17/06/2024 06:04 GMT+7

Xe ôm truyền thống lay lắt kiếm sống qua ngày

"Cỡ gần chục năm trở lại đây, dân xe ôm truyền thống như tụi tui xuống dốc và bây giờ thì "thở oxy" thiệt luôn rồi", người chạy xe ôm già thở dài như át cả làn gió trên đường đêm.

Mắt đã yếu, ông Anh Kiệt phải mãi mới thối được tiền

Mắt đã yếu, ông Anh Kiệt phải mãi mới thối được tiền

Hơn 23h khuya, đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) vốn đông đúc nhưng lúc này đã thưa thớt xe cộ. Người chạy xe ôm già trên đường về nhà sau một ngày mòn mỏi tìm khách vẫn cố rà xe thật chậm để xem còn ai gọi mình. 16 tiếng làm việc đã trôi qua, ông mới chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng, chưa đủ trang trải cuộc sống...

Người đàn ông đó là Lê Anh Kiệt, 60 tuổi, đã có "đời xe ôm" đến 40 năm dài. Khi nghe hỏi sao không đăng ký app xe công nghệ để nhiều khách hơn, ông chẳng ngại trả lời ngay: "Tôi không biết xài app iếc gì cả, bấm bấm quẹt quẹt rắc rối quá, thôi cứ chạy truyền thống như bao năm nay quen rồi, không thay đổi được".

Tụi trẻ mới vào nghề giờ không chạy xe ôm truyền thống nữa đâu, nếu họ chọn nghề này thì chọn hãng xe công nghệ hết. Chỉ có tụi tôi già cả còn chạy được ngày nào hay ngày đó.

Ông Bảy Hiệp

Quen rồi, không thay đổi được

Đường phố về khuya, mưa rải hạt lất phất. Thấy tôi vẫy xe bên đường, người chạy xe ôm già Lê Anh Kiệt tấp vào hè và vội vã hỏi tôi về đâu. Khi nghe nói về gần cầu Thị Nghè, ông mừng rỡ ra mặt: "Cho tôi xin trăm ngàn đồng nghe, từ đây lên đó cũng xa lắm chú".

Tôi thử nói từng đi xe ôm công nghệ đoạn này có giá rẻ hơn, gương mặt người lái xe ôm già đã nhàu nhĩ nét thời gian như chùng xuống: "Giờ này gần nửa đêm rồi chú ơi, trời lại mưa, chú thương thì đi giúp". Tôi ái ngại nói chỉ hỏi vậy thôi chứ không đòi giảm giá đâu, và nếu chạy cẩn thận sẽ còn tặng thêm tiền cho ông ăn khuya lót lòng.

Đến khi leo lên yên sau xe, tôi lại tiếp tục trải nghiệm sự cũ kỹ của người chạy xe ôm này. Trong khi giới xe ôm công nghệ hiện nay đã vèo vèo những chiếc tay ga đời mới lên đến 150 - 160 phân khối, thậm chí xe điện êm ru, thì ông Anh Kiệt vẫn đang sử dụng chiếc xe "dream Tàu" phải có tuổi trên 20 năm.

Như hiểu cảm giác tôi e ngại khi phải ngồi trên chiếc xe quá cũ kỹ và "run bần bật" mỗi khi tăng ga, người lái xe ôm già trấn an: "Thấy vậy chớ xe còn cứng lắm, chú yên tâm. Tôi cưng chiến mã này như con. Cần câu cơm của mình mà, hơi hư hỏng gì là tôi sửa liền nên mới được vậy". Tôi nhịn cười nhắc ông chạy chầm chậm vì không muốn mình cũng... run rẩy theo chiếc xe của ông.

Trời mưa lâm râm, đường phố thưa thớt xe cộ, người lái xe ôm già thật thà tâm sự nhà mình ở trong hẻm đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận). Vợ ông đi bán vé số ngày được gần 200 tờ. Họ có một người con đang làm bảo vệ, còn ông thì đã chạy xe ôm tới Tết này là tròn 40 năm.

"Chú thấy có mấy người trung thành với nghề cưỡi chiến mã sắt như tôi không? Từ năm 1985 tôi đã chạy xe ôm kiếm cơm rồi. Mà hồi đó có xe máy chạy là bảnh lắm nghen, cái thời ngay thành phố này nhiều người vẫn còn còng lưng đạp xích lô mà".

Ông Kiệt kể một thời gian rất dài những người lái xe ôm truyền thống như ông "sống được". Ai lanh lợi có nhiều mối ruột đi chợ hay giao nhận hàng thì cũng "dư dư chút đỉnh nếu biết dành dụm, không sa đà ăn nhậu quá mức". Số tiền bòn mót có thể đắp đổi tạm nuôi được một, hai người con học trường công, hoặc để dành lên đời cái xe máy khá hơn chút.

Đây là khoảng những năm nửa cuối thập niên 1990 sang thập niên 2000. Cứ ra đường là thấy xe ôm truyền thống. Họ đậu đầy ở đầu chợ, bến xe, ngã tư, vỉa hè, quán xá... Giá cả cuốc xe thì tài xế cứ nói miệng và khách thì cứ kinh nghiệm từng trải mà chịu đi hay không. Không có tài xế nào "móc túi" được mấy bà đi chợ quá rành giá xe ôm. Thỉnh thoảng họ hét giá được là nhắm vào mấy khách năm thì mười họa mới đi xe này như du khách, Việt kiều về nước.

"Cỡ gần chục năm trở lại đây, dân xe ôm truyền thống như tụi tui xuống dốc và bây giờ thì "thở oxy" thiệt luôn rồi", người chạy xe ôm già thở dài như át cả làn gió trên đường đêm.

Và thật lạ là ông không hề biết gì về công nghệ, về app để đành phải cam phận chạy xe ôm cũ kỹ mãi như xưa, nhưng lại biết lý lẽ: "Nhất là kể từ hồi dịch năm 2020, dân mình ngồi nhà chuyện gì cũng nhắn xe công nghệ nên tụi tôi càng ngày càng vắng khách. Cả ngày ngồi dài cổ đợi, họa hoằn lắm mới có ông già bà lão vẫy xe".

Không dám nói mình ước lượng chính xác, nhưng ông Anh Kiệt áng chừng thời nay lượng xe công nghệ các hãng phải "nhiều gấp trăm lần xe ôm truyền thống, cứ nhìn ra đường thì rõ".

Bạn bè ông Kiệt hơn chục người mưu sinh bằng nghề xe ôm truyền thống, nhưng giờ chỉ còn mình ông. Người lớn tuổi thì nghỉ nghề vì ế ẩm, không đủ sống. Mấy người trẻ hơn thì chuyển qua chạy app công nghệ.

Cuốc xe ôm may mắn lúc gần nửa đêm của ông Anh Kiệt - Ảnh: MẠNH DŨNG

Cuốc xe ôm may mắn lúc gần nửa đêm của ông Anh Kiệt - Ảnh: MẠNH DŨNG

Những cuốc xe cuối cùng

Những ngày đi viết bài này, tôi cũng nghe nhiều tâm sự như ông Anh Kiệt. Trên con đường nhỏ hun hút Đoàn Văn Bơ (quận 4), ông Trần Lê Khánh cũng kể có ngày mình ngồi đợi suốt từ 5h sáng đến 22h mà chỉ có một người khách vẫy xe.

"Bà cụ đi chùa gần nhà ngay trong quận, giá chỉ có 30.000 đồng mà còn bị chê lấy mắc", ông Khánh kể thêm nhiều ngày thế này không kiếm nổi tiền mua đĩa cơm bụi.

Người đàn ông ở tuổi 57 kể giờ chạy xe ôm truyền thống chỉ là trông may rủi. Thỉnh thoảng hôm nào hên lắm thì được 200.000 - 300.000 đồng chưa trừ xăng nhớt, còn bình thường kiếm 100.000 - 200.000 đồng đã khó.

"Kiếm khách trẻ chịu lên yên xe ôm truyền thống giờ khó như trúng số", ông Khánh tếu táo mà mặt méo xẹo.

Gần 30 năm trước, ông nghỉ làm công nhân bốc vác ở cảng Sài Gòn ra chạy xe ôm vì không đủ sức khỏe, cũng như muốn tự do thời gian kiếm sống. Bây giờ thật sự nghề gió bụi không đủ nuôi sống mỗi bản thân, nhưng ông vẫn chưa rời được tay lái.

Ông tâm sự: "Cũng có người khuyên tôi đăng ký app chạy xe công nghệ, nhưng tôi già rồi, chắc không thể nhanh nhẹn bằng tụi trẻ. Mà cũng còn vài mối người già quen trong xóm, thôi ráng chạy vài năm nữa...".

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, một bà chắc chừng gần 70 tuổi đến nhờ ông chở ra chợ Xóm Chiếu. Ông nói 15.000 đồng, bà cho luôn 20.000 đồng, đây là mối quen lâu năm của ông.

Buổi tối trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), ông Bảy Hiệp đã gần 70 tuổi cũng đang lảo rảo tìm khách muộn khi đồng hồ đã chỉ gần 22h. Nghe tôi đi cuốc xe về chợ Gò Vấp, mắt ông như sáng lên với giá 120.000 đồng. Tôi cũng chẳng nỡ hỏi lại giá khi thấy trên đầu xe ông treo bịch hủ tiếu gõ mua về cho vợ.

"Bả bị tai biến 5 năm nay. Tôi chỉ biết ráng ngày nào hay ngày đó. Đường đêm đã thưa người xe nhưng ông vẫn chạy thật chậm, hình như mắt ông đã mờ lắm rồi...

Gói hủ tiếu người chạy xe ôm già mua về cho vợ bị bệnh

Gói hủ tiếu người chạy xe ôm già mua về cho vợ bị bệnh

Theo một số khách hay đi xe ôm công nghệ, lý do đầu tiên khiến họ không chọn xe ôm truyền thống là xe công nghệ tiện hơn, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại và chờ ít phút là xe tới tận cửa đón. Lý do thứ hai là giá cả hiển thị rõ ràng, đồng ý thì đi, không sợ phải nói đi nói lại hay bị hớ như xe truyền thống. Thêm một lý do nữa là hãng xe công nghệ có quy định chặt chẽ với tài xế, hiếm khi xảy ra chuyện cãi vã, phức tạp với khách.

"Có những bác lớn tuổi chạy xe ôm truyền thống rất dễ thương, biết chiều khách, nhưng cũng có những người rất "lung tung" nên tôi và gia đình bây giờ cứ gọi xe công nghệ mà đi cho yên tâm" - chị Hoàng Thảo, ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp, nói.

Xe ôm truyền thống lay lắt kiếm sống qua ngày- Ảnh 5.'Xe ôm công nghệ' ở miền Tây

Những năm gần đây, không chỉ phát triển vũ bão ở các đô thị lớn, 'xe ôm công nghệ' còn ăn nên làm ra ở các tỉnh miền Tây sông nước, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương không phải tha hương làm công nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên