:2019/BGTVT so với quy chuẩn 41:2016/BGTVT. Bởi vì, với biển cắm bên đường có chiều cao từ 1,8-2 m như hiện nay thường bị xe tải, xe khách loại lớn đi sát làn đường bên phải che lấp khiến xe phía sau không nhìn thấy. Bên cạnh đó, ở nhiều khu dân cư đông đúc, biển báo cắm ở vệ đường dễ bị lẫn vào màu sắc của nhà cửa, biển hiệu quảng cáo nên khó phát hiện.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên