![Xây nhà ở mới tại châu Âu tăng giảm kiểu 'da beo' - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/nha-o-chau-au-helsinkitimes-1739545963491134149183.jpg)
Ở công trường xây dựng tòa tháp văn phòng Horisontti, do SRV xây dựng, tại khu vực Kalasatama của Helsinki (Phần Lan). Niềm tin vào ngành công nghiệp và xây dựng đang gia tăng - Ảnh: Helsinkitimes
Nước Đức đang phải đối mặt sự suy giảm mạnh nhất, thời báo Helsinki Times nhận xét. Trong trường hợp xấu nhất, chỉ có 175.000 ngôi nhà mới được xây dựng vào năm 2026, ít hơn 15% so với năm trước.
Xây dựng nhà ở tại châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, với 1,5 triệu ngôi nhà dự kiến hoàn thành vào năm 2025, giảm 5,5% so với năm 2024, theo dự báo từ mạng lưới Euro Construct.
Ông Ludwig Dorffmeister - một chuyên gia xây dựng của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo - cho biết chi phí xây dựng cao là trở ngại lớn đối với quá trình phục hồi.
"Ở Đức, chi phí xây dựng cao đang ngăn cản sự phục hồi nhanh chóng của thị trường. Tuy nhiên, ở phần còn lại của châu Âu, xây dựng nhà ở đang bắt đầu phục hồi, được hỗ trợ bởi dân số ngày càng tăng", ông Dorffmeister giải thích.
Bắc Âu đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện mạnh mẽ nhất. Thụy Điển dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng 12% về số lượng nhà hoàn thành vào năm 2025.
Đến năm 2026, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy dự kiến đạt mức tăng trưởng lần lượt 28%, 23% và 13%. Ba Lan cũng dự kiến chứng kiến mức tăng 10%.
Ngược lại, một số quốc gia sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy giảm. Áo dự kiến ghi nhận mức giảm 9% về số lượng nhà hoàn thành vào năm 2026. Pháp và Ý dự kiến mỗi nước sẽ chứng kiến mức giảm 3%.
Các dự án kỹ thuật dân dụng trên khắp châu Âu vẫn đang mở rộng, được thúc đẩy bởi đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng. Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2027.
Ông Dorffmeister dự báo: "Kỹ thuật xây dựng dân dụng ở châu Âu có thể sớm đạt đến đỉnh cao sau 11 năm tăng trưởng gần như ổn định".
Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại còn 1,5% vào năm 2027, so với mức trung bình 2,5% từ năm 2017 đến năm 2024.
Tài chính công đang căng thẳng, dẫn đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể hạn chế đầu tư cơ sở hạ tầng. Tình trạng thiếu lao động và chi phí xây dựng tăng cũng góp phần làm chậm việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận