Những chiếc xe buýt bị kẹt cứng trong dòng xe máy ùn ứ kéo dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Khảo sát “Ra đường sợ nhất “hung thần” xe buýt” trên Tuổi Trẻ ngày 4-1 phản ánh ý kiến của chỉ 80 người, nhưng một số chuyên gia nhận thấy bài viết càng gióng thêm hồi chuông cảnh báo nỗi ám ảnh mang tên xe buýt.
* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):
Cần giải quyết rốt ráo
Chúng tôi cho rằng người quản lý xe buýt ở TP.HCM phải quan tâm giải quyết rốt ráo tình trạng xe buýt chạy giành đường lấn tuyến (rà, rút so với biểu đồ chạy xe đã công bố) và rước khách vô tội vạ (dừng không đúng chỗ, đậu không đúng nơi) thật sự gây bức xúc cho dư luận.
Giải pháp chúng tôi đề nghị là lực lượng kiểm tra trên đường (gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đội kiểm tra của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, lực lượng kiểm tra nội bộ của các doanh nghiệp - hợp tác xã) cần nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm.
Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP cần tăng cao mức phạt theo hợp đồng với những hành vi thường xuyên vi phạm... Chính quyền TP tái lập và mở rộng quyền ưu tiên cho xe buýt, để xe buýt không còn “bơi” trong dòng xe trên đường phố...
* Ông Đậu An Phúc (giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM):
Con số thật đáng buồn
Nhóm khảo sát báo Tuổi Trẻ ghi nhận tình trạng 91,3% xe buýt rú còi, chèn ép các xe nhỏ, một con số đáng buồn. Lâu nay phản ảnh của người dân về những bất cập của xe buýt, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP luôn tiếp thu và khắc phục.
Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, tiếp viên xe buýt. Nhưng chỉ số hài lòng của người dân chưa thay đổi, bản thân chúng tôi không hài lòng về chất lượng dịch vụ, về hạ tầng phục vụ của xe buýt với người dân.
Những năm qua TP đầu tư, phát triển đưa vào khai thác rất nhiều công trình cầu đường bộ, song tốc độ tăng trưởng dân số, phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh, hệ thống hạ tầng giao thông không thể đáp ứng sự quá tải này.
Vậy, làm thế nào thay đổi hình ảnh của "hung thần" để người dân an tâm hơn khi đi đường, hài lòng hơn khi đi phương tiện vận tải hành khách công cộng? Phải chăng là cần có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt?
Cũng như thêm nhiều giải pháp: đầu tư mới phương tiện phù hợp với diện tích giao thông đô thị; tăng tiện ích phục vụ hành khách; áp dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát điều hành để theo dõi và quản lý tốt chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh dịch vụ đưa rước học sinh, sinh viên, đưa rước nhân viên, công nhân, người lao động.
* Bà Lê Thị Khanh (44 tuổi, nội trợ, P.25, Q.Bình Thạnh):
Ra đường là thấy bất an
Mỗi ngày ra đường tôi đều nơm nớp lo sợ. Sợ nhất là xe buýt bởi sự ra vô bất ngờ khi đón trả khách. Các bác tài xe buýt lại tranh giành khách với nhau. Tiếng còi xe buýt rất kinh khủng, nghe rất chói tai, gặp người bị yếu tim thì tiếng còi xe buýt cũng đủ để người ta sợ mà tự té.
Các tài xế taxi bây giờ cũng chạy rất ẩu, tấp vô đón khách đột ngột, đèn xinhan chỉ bật cho có. Xe chở vật liệu xây dựng thì không che chắn cẩn thận, nhiều lúc làm rơi vãi đất đá xuống đường.
Chưa kể các thanh niên hay phóng xe với tốc độ cao rồi rú ga, hú hét trên đường... Dù cảnh sát giao thông có tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng quan trọng nhất là ý thức của người chạy xe, nhiều người phóng nhanh, vượt ẩu, xem thường tính mạng của chính mình và người khác.
* Đội trưởng đội cảnh sát giao thông của một quận ở TP.HCM:
Sẽ xử phạt nghiêm
Tình trạng xe buýt chạy bát nháo trên các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP là vấn đề bức xúc của người đi đường, đồng thời gây nên tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Các tài xế xe buýt chủ yếu vi phạm các lỗi như chạy lấn tuyến, dừng đỗ, đón trả khách sai nơi quy định hoặc đón trả khách cách xa lề đường.
Một lỗi phổ biến ở các tài xế xe buýt là dừng đón, trả khách không đúng vạch sơn quy định, nhiều tài xế cho xe dừng cách vạch sơn quy định đến 1-2m.
Tuy nhiên, lỗi nguy hiểm nhất cho hành khách mà các tài xế xe buýt thường vi phạm đó là khi tấp xe vào lề đón, trả khách nhưng tài xế không thắng xe dừng hẳn, mà để xe chạy rà rà và mở cửa để khách tự nhảy lên, xuống xe một cách gấp gáp.
Việc này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn. Vì vậy đối với các lỗi vi phạm này, lực lượng giao thông khi phát hiện sẽ xử phạt rất nghiêm.
* Luật sư Trương Thị Thu Hà (Đoàn luật sư TP.HCM): Tình trạng phổ biến Nếu gọi xe buýt là “hung thần” đường phố thì không oan gì, nhưng nếu đánh đồng cho tất cả thì không nên. Bởi cũng có tài xế rất nghiêm chỉnh theo đúng quy định pháp luật. Công bằng mà nói, hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, bất thình lình chuyển làn, rú còi, chèn ép người đi đường khi cần tấp vào bến, lạng lách là khá phổ biến. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt. Trong trường hợp người lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì tùy trường hợp cụ thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo điều 202 Bộ luật hình sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận