Tuyển Anh trẻ thì có trẻ nhưng quá thiếu bản sắc
Ở Wimbledon, tức là ở Anh, Nadal phải tranh vé chung kết với Nole còn nhánh bên kia, Anderson và Isner, hai tay vợt vô danh tranh nhau vé chung kết.
Hai cặp bán kết Wimbledon ấy chả khác gì nhiều hai cặp bán kết World Cup cả. Khi mà Bỉ và Pháp vất vả đối chọi nhau để cuối cùng Pháp vào chung kết lần thứ 3 kể từ 1998 thì ở phía này, Anh và Croatia so kè.
Điểm khác duy nhất: Anh và Croatia dù sao cũng là thương hiệu trong bóng đá còn Isner và Anderson thì chẳng có chút thương hiệu tầm vóc nào (tính đến lúc này) ở làng quần vợt.
Còn lại, họ giống nhau ở chỗ: một cặp hạng ruồi trong thể thao không hơn không kém.
Người ta khen tuyển Anh nhiều lắm, sau những chiến thắng giòn giã từ đầu giải. Họ khen mà quên rằng đối thủ của Anh thực sự không mạnh. Gặp được đối thủ tương đối (Columbia) thì ngôi sao sáng nhất của đối thủ là James Rodriguez lại ngồi ngoài.
Trận bán kết đã trả Anh về với họ đích thực: một đội tuyển chơi lối chơi cổ lỗ sĩ và chắp vá.
Người ta cũng khen Croatia nhiều lắm. Thậm chí họ kỳ vọng Croatia rất nhiều. Nhưng hoá ra chiến thắng của Croatia trước Argentina chỉ là hào quang giả tạo bởi Argentina năm nay cũng lủng củng nhiều.
Nhưng ít ra Croatia còn hơn người Anh khi bị dẫn trước từ sớm mà vẫn vươn lên dẫn lên 2-1 bất chấp trước đó Croatia đã qua hai trận knock-out kéo dài tới luân lưu.
Song Croatia hơn một tuyển Anh có sức mạnh giả cũng bằng một lối chơi không mới. Việc một trong hai bọn họ vào chung kết thực sự là một sự tụt lùi.
Hãy thử nhìn vào tình huống ở phút 107, khi cầu thủ Croatia có cơ hội băng xuống chạy cắt vào vòng cấm từ cánh trái và dứt điểm nguy hiểm. Đó là một pha bóng đẹp, nhưng nó diễn ra được là do người Anh đã không theo sát đối thủ của mình.
1 phút sau, Mandzukic nâng tỷ số lên 2-1 cũng gần như tương tự, dù pha bóng ấy Mandzukic chạy chỗ rất hay. Song, nếu học trò của Southgate không chặt chẽ, chắc gì Mandzukic đã nhận được đường chuyền tuyệt vời đến thế.
Kể ra dẫn chứng ấy, để nhớ lại một câu nói của Marcelo Bielsa, HLV mà Klopp, Pochettino, Pep Guardiola luôn thừa nhận là bậc thầy. Bielsa tuyên ngôn rằng "Kiểm soát bóng là Vua. Nhưng kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất".
Ông đề cao giá trị của kiểm soát bóng, nhưng ông lại là bậc thầy của pressing, một hành vi chiến thuật khi đội nhà không có bóng, với mục tiêu đoạt lại bóng để tổ chức tấn công.
Pressing từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của bóng đá hiện đại.
Nó là một tổ hợp các hành động được lên kế hoạch trước, dựa trên phán đoán đối thủ, dựa trên phối hợp giữa các cá nhân, dựa trên di chuyển tổ hợp… để đoạt lại bóng ngay sau khi vừa mất quyền kiểm soát bóng.
Pressing khiến bóng đá hiện đại tốc độ hơn khi các khoảng không gian bị bóp nghẹt lại. Và nó bào mòn thể lực một cách khủng khiếp. Nhưng nó là chìa khoá của mọi cuộc chiến bóng đá, và dẫn đến chuyện bóng đá hôm nay dễ bị quyết định bởi những tình huống mang tính thời điểm hơn là trận thế tổng quát suốt 90 phút (hay 120 phút) trên sân.
Anh dẫn trước bằng tình huống, khi Croatia pressing không chuẩn xác, dẫn tới phạm lỗi ở cự ly nguy hiểm. Và Anh đã chơi rất tốt ở 30 phút đầu trận, khi Croatia luống cuống, mất cân bằng cự ly.
Nhưng khi Croatia tìm lại được sự bình tĩnh, Anh lại chơi kiểu chơi rất cổ điển. Họ để Croatia có khoảng trống thoải mái xử lý bóng, và họ đã phải trả giá vì thế.
Trong pressing, có 3 nguyên tắc tiên quyết để áp sát giành lại bóng. Thứ nhất, nếu xác định người cầm bóng có kỹ thuật giữ bóng kém. Thứ hai, nếu người sẽ bị áp sát sắp nhận đường chuyền rất khó khống chế. Thứ ba, khi người nhận bóng ở vị trí rất khó xoay xở, xử lý bóng.
Nhưng cả 3 nguyên tắc ấy đã bị người Anh bỏ qua. Đối thủ của họ thể lực bị bào mòn, nhưng người Anh không áp sát kịp thời mỗi khi đối thủ nhận bóng. Để rồi khi họ để Croatia có thời gian xử lý quả bóng, sự chính xác của Croatia sẽ là mũi dao hạ sát người Anh.
Nhưng Croatia cũng chẳng hay hơn. Họ cũng không pressing tốt như vậy. Và Anh cũng có những cơ hội nhưng họ không thể biến nó thành bàn thắng.
Điều đó khiến những cái tên như Kane, Sterling, Lingard cần phải được xem xét lại về giá trị thực và giá trị truyền thông. Sau trận bán kết này, có lẽ Kane khó lòng lọt vào mắt Real Madrid, đội bóng được coi là ước mơ của những ngôi sao.
Người Anh hát mãi câu "It’s coming home" từ đầu giải đến giờ mà không nhớ ý nghĩa thực có còn phù hợp không. EURO 1996, người Anh đã dùng slogan "Football comes home" rồi. Nhưng khi người Trung Quốc giành luôn cái quyền cha đẻ bóng đá; chiếc cúp vàng World Cup cũng không được thiết kế, sản xuất bởi người Anh, World Cup không phải sáng tạo của người Anh thì điều gì trở về nhà đây, ngoài thầy trò Southgate?
Nếu chơi như thế này, ở vào thời 1996, 1998, Anh và Croatia có thể đã vô địch EURO hay World Cup. Nhưng bóng đá hôm nay đã khác. Các nền bóng đá lớn đã khác và trận bán kết vừa rồi cho thấy Anh và Croatia lạc hậu về chiến thuật hơn đối thủ rất nhiều.
Đặc biệt là Anh, một sự lắp ghép tạm bợ giữa hàng thủ kiểu Man City với hàng công kiểu Tottenham đã không cho kết quả, vì nó không bản sắc, không hiện đại, không hiệu dụng. Thế thì mơ gì đến chuyện mang chiếc cúp danh giá về nhà?
Xem xong bán kết 2, chỉ tiếc cho Brazil, Bỉ, hay Uruguay. Chỉ cần 1 trong số họ thay cho Anh hoặc Croatia ở nhánh bên này, có lẽ chung kết sẽ là trong mơ thực sự.
Thôi, World Cup coi như xong. Croatia chơi 360 phút ở vòng 1/8, tứ kết, bán kết coi như chấp Pháp nhiều hơn 1 trận khó có thể làm được điều thần kỳ gì, nhất là khi họ vẫn chơi kiểu bóng đá của đầu thế kỷ 21.
Hẹn trận chung kết trong mơ ở World Cup sau vậy, với điều kiện phân nhánh cũng đừng như năm nay, để một bên toàn siêu sao còn một bên toàn hạng ruồi đúng nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận