Một pha dàn xếp "xe lửa tình yêu" trong trận gặp Croatia - Thực hiện: CƠ AN
Bài đá phạt này được áp dụng nhiều lần trong trận gặp Croatia - Ảnh: REUTERS.
Nếu dõi theo đầy đủ các trận đấu của tuyển Anh ở vòng đấu loại trực tiếp, bạn sẽ không thấy xa lạ với hình ảnh này: 4 cầu thủ Anh đứng xếp thành một hàng dọc trong vòng cấm địa đối phương khi chuẩn bị đón quả đá phạt, đặc biệt là phạt góc, của đồng đội.
Hành trình của tuyển Anh ở World Cup 2018 in đậm dấu ấn của những pha bóng chết. 9 trong số 12 bàn thắng của họ đến từ những tình huống bóng chết, và đó không hề là may mắn.
Khả năng không chiến cực tốt của các cầu thủ Anh, kết hợp với hàng loạt chiến thuật phối hợp, di chuyển, nhử mồi đối thủ của HLV Southgate đã tạo nên miếng đánh "Xe lửa tình yêu" gây ấn tượng mạnh tại World Cup 2018.
Cận cảnh "xe lửa tình yêu" - Thực hiện: CƠ AN
Chắc hẳn người hâm mộ chưa bao giờ nhìn thấy kiểu cầu thủ đứng thành một hàng dọc như vậy trong các kỳ World Cup. Đó thật ra không phải phát minh của Southgate, mà là sản phẩm chiến thuật của CLB Lincoln City hiện đang thi đấu ở… Giải hạng ba nước Anh được dẫn dắt bởi HLV Danny Cowley.
Lincoln City đã áp dụng kiểu di chuyển đón bóng phạt góc này trong suốt 2 năm qua và gặt hái khá nhiều thành công. Tuy vậy, vẫn chẳng ai chú ý đến nó cho đến khi Southgate quyết định học theo và áp dụng ở World Cup 2018.
Cái tên "Xe lửa tình yêu" do chính HLV kỳ cựu người Anh Glenn Hoddle đặt trong một buổi bình luận trên truyền hình, và đang trở thành một cụm từ gây sốt ở World Cup 2018.
Henderson thường sắm vai đầu tàu trong "xe lửa tình yêu" - Ảnh: REUTERS.
Pha làm bàn của Maguire trong trận gặp Thụy Điển cũng đến từ bài đá này - Thực hiện: CƠ AN
Tuyển Anh bắt đầu sử dụng bài đá phạt này nhiều hơn từ vòng 16 đội, và họ gặt hái thành công rõ rệt với pha làm bàn của Harry Maguire trong trận thắng Thụy Điển. Ở trận gặp Croatia, "xe lửa tình yêu" suýt nữa lập công với quả đánh đầu của John Stones trong hiệp phụ thứ nhất. Bóng đã bay qua tầm với thủ thành Subasic nhưng rồi bị hậu vệ Croatia cản phá kịp thời trước vạch vôi.
"Thật tuyệt vời khi thấy tuyển Anh sử dụng những ý tưởng khác nhau. Jordan Henderson đảm nhiệm trọng trách lớn nhất trong phần đông các pha bóng này của tuyển Anh" - trợ lý HLV Nicky Cowley của Lincoln City - cha đẻ của bài đá phạt này nhận xét.
Còn theo HLV Hoddle, các cầu thủ Anh sẽ trở nên khó kèm hơn nhiều với cách thức di chuyển này. 4 cầu thủ xếp thành hàng dọc của họ sẽ bủa ra di chuyển về nhiều hướng, làm nhiễu loạn hàng thủ đối phương khi bóng được phất vào vòng cấm địa.
Trong phần nhiều các tình huống, tiền vệ Jordan Henderson là người đảm nhiệm vị trí "đầu tàu", những người còn lại trong "chuyến xe lửa" có thể là Harry Kane và những trung vệ cao to.
Tiếc rằng, chuyến "xe lửa tình yêu" đã không thể đưa Tam Sư đi đến ga cuối cùng của World Cup 2018. Dù vậy, "xe lửa tình yêu" đã để lại một dấu ấn lớn tại kỳ World Cup trên đất Nga và sẽ còn được nhắc lại nhiều lần nữa, mỗi khi thế giới hướng về một kỳ World Cup.
HLV Southgate rất chịu khó học hỏi - Ảnh: TALK SPORT
Không chỉ có "xe lửa tình yêu", HLV Southgate còn rất chịu khó học hỏi cách thức di chuyển của các cầu thủ bóng rổ cũng như bóng bầu dục.
Đài Talk Sport cho biết hồi đầu năm nay, ông Southgate đã sang Mỹ để theo học vài buổi đào tạo HLV bóng bầu dục. Ngoài ra ông còn xem nhiều trận đấu ở Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ để học hỏi cách thức những cầu thủ bóng rổ tạo ra không gian di chuyển khi bị kèm chặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận