11/08/2018 10:33 GMT+7

TP.HCM sẽ cấm đường, hạn chế xe cá nhân

NGỌC ẨN - THU DUNG
NGỌC ẨN - THU DUNG

TTO - Lần đầu tiên, Sở GTVT TP.HCM trình UBND TP danh sách các tuyến đường, khu vực được đề xuất sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe cá nhân theo một lộ trình từ nay đến năm 2030. Việc đi lại qua khu vực này sẽ do hệ thống giao thông công cộng đảm nhiệm.

TP.HCM sẽ cấm đường, hạn chế xe cá nhân - Ảnh 1.

Theo đề án do Sở GTVT trình UBND TP.HCM, đến năm 2020 sẽ hạn chế xe máy lưu thông giờ cao điểm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ giao lộ Cách Mạng Tháng Tám đến đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nội dung này được Sở Giao thông vận tải (GTVT) trình UBND TP.HCM nêu trong đề án "Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM". Đề án do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thực hiện.

Đến 2030: cấm xe máy ở 4 quận trung tâm

Để kiểm soát xe cá nhân, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đề xuất phương án ngưng hoạt động xe máy tại quận 1, 3, 5, 10 vào năm 2030.

Lý do lựa chọn phương án này là quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực trung tâm hạn chế, xe máy làm hạn chế phát huy hệ thống giao thông công cộng. 

Hiện khu vực trung tâm có đến 65% đường có bề rộng mặt đường dưới 10m, cấu tạo theo ô bàn cờ với các nút giao thông dày đặc, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trong diện tích đất xây dựng chỉ đạt khoảng 25%, khó có khả năng để xây dựng mới hay mở rộng thêm nữa.

Đề án cũng đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc đỗ xe trong khu vực trung tâm, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo hướng lũy tiến tiền gửi theo giờ và theo khu vực. 

Hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô đến 9 chỗ theo lộ trình như sau: đến năm 2020 tăng lên mức 12%, đến năm 2025 tăng lên mức 15%, sau năm 2030 tăng trên 15%.

Ngoài ra đề án còn đề xuất thu phí "ùn tắc giao thông" vào giờ cao điểm đối với các loại ôtô vào khu vực trung tâm TP.HCM sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Số tiền thu được dùng để phát triển hệ thống giao thông đô thị.

Việc hạn chế hoặc cấm xe triệt để theo lộ trình, đề án đã đề xuất các giải pháp kèm theo (xem đồ họa).

TP.HCM sẽ cấm đường, hạn chế xe cá nhân - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết khi hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và hệ thống vận tải hành khách công cộng đầy đủ sẽ tiến đến hạn chế ôtô cá nhân từ các tỉnh vào TP.HCM. 

Theo đó, buộc ôtô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải vào các bến bãi ở đường vành đai 3 TP dùng phương tiện công cộng vào trung tâm TP. 

Đồng thời sẽ áp dụng biện pháp đấu thầu khống chế số lượng ôtô được đăng ký lưu thông ở TP.HCM.

Xe buýt vẫn là chủ đạo

Trong tờ trình UBND TP.HCM về đề án trên, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT - cho biết vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian này vẫn giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (metro, monorail) hình thành theo quy hoạch (dự kiến đến năm 2030).

Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn là phương thức chủ đạo. 

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống vận tải đa phương thức như xe buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng.

Về giải pháp phát triển xe buýt, viện đề xuất đến năm 2020 xe buýt đáp ứng được 8,9 - 12,2% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM, trong đó đáp ứng 25 - 30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm. 

Để thực hiện điều này cần phát triển thêm 55 - 20 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới xe buýt lên 192 - 255 tuyến với khoảng 4.200 đến hơn 4.800 xe buýt hoạt động.

Viện cũng đề xuất tiêu chí làn đường dành riêng cho xe buýt phải có bề rộng lòng đường từ 6 làn xe trở lên, khi hạn chế xe cá nhân thì giải quyết được đường cho xe công cộng.

TP.HCM sẽ cấm đường, hạn chế xe cá nhân - Ảnh 3.

Các loại xe giao cắt nhau trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, góc Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Đây cũng là đoạn đường được đề xuất hạn chế xe cá nhân trong tương lai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH (ủy viên Ủy ban MTTQ TP):

Cần đầu tư cho xe công cộng

Tại TP.HCM, hầu hết người dân sử dụng xe máy để đi lại sinh hoạt, làm việc...

Nhiều người lao động cần xe máy để đi lại thuận tiện, nhanh chóng. Như vậy, những người này làm sao buộc họ chuyển sang đi xe buýt, xe công cộng được, trong khi hệ thống xe buýt của chúng ta còn chưa phủ rộng được hết mọi ngóc ngách, hệ thống xe còn lạc hậu.

Muốn giải quyết các vấn đề về ùn tắc ở TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng thì phải làm đồng bộ, khoa học và được người dân ủng hộ.

Trước tiên, tạo điều kiện nhiều hơn, tăng nguồn vốn cho ngành xe buýt phát triển. TP.HCM nghiên cứu xây đường trên cao để xe buýt và xe máy đi ở hai con đường khác nhau.

Ở Thượng Hải, chính quyền cũng làm như vậy và giải quyết được nhiều vấn đề giao thông. Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh ở khu vực ngoại thành để hạn chế lượng xe ra vào trung tâm TP.HCM.

* TS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Ôtô là nguyên nhân chính

Nên nghiên cứu việc cấm ôtô con, đây mới là nguyên nhân chính gây kẹt xe. Chỉ cần một ôtô đi sai đã khiến kẹt xe cả một đoạn đường dài.

Riêng việc làm làn đường ưu tiên cho xe buýt để đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, nên cân nhắc mở rộng các tuyến đường trước.

Hiện nay chỉ có vài con đường đủ tiêu chuẩn bề rộng để làm làn đường riêng. Nếu không nghiên cứu kỹ sẽ phản tác dụng, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn.

* Ông NGUYỄN MINH NHỰT (người dân ở Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Cần mạnh dạn thực hiện

Ý tưởng cấm xe cá nhân là phù hợp để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng hiện nay.

Lượng xe máy ở trung tâm hiện rất lớn. Khi quy hoạch lại các cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm, vỉa hè, hạ tầng khu trung tâm tốt thì việc cấm xe cá nhân sẽ hiệu quả.

Lúc đó ai cũng có thể đi làm ở trung tâm bằng tàu điện, xe buýt. Còn xe cá nhân chỉ phục vụ cho việc đi lại ở các quận ngoại thành.

Nên làm thí điểm cấm vài tuyến đường ở các ngày trong tuần, sau đó mở rộng ra khu trung tâm với thời gian dài hơn. Để thay đổi thói quen không hề dễ nhưng nếu mạnh dạn thực hiện chắc chắn sẽ có hiệu quả.

hn-han-che-xe-ca-nhan

Các điểm đỗ xe iParking trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Đây là một trong những giải pháp của Hà Nội để hạn chế xe cá nhân - Ảnh: L.HOÀI

Hà Nội: đã khởi động từ 2017

Tháng 8-2017, UBND TP Hà Nội ký ban hành đề án làm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, chia làm 3 giai đoạn.

* Giai đoạn 2017 - 2018: thực hiện các giải pháp về quản lý xe và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

* Giai đoạn 2017 - 2020: thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng xe và phát triển vận tải hành khách công cộng. Hạn chế xe cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

* Giai đoạn 2017 - 2030: từng bước hạn chế hoạt động của xe cộ trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Giải pháp:

- Từng bước loại dần xe máy cũ; siết hoạt động của taxi ngoại tỉnh, xe Grab... trên địa bàn; xe cung ứng thực phẩm, chở hàng cho siêu thị... chỉ được phép hoạt động vào ban đêm.

- Lần lượt phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

- Xây dựng đề án giao thông thông minh và tiếp tục rà soát điều chỉnh, giờ học, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ nhằm giảm mật độ xe cộ trong giờ cao điểm.

- Biện pháp kinh tế: Ban hành giá giữ xe theo hướng lũy tiến theo giờ, theo khu vực, lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe đi vào.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng; khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, xe buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

LÂM HOÀI

Lấy mô hình các nước để quản lý xe cá nhân ở TP.HCM Lấy mô hình các nước để quản lý xe cá nhân ở TP.HCM

Tại Hội nghị quốc tế giao thông Đông Á (Easts) lần thứ XII mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý xe cá nhân.

NGỌC ẨN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên