21/05/2023 11:27 GMT+7

Xây trường cho trẻ, cần chìa khóa mở nhiều cửa

TP.HCM đang thiếu 10.000 phòng học và vẫn đang "gánh" áp lực tăng 20.000 học sinh hằng năm. Thế nhưng TP.HCM vẫn bị trói tay để giải quyết chỗ học cho trẻ em.

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm, quận Bình Tân, TP.HCM. Ngôi trường có 3.000 chỗ học đã giải quyết được phần nào áp lực thiếu chỗ học vì số dân cơ học tăng cao ở quận này - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm, quận Bình Tân, TP.HCM. Ngôi trường có 3.000 chỗ học đã giải quyết được phần nào áp lực thiếu chỗ học vì số dân cơ học tăng cao ở quận này - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cần cơ chế đặc thù để TP.HCM đẩy nhanh việc xây thêm trường lớp cho học sinh phổ thông. Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến góp ý xung quanh vấn đề này.

* Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh (người sáng lập Hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM):

Xin phép xây trường mất hơn 4 năm

Chính sách xã hội hóa giáo dục luôn được đề cao. Tuy nhiên, các văn bản và hướng dẫn dưới luật lại chưa đồng bộ với chủ trương chính sách. Luật đất đai chưa có nút tháo gỡ thủ tục giao đất cho giáo dục.

Thực tế hiện nay quỹ đất dành cho giáo dục rất nhiều, nhưng những người làm giáo dục khó tiếp cận. Trong quy hoạch các khu dân cư lớn đều có quỹ đất giáo dục phổ thông, nhỏ thì giáo dục mầm non. Đa số chủ đầu tư các dự án nhà ở lại không mặn mà với giáo dục, họ găm đất chờ cơ hội được giá cao mới chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng vòng vèo bằng cách tách thửa đất giáo dục, đất y tế để rồi sang nhượng cổ phần. Đơn vị đầu tư giáo dục nhận sang nhượng cổ phần, dần dần mua toàn công ty để được quyền sở hữu đất và làm thủ tục cấp phép xây dựng.

Việc xin giấy phép xây dựng thật vô cùng gian nan. Dự án TP đã duyệt bản đồ tỉ lệ 1:500, thể hiện đất dành cho giáo dục nhưng chưa thể xây được trường ngay.

Nhà đầu tư phải làm hàng loạt các thủ tục như hồ sơ điều chỉnh hình khối phải lấy ý kiến từ tổ dân phố, phường, quận và các sở liên quan, cuối cùng mới tới UBND TP.

Sau đó lại duyệt thiết kế cơ sở cũng phải đi qua nhiều cơ quan chức năng của TP, UBND TP rồi mới qua Bộ Xây dựng duyệt thẩm định kỹ thuật. Sau đó mới trở lại TP để duyệt cấp phép xây dựng.

Vì những lý do trên nên cơ sở Trường Ngô Thời Nhiệm ở quận Bình Tân (TP.HCM) phải trải qua hơn 4 năm mới hoàn thành (tính từ lúc thương thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đến lúc được cấp giấy phép).

Trường mầm non Ngô Thời Nhiệm nằm cạnh lô đất xây trường phổ thông tại phường An Lạc (quận Bình Tân), hiện chúng tôi cũng đang xin giấy phép xây dựng, đã chờ một năm nay, không biết đến bao giờ mới có.

Cần có những quy định mới tháo gỡ thủ tục giao đất cho nhà đầu tư giáo dục được thuận lợi và cải cách các thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng. Như vậy mới có thể đẩy nhanh tốc độ xây dựng thêm trường lớp cho TP.HCM.

* Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM:

Đẩy nhanh tiến độ xây trường, không dễ

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm TP.HCM tăng thêm 20.000 học sinh các cấp. Số học sinh tăng chủ yếu ở các địa phương có dân số tăng cơ học cao như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân, Tân Phú, 12, 8, Gò Vấp...

Số học sinh tăng nhanh và tăng cao, nhưng tiến độ xây dựng trường lớp mới hiện tại khá chậm vì nhiều lý do.

TP đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 12/22 quận, huyện đạt được chỉ tiêu trên. Các quận, huyện đang gặp nhiều khó khăn là những quận, huyện có số dân cơ học tăng cao.

Còn một nguyên nhân nữa là công tác đầu tư tăng thêm trường lớp chưa khả thi; vẫn còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang "vướng" về định mức diện tích đất bình quân/học sinh. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, định mức diện tích đất bình quân/học sinh là: mầm non: 10 - 12m2/học sinh, tiểu học: 8 - 10m2/học sinh, THCS: 8 - 10m2/học sinh, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học: 10m2/học sinh.

Trong điều kiện của thành phố, định mức này đã tạo nhiều khó khăn trong công tác phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục có nhiều đổi mới. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động giáo dục, tuy nhiên tập trung nhiều ở khối nhà trẻ, mầm non. Khối giáo dục phổ thông thì chưa thực sự tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Từ thực trạng trên, tôi cho rằng TP.HCM cần có cơ chế, giải pháp đặc thù.

Thứ nhất, rất cần những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia việc đầu tư phát triển mạng lưới trường học.

Thứ hai là cần xem xét để phê duyệt định mức diện tích đất bình quân/học sinh phù hợp với đặc thù riêng của TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp.

Nếu định mức giảm xuống so với quy định hiện nay, các công trình xây dựng trường sẽ tăng thêm được rất nhiều phòng học. Bên cạnh đó, cần có cách tính chỉ tiêu sử dụng đất trường học phù hợp đối với các loại hình trường học ngoài công lập trong các đồ án quy hoạch phân khu.

Thiếu hơn 10.000 phòng học

Nếu tính theo chỉ tiêu đến năm 2025 TP.HCM đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học thì toàn TP thiếu 10.074 phòng học cho bậc tiểu học, THCS và THPT.

Trong đó, thiếu nhiều ở bậc tiểu học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu đối với bậc tiểu học là 100% học sinh học 2 buổi/ngày, nhưng thực tế nhiều đơn vị của TP không đáp ứng được yêu cầu này.

Ở một số trường tiểu học, ngay cả lớp 1 buổi/ngày cũng phải chấp nhận để sĩ số học sinh/lớp cao hơn gấp rưỡi so với quy định của Bộ GD-ĐT.

Hiện tại, các nhà trường hiện có trên địa bàn TP vẫn bảo đảm chỗ học cho toàn bộ con em nhân dân. Để thực hiện được việc này thì các trường phải tăng số lớp, các lớp phải tăng sĩ số học sinh.

Thực tế này không chỉ gây hạn chế về chất lượng giảng dạy mà còn gây khó khăn cho giáo viên, nhà trường trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là chưa kể điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại...

(theo Sở GD-ĐT TP.HCM)

* Bà Văn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM):

Khơi thông vốn xã hội hóa xây trường lớp

Trong dự thảo nghị quyết mới có nội dung TP đề xuất được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nếu đề xuất này được thông qua, TP sẽ có thêm nguồn lực to lớn để đầu tư cho hạ tầng, trong đó có trường học.

Lý do khác trong việc khó triển khai các dự án xây dựng trường học là quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Ví dụ như quận 12 đã từng đề nghị danh sách các trường cần xây dựng trên địa bàn, tới nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hay như quận Tân Phú đề xuất được thu hồi, giải phóng mặt bằng một số khu đất của Nhà nước đóng trên địa bàn để xây trường nhưng vướng quy trình thủ tục rất nhiều.

Hiện còn tồn tại một vướng mắc nữa về phía quy định pháp luật. TP muốn khuyến khích xã hội hóa đầu tư trường học nhưng quỹ đất muốn xây trường phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phải là đất giáo dục.

Nếu không thì phải đề xuất chuyển mục đích sử dụng và điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nhưng sau thời gian người ta không muốn làm giáo dục nữa lại không có cơ chế để quay ngược trở lại chuyển trả mục đích sử dụng đất trước đó. Đây cũng là một trở ngại trong chuyện thu hút xã hội hóa đầu tư.

Những chính sách, cơ chế đặc thù trong dự thảo nghị quyết lần này (từ các vấn đề về đất đai, thuế, thủ tục hành chính) mong rằng sẽ khơi thông các điểm nghẽn để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.

Thực tiễn cho thấy một trong những nguyên nhân hiện nay là thiếu vốn để bố trí cho việc triển khai xây trường. Nguồn vốn để phát triển hạ tầng cho TP không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

CẨM NƯƠNG ghi

TP.HCM: Có thể xây mới bệnh viện, trường học ở quận nội thành cũTP.HCM: Có thể xây mới bệnh viện, trường học ở quận nội thành cũ

UBND TP.HCM có chỉ đạo mới thay cho chỉ đạo không quy hoạch, xây mới các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở y tế ở khu vực trung tâm TP và các quận nội thành cũ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên