10/10/2018 11:44 GMT+7

Xây nhà hát giao hưởng, cần phải nhìn xa

MINH KHÔI - D.N.HÀ ghi
MINH KHÔI - D.N.HÀ ghi

TTO - Chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Xây nhà hát giao hưởng, cần phải nhìn xa - Ảnh 1.

Nhà hát TP.HCM với 500 chỗ do Pháp xây dựng là nơi biểu diễn, “ở trọ” của Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến liên quan:

Ông Trần Vương Thạch (giám đốc Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM):

Thủ tục xây dựng mất ít nhất 2 năm

Thiết chế văn hóa của cả ngành văn hóa TP hoàn toàn thiếu thốn từ mấy chục năm. Không những các nhà hát đều xuống cấp, không có công trình xây dựng mới, mà còn mất mát. Nhu cầu xây dựng nhà hát đã có từ lâu lắm rồi.

Nếu nhìn đúng, dự án nhà hát giao hưởng đã có trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 20 năm nay. Trước đó, nhà hát dự kiến được xây dựng trên khu đất 23 Lê Duẩn, sau đó là công viên 23-9.

Khi hình thành đồ án quy hoạch Thủ Thiêm, ngay từ đầu đã có nhà hát, nằm trong các hạng mục đương nhiên phải có của một khu đô thị mới như thư viện, bảo tàng, công viên, bệnh viện...

Tuy nhiên, hiện tại dư luận lên tiếng là vì những sai sót về mặt giải phóng mặt bằng, chính sách đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

Chuyện xây nhà hát được thông qua rơi vào thời điểm câu chuyện Thủ Thiêm chưa giải quyết xong. Hai câu chuyện khác nhau nhưng trùng một thời điểm, thành ra "gặp khó", chứ tôi không nghĩ mọi người cho rằng việc xây nhà hát là không đúng đắn.

Trong việc xây dựng cần nhìn ở tầm xa. Về tương lai, TP phải có nhà hát mới mới trở thành TP văn minh, bên cạnh những hạng mục phục vụ vật chất phải có hạng mục phục vụ tinh thần.

Mọi người và ngay cả chính tôi đều chia sẻ với những thiệt thòi của người dân Thủ Thiêm. Đó là quyền lợi chính đáng phải giải quyết cho người dân. Nhưng không phải vì vậy mà mình dừng hẳn hoặc dời những việc tương lai của cả TP.

Đặt hai chuyện vào một góc nhìn sẽ khá chênh lệch và khiến việc xây dựng nhà hát được nghĩ một cách sai lệch.

HĐND thông qua chủ trương xây dựng nhà hát mới chỉ là bước đầu. Tiếp theo phải thực hiện thêm các thủ tục: tổ chức thi tuyển thiết kế quốc tế, kêu gọi đấu thầu. Những quy trình này chắc chắn sẽ mất ít nhất 2 năm nữa, khi đó mới xây dựng nhà hát.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Phải thuyết phục dân dự án là cần thiết

Các đại biểu HĐND, là đại diện cho dân, biểu quyết về việc xây dựng nhà hát. Nếu kết quả biểu quyết làm cho dân phản ứng tức người dân chưa hiểu, chưa thông, HĐND nên giải thích cho dân.

Cách thuyết phục người dân tốt nhất là liệt kê những công trình trọng điểm cần vốn hiện nay của TP, vị trí nhà hát đang nằm ở đâu, vì lý do gì nhà hát cần ưu tiên xây dựng hơn những công trình khác?

Dự án nhà nước xây dựng cho dân thì cần nhất là được người dân đồng thuận. Nhà nước phải chứng minh được hiệu quả xã hội của công trình (người dân thực sự cần nhà hát, không có không được), hoặc hiệu quả kinh tế (nhà hát này đem lại lợi nhuận kinh tế cao). Đây cũng là cách quản lý đô thị của các nước trên thế giới.

UBND TP cho rằng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch cần cho người dân thì cũng không sai. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, TP đang thiếu kinh phí, nhiều dự án quan trọng của TP đang bị ách tắc thì việc chi tiêu số tiền ngàn tỉ cần cân nhắc.

Ông Trần Vĩnh Tuyến (phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Làm chặt chẽ, không lãng phí nguồn lực nhà nước

Không phải cuộc sống người dân khó khăn là không cần công trình thiết chế văn hóa. Quan trọng là làm sao công trình đạt chất lượng, không lãng phí nguồn lực nhà nước.

Còn về thiết chế văn hóa, hiện nay TP chưa có công trình nào đạt chuẩn, chưa có nhà hát giao hưởng, trong khi nguồn nhân lực về nghệ thuật của TP đạt chất lượng.

Hiện giờ mới chỉ thông qua chủ trương, còn phương thức đầu tư, TP sẽ tính toán có lợi nhất.

Cần khẳng định trong thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, cái sai TP phải kiên quyết sửa, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhưng cái gì đúng mình làm tiếp để hoàn chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cần công trình văn hóa xứng tầm

Theo tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND TP về quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP, "TP.HCM là một TP văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.

Trước đây vào thời Pháp thuộc, TP có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP.

Nay chỉ còn Nhà hát TP còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế".

Vì vậy, theo UBND TP.HCM, "việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh".

TP.HCM sẽ xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm TP.HCM sẽ xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm

TTO - Ngày 8-10, kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng.

MINH KHÔI - D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên