05/08/2007 08:10 GMT+7

Xe ôm trên đất Thái

VŨ BÌNH - DUY BÌNH
VŨ BÌNH - DUY BÌNH

TT - Nếu ai yếu tim mà lỡ một lần đi xe ôm ở Bangkok thì chắc chắn phải toát mồ hôi hột. Vừa ngồi lên xe, khách được tài xế phát cho một cái mũ bảo hiểm và bắt đầu cuộc đua... tốc độ.

xF8hdiav.jpgPhóng to

Kẹt xe thường xuyên nên xe ôm được ưa chuộng vì cơ động. Mỗi tháng cánh xe ôm kiếm được khoảng 500 USD - Ảnh: V.B.

TT - Nếu ai yếu tim mà lỡ một lần đi xe ôm ở Bangkok thì chắc chắn phải toát mồ hôi hột. Vừa ngồi lên xe, khách được tài xế phát cho một cái mũ bảo hiểm và bắt đầu cuộc đua... tốc độ.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Với vận tốc thấp nhất cũng phải 60-70km đến 100km/giờ, các tài xế xe ôm chở khách len lỏi, luồn lách giữa hai làn đường ôtô cao tốc ngược chiều dày đặc xe đang phóng ào ạt. Nhiều tài xế xe ôm phóng cả vào làn đường ngược chiều, chen lấn với ôtô để đi cho kịp... tốc độ.

Thỉnh thoảng những chiếc xe ôm chạy với tốc độ cao lại như nhảy chồm lên, bốc cả đầu xe, người ngồi trên xe như như muốn văng ra khỏi xe khi tài xế lách vội giữa hai làn ôtô chạy sát cạnh với vận tốc cao không kém hoặc thắng gấp vì đèn đỏ.

“Nhiều tuyến đường ở TP không cho xe lưu thông chậm hơn 60km/giờ. Những lúc cao điểm, khách có việc gấp, bọn tôi chạy với vận tốc trên dưới 120km/giờ. Chạy vận tốc cao quen rồi” - Chok, tài xế của tôi, nói khi tăng ga, chiếc xe lao vút về phía trước.

Lịch thiệp và chuyên nghiệp

Xe ôm bùng nổ

Thinakorn, tài xế xe ôm cạnh khu vực ga tàu điện ngầm Hua Lambong, nói tám năm anh hành nghề xe ôm ở Bangkok nhưng chưa bao giờ xe ôm nở rộ như hiện nay. Ba, bốn năm trở lại đây, lượng người hành nghề xe ôm ở Bangkok cũng tăng vọt theo nhu cầu của khách. Trước đây chỉ có khoảng 1.000 người làm nghề này thì nay con số này tăng gần gấp đôi. Mỗi ngày Thinakorn chạy ít nhất cũng hơn chục chuyến.

Rất dễ nhận ra đội quân xe ôm chuyên nghiệp của Thái trên đường phố các khu trung tâm ở thủ đô Bangkok: những nhóm người mặc áo đồng phục vàng, sau lưng có đánh số, ngồi trên xe hai bánh rất trật tự theo từng hàng.

Xomchit, anh tài xế xe ôm đón khách ở cạnh khu mua sắm sầm uất Siam, cho biết lực lượng chạy xe ôm ở Bangkok có những qui định quản lý rất cụ thể và rõ ràng được chính quyền TP qui định. Đây được xem như là “luật” dành riêng cho giới xe ôm mà bất kỳ ai muốn hành nghề này đều phải tuân thủ.

Khách muốn đi xe ôm phải theo thứ tự, người đến trước đi trước và giá cả thống nhất chứ không có cảnh mặc cả giữa khách và cánh tài xế. Ngay cả cánh xe ôm với nhau cũng vậy, mỗi người phải đợi đến lượt mình thì mới nhận chở khách. Chúng tôi chọn hai tài xế đang xếp giữa hàng thì nhận ngay những cái lắc đầu từ chối. Họ bảo đến phiên đồng nghiệp của họ.

Tất cả tài xế xe ôm ở cả thành phố không phải đóng thuế hay bất kỳ một khoản lệ phí bến bãi nào nhưng đều phải đăng ký hành nghề. Hằng tháng, các tài xế xe ôm được tập huấn về luật giao thông và kiểm tra tay nghề. Tuyệt đối không được đón khách dọc đường. Nếu vi phạm những qui định trên có thể bị cảnh sát lập biên bản, tịch thu xe ngay lập tức.

Chạy xe ôm ở Thái Lan đang được xem là một nghề thu nhập tương đối cao. Khách du lịch nước ngoài thích chọn xe ôm ở Bangkok không chỉ tránh được nạn kẹt xe mà còn có dịp nhìn thấy cận cảnh bộ mặt phố phường và... thử cảm giác mạnh.

Nuôi được vợ con

Xomchit nói dù lượng ôtô cá nhân ở Thái Lan ngày càng nhiều nhưng không vì thế mà nghề xe ôm bị “chết”. Ở Bangkok, tình trạng kẹt xe diễn ra hằng ngày khiến xe ôm trở thành phương tiện đi lại hữu hiệu nhất, cơ động trong khi các loại ôtô, xe buýt, xe taxi, xe tuk-tuk... phải nằm ì chịu trận vài giờ. “Nếu như trước đây khách hàng chủ yếu là các bà nội trợ thì hiện nay có cả công chức, sinh viên, học sinh... chọn xe ôm là phương tiện đi lại” - anh nói.

Người dân Bangkok không chỉ chọn xe ôm là phương tiện đi công việc, đi học, đến công sở mà cả đi mua sắm trong TP, khám bệnh, thậm chí đi sinh người ta cũng cần đến xe ôm. Xomchit kể rằng do nạn kẹt xe trầm trọng diễn ra thường xuyên nên đã không ít trường hợp phụ nữ ở Bangkok phải sinh trên ôtô khi đang di chuyển đến bệnh viện. Do vậy, thời gian gần đây cánh tài xế xe ôm nhận được thêm nhiều cuốc xe đặt hàng chở các bà bầu đi sinh nở.

Mỗi tháng Thinakorn, Xomchit kiếm được 1.500-2.000 baht (khoảng 500 USD) sau khi trừ chi phí. Khá nhiều tài xế xe ôm khi được hỏi vì sao chọn nghề này đều trả lời vì có thu nhập khá và yêu thích công việc tự do, thoải mái và đầy... cảm giác này. Saisorn, người bạn đồng nghiệp của Thinakorn, nói anh mới chạy xe ôm được ba năm nay. Trước đây từng tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thực phẩm, đang là nhân viên một công ty thực phẩm ở Bangkok nhưng thu nhập hằng tháng thấp hơn rất nhiều so với công việc mới này, lại bị bó buộc giờ giấc, khuôn khổ. Từ ngày quyết định chọn nghề chạy xe ôm, cuộc sống anh có vẻ khấm khá hơn trước vì thu nhập tương đối cao và ổn định.

Thu nhập từ nghề xe ôm đủ để Saisorn cùng vợ là nhân viên của một siêu thị đủ trang trải nuôi ba đứa con nhỏ ăn học và tích lũy chút đỉnh. Saisorn nói nhiều đồng nghiệp của anh cũng có cuộc sống ổn định, lo được cho cả gia đình nhờ chạy xe ôm.

“Trong cánh tài xế xe ôm ở Bangkok có khá nhiều người trình độ cao, đang là công chức, nhân viên các hãng, sở nhưng lại bỏ ra chạy xe ôm chuyên nghiệp vì muốn cải thiện thu nhập và không bị ràng buộc, quản lý. Xe ôm đang là một nghề ăn nên làm ra ở xứ sở du lịch này” - Saisorn đầy tự hào tuyên bố trước khi chụp mũ bảo hiểm lên đầu, rồ ga chở khách phóng vọt đi như tên bắn giữa những dòng ôtô nhộn nhịp.

VŨ BÌNH - DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên