05/03/2019 13:37 GMT+7

'Chưa nên bàn cấm xe cá nhân mà phải tạo ra tiện ích tốt hơn'

MAI HOA - QUANG KHẢI
MAI HOA - QUANG KHẢI

TTO - Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong liên quan việc hạn chế xe cá nhân được ông Võ Văn Hoan - chánh văn phòng UBND TP - phát ngôn lại tại buổi họp báo trưa 5-3.

Chưa nên bàn cấm xe cá nhân mà phải tạo ra tiện ích tốt hơn - Ảnh 1.

Đề án hạn chế xe cá nhân hướng tới mục tiêu giảm kẹt xe, tai nạn xe, người dân đi lại thuận tiện hơn - Ảnh: QUANG KHẢI

Tại họp báo sau phiên họp kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM, ông Hoan đề cập đến đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP (được tổ chức phản biện tại MTTQ TP ngày 1-3 vừa rồi).

Chánh văn phòng UBND TP cho hay Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã lưu ý: Đề án trên của một đơn vị tư vấn thực hiện, việc đưa ra lấy ý kiến, phản biện là cần thiết nhưng vấn đề cấm hay không cấm xe lúc này chưa nên đặt ra mà phải bằng nhiều giải pháp khác để tạo ra những tiện ích tốt hơn.

Ông Hoan cũng cho rằng ngành giao thông nên tiếp thu các ý kiến góp ý, đồng thời đặt vấn đề ngược lại với đề xuất đang bàn.

"Giải pháp không thiếu, rất đầy đủ toàn diện, kể cả trước mắt và lâu dài. Chúng ta thảo luận rất nhiều năm rồi, nhưng kẹt xe, ùn tắc nhiều cấp độ khác nhau. Ý kiến cũng còn khác nhau. Thách thức của nhà quản lý là làm sao dung nạp tất cả ý kiến để có một giải pháp khả thi", ông Hoan nhận định.

Chánh văn phòng UBND TP cho rằng đề án được phân tích dưới góc độ chuyên gia và từ góc độ người làm công tác quản lý sẽ khác nhau, cần có sự cân nhắc, nghiên cứu kỹ mới làm.

Chưa nên bàn cấm xe cá nhân mà phải tạo ra tiện ích tốt hơn - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước đó, trao đổi vấn đề này, ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng mục tiêu cao nhất của đề án là giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, việc hạn chế xe cá nhân gồm cả xe máy và ôtô.

Đề án này cũng là một "nhánh" trong tổng thể chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP theo nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh chỉ khi hạ tầng đã đáp ứng và người dân có nhiều lựa chọn hơn thì mới thực hiện hạn chế xe cá nhân. Cách làm là thí điểm những khu vực nhỏ, với lộ trình dài và kế hoạch tổng thể.

Người phụ trách Sở GT-VT mong tiếp tục nhận được các ý kiến phản biện: "Sau hội nghị phản biện ở MTTQ TP, chúng tôi thấy rằng phải thông tin nhiều hơn. Chúng tôi thận trọng, cầu thị, không áp đặt chủ quan, trên cơ sở tham khảo các nước, căn cứ thực tiễn TP". 

"Đề án chỉ triển khai khi cấp thẩm quyền cao nhất phê duyệt và được sự đồng thuận của người dân", ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GT-VT TP.HCM - phát biểu - Video: TỰ TRUNG

Trước đó, tại hội nghị phản biện đề án trên ngày 1-3 tại UBMTTQ TP, đơn vị tư vấn - Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI - thuộc Bộ Giao thông vận tải) - công bố con số 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân trước năm 2030. 

Để tiến tới hạn chế xe cá nhân, đơn vị tư vấn đưa ra hàng chục giải pháp tổng thể đề cập trong đề án như: vận tải hành khách công cộng đáp ứng gần 37% nhu cầu đi lại; phát triển 11 tuyến metro, BRT, nhiều tuyến buýt sông, hệ thống xe đạp công cộng; kiểm soát khí thải… 

Tổng kinh phí thực hiện đề án này dự kiến lên tới 375.410 tỉ đồng.

63% người dân TP.HCM ủng hộ hạn chế xe cá nhân là những ai? 63% người dân TP.HCM ủng hộ hạn chế xe cá nhân là những ai?

TTO - Thông tin 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân trước năm 2030 được công bố mới đây khiến nhiều người thắc mắc việc này được thực hiện như thế nào, đối tượng nào được khảo sát...

MAI HOA - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên