Xe máy dày đặc trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp tối 1-3) - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Ông ANDREW CARMICHAEL (người Úc):
Xe công cộng phải nhiều hơn, nhanh hơn
Một trong những vấn đề của TP.HCM và cả Việt Nam về giao thông mà tôi thấy là về hạ tầng. Khi nói đến sử dụng xe công cộng, tôi cho rằng các phương tiện này phải nhiều hơn, nhanh hơn so với hiện nay và hợp túi tiền người dân. Hình dung nếu đi xe buýt mà thời gian đi gấp đôi so với xe máy thì chắc chắn sẽ ít người lựa chọn xe buýt để đi làm.
Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống metro, tàu điện trên không hay ngầm dưới đất, xe buýt... cần rất nhiều tiền và thời gian. Trước mắt, TP.HCM có thể cải tiến tốt hơn trong việc thực thi đúng luật giao thông để lập lại thói quen văn minh, thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe.
Cụ thể, ở những con đường có làn đường riêng cho ôtô và xe máy, hãy đảm bảo xe máy không đi vào làn ôtô và ngược lại. Hãy đảm bảo tất cả các lái xe dù đi loại xe nào cũng không cố tình vượt lên khi đèn đỏ. Khi những điều này được thực thi, tôi nghĩ tình trạng lộn xộn trong giao thông sẽ giảm bớt và qua đó góp phần bớt kẹt xe.
Qua trao đổi, tôi thấy không nhiều người Việt Nam nhìn nhận đi xe buýt là tiện lợi, vì vậy cơ quan chức năng hãy cải thiện xe buýt để thu hút người dân đi xe ngày càng nhiều hơn.
Dù giao thông công cộng ở Úc đã khá tốt, nhưng nhiều người Úc vẫn không dễ từ bỏ thói quen đi xe của mình. Vì vậy, hãy làm cho việc đi xe công cộng trở nên hấp dẫn và cạnh tranh trên nhiều phương diện càng tốt so với việc đi xe cá nhân.
Ở Úc, việc đi chung xe đối với những người đi làm cùng một tuyến đường và sống gần nhau được khuyến khích. Theo tôi, hai người đi xe máy có thể cùng liên kết để đi một đoạn đường đi làm hay đi học là một ý tưởng hay ở Việt Nam.
Ông ANDREW CARMICHAEL
Chị LIVIA PODESTA (người Ý, sống ở Thụy Điển):
Xe công cộng tốt, dân không cần bằng lái xe
Ở Stockholm (Thụy Điển), chính quyền thành phố đã làm việc rất tích cực trong nhiều thập kỷ để tạo ra và phát triển một hệ thống giao thông công cộng lớn, đáng tin cậy và hoạt động 24/7 cho tất cả các ngày trong tuần. Vì vậy sở hữu một chiếc ôtô ở Stockholm là không cần thiết. Đó là chưa nói chính quyền TP đã khiến việc sở hữu và sử dụng ôtô ngày càng tốn kém, với phí cầu đường vào trung tâm, phí đậu xe đắt đỏ... Đây là một quyết định chính trị rõ ràng để gây bất lợi cho việc sử dụng xe cá nhân và thay vào đó, thúc đẩy việc đi xe công cộng và xe đạp. Thành phố đã xây dựng, quản lý và mở rộng một mạng lưới đường dành cho xe đạp để khuyến khích sử dụng xe đạp nhiều hơn.
Ở khía cạnh người dùng, nếu bạn có thể chứng minh cho họ lợi ích rõ ràng rằng đi xe công cộng tiết kiệm thời gian và tiền bạc, họ sẽ thay đổi thói quen, không đi xe cá nhân nữa. Tại các thành phố lớn như Stockholm và Gothenburg, xe công cộng được sử dụng rộng rãi nên nhiều người Thụy Điển sống ở thành phố lớn không cần có bằng lái xe. Khi cần chuyển nhà hay đi xa, họ có thể thuê xe dịch vụ nếu cần.
Chị AUNTIDA VAJRABHAYA (người Thái Lan):
Ủng hộ xe công cộng, nhưng phải hiệu quả
Tình trạng kẹt xe ở Bangkok phải nói là rất tệ, xảy ra hầu như mỗi ngày. Ở Bangkok có nhiều loại xe công cộng, nhưng tiện lợi nhất và đắt đỏ nhất là tàu điện ngầm và tàu điện trên cao. Ngoài ra còn có xe ôm, taxi, xe buýt, xe lam và thuyền. Với những công nhân làm trong các nhà máy, lương tầm 300 baht/ngày (khoảng 200.000 đồng/ngày), họ không thể chọn tàu điện ngầm và tàu điện trên cao được vì loại phương tiện này quá đắt so với thu nhập.
Ở Bangkok, trừ một số đoạn quảng cáo, tuyên truyền trên tivi, chính quyền thành phố không có nhiều hành động thiết thực để khuyến khích người dân dùng xe công cộng. Tôi ủng hộ việc đi xe công cộng. Nếu đi xe công cộng mất 1 giờ, lái xe cá nhân chỉ mất 30 phút, tôi vẫn sẽ chọn xe công cộng nếu có thể đến ngay nơi cần đến. Ngược lại, nếu đi xe công cộng mà phải đổi nhiều xe, nhiều lần, và còn phải đi bộ sau đó thì tôi sẽ không chọn xe này.
Anh FRÉDÉRIC COUTU (người Canada):
Xe buýt cũ kỹ và ngưng hoạt động sớm
Dù đã ở Việt Nam một thời gian khá dài, nhưng tôi chẳng quen biết ai ở đây mà sử dụng xe buýt cả. Theo tôi biết thì rất ít người xem xe buýt là một lựa chọn khi nghĩ đến vấn đề đi lại. Trong khi đó, xe buýt ở Việt Nam nhiều chiếc đã cũ kỹ, bất tiện và ngưng hoạt động quá sớm.
Một nguyên nhân khác có thể là văn hóa. Trong văn hóa của nước các bạn, tôi ít nghe đến khái niệm giao thông công cộng. Đồng thời, nhiều người còn gắn bó với chiếc xe của họ. Tôi biết có những người thật sự thích thú và chăm chút chiếc xe máy của họ, chứ không chỉ đi xe máy vì vấn đề thuận tiện.
Để khuyến khích người dân sử dụng xe công cộng, trước tiên loại hình này phải nhanh và rẻ hơn việc sử dụng xe cá nhân. Như ở Canada, việc đi ôtô vô cùng đắt đỏ một phần vì phí đậu xe quá cao. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng khá đắt. Như ở Montreal, giá xăng khoảng 1,5 đôla Canada (1,12 đôla Mỹ), nhưng đường sá xa nên nếu đi ôtô thì tiền đổ xăng không hề ít.
Tuy nhiên, để người dân sử dụng xe công cộng, chính phủ phải đầu tư không ít tiền. Cụ thể, thành phố Montreal với dân số 1,2 triệu người, phải chi hơn 5 tỉ đôla để chi trả cho việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đưa người dân vào trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, chính phủ nước tôi còn phải đầu tư mạnh vào việc quảng bá, tuyên truyền người dân sử dụng xe công cộng, chứ không thì tiền bỏ ra đầu tư coi như bỏ phí.
Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland):
Nên có cơ chế thu hút tư nhân đầu tư vào giao thông công cộng
Nói đến giao thông công cộng, đất nước tôi nể phục nhất có lẽ là Vương quốc Anh - nơi tôi sinh sống trong một thời gian khá dài. Hệ thống tàu điện ngầm và hệ thống xe buýt của Anh là phương tiện công cộng hiệu quả nhất mà tôi từng biết.
Thực tế cho thấy cách phát triển hệ thống tàu điện ngầm của Anh khác với nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, ban đầu hệ thống này được các công ty tư nhân đầu tư và phải "tranh giành" hành khách. Chính vì vậy hiện nay có những bến xe chỉ cách nhau vài mét và nhờ vậy người dân mới đạt được sự tiện lợi họ muốn có. Có thể nói thành công của tàu điện ngầm tại London là nhờ vào các nguồn vốn đầu tư tư nhân ban đầu.
Để Việt Nam có được hệ thống phương tiện công cộng hiệu quả, cần phải tìm hiểu về giao thông công cộng các nước đi trước, vì nếu đầu tư một số tiền lớn vào việc này nhưng quản lý kém thì sẽ thiếu hiệu quả. Chính phủ cần phải nhìn vào sự thiếu kinh nghiệm của mình trong vấn đề này.
Nhằm giảm lượng xe cá nhân tham gia giao thông, TP.HCM cần phải xây dựng mạng lưới xe công cộng đủ tốt để thay thế xe cá nhân. Tại thời điểm này, tôi thấy thành phố chưa có cơ sở hạ tầng để giải quyết vấn đề xe cá nhân. Đó là chưa nói thành phố hầu như chẳng có bất kỳ phí hay thuế nào cho xe máy vào trung tâm thành phố như London hay Dublin - nơi mà chúng tôi phải trả một khoản phí khá cao để sử dụng xe cá nhân trong giờ cao điểm.
Theo tôi, Chính phủ nên mời chuyên gia từ các nước để tư vấn xây dựng hệ thống xe công cộng sao cho hiệu quả, cũng như tư vấn về vấn đề thu hút người dân sử dụng. Để tránh nạn tham nhũng, độc quyền, cần phải mở rộng thị trường cho các công ty tư nhân tham gia đầu tư xe công cộng. Khi có tư nhân tham gia sẽ có sự cạnh tranh, đảm bảo các công ty luôn cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách.
HÀ MY ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận